Tại một buổi bán đấu giá ở nhà đấu giá Christie’s, một tác phẩm nghệ thuật chỉ tồn tại ở dạng số đã được bán với mức giá khủng khiếp 50 triệu USD. Song, thứ người mua nhận được không phải là một pho tượng, một bức tranh, hay thậm chí là một bản sao, mà chỉ là một token không thể thay thế (non-fungible token). Cũng như Bitcoin từng làm điên đảo lĩnh vực tiền tệ, NFT được dự báo sẽ là cơn chấn động đối với giới sưu tập.
Token không thể thay thế là gì?
Thuật ngữ “tài sản có thể thay thế” trong kinh tế học chỉ những đơn vị dễ dàng trao đổi ngang giá - tiền chẳng hạn. Bạn có thể đổi một tờ 10 pounds lấy hai tờ 5 pounds và giá trị “tài sản” bạn sở hữu vẫn không đổi.
Tuy nhiên, đối với tài sản không thể thay thế, điều này là bất khả, đó là do nó sở hữu một đặc điểm độc đáo nào đó không thể tìm thấy ở các thứ khác. Tài sản không thể thay thế có thể là một căn nhà, một tác phẩm nghệ thuật, bức “Mona Lisa” chẳng hạn. Bạn có thể chụp ảnh hoặc tìm bản sao bức tranh, nhưng lúc nào cũng chỉ tồn tại duy nhất một bản gốc mà thôi.
Token không thể thay thế (NFT) là loại tài sản số “độc nhất” có thể được trao đổi như bất kỳ tài sản nào khác, nhưng không tồn tại dưới dạng vật thể. Token số này có thể được xem như giấy chứng nhận sở hữu vật phẩm bạn vừa mua được, bất kể nó là vật thật hay vật ảo.
NFT hoạt động như thế nào?
Các tác phẩm có thể được “token hoá” thành NFT, một chứng từ số có thể mua bán được. Tương tự tiền ảo, sẽ có một hệ thống, gọi là chuỗi khối (blockchain), ghi nhận ai sở hữu chứng từ gì. Chuỗi khối này không thể làm giả bởi nó được hàng ngàn máy tính khắp thế giới lưu trữ. NFT có thể bao gộp trong nó một hợp đồng thông minh, tự động chia phần trăm cho tác giả tạo ra nó trong các đợt mua bán sau.
Có gì ngăn mọi người sao chép các tác phẩm số không?
Trong khi các tác phẩm nghệ thuật cổ điển tồn tại độc nhất, các tập tin số có thể được nhân bản vô hạn lần. Vì thế, câu trả lời là không. Hàng triệu người đã xem qua tác phẩm trị giá 69 triệu USD của Beeple và bức ảnh đã được sao chép và chia sẻ không biết bao nhiêu lần.
Trong nhiều trường hợp, tác giả còn giữ bản quyền của tác phẩm để có thể tự họ sao chép và bán các bản sao. Nhưng mỗi người mua NFT vẫn sẽ nắm trong tay một “token” chứng minh họ đang sở hữu bản “gốc”. Nhiều người so sánh NFT giống như một bản sao có chữ ký của tác giả vậy.
NFT đáng giá bao nhiêu?
Trên lý thuyết, bất kỳ tác giả nào cũng có thể token hoá các tác phẩm của mình và bán nó dưới dạng NFT. Cư dân mạng thời gian qua phát sốt với những thương vụ NFT hàng triệu đô. Ngày 19 tháng 2, ảnh động Nyan Cat - một meme phổ biến năm 2011 - được bán với giá hơn 500.000 USD. Vài tuần sau, ca sĩ Grimes bán vài tác phẩm số của cô với giá hơn 6 triệu USD.
Trên thực tế, không chỉ có tác phẩm nghệ thuật được “token hoá”. Jack Dorsey, người sáng lập Twitter, rao bán dòng tweet đầu tiên, và có những người trả đến tận 2,5 triệu USD. Kỷ lục mới nhất chính là tác phẩm số của Beeple đã nêu ở trên.
Tuy nhiên, giống tiền ảo, NFT cũng dấy lên mối lo ngại về sự ổn định cũng như tác động đến môi trường bởi nó sử dụng công nghệ chuỗi khối.
Đây có phải một loại bong bóng mới?
Vài ngày trước buổi đấu giá, Beeple - tên thật là Mike Winkelmann - có trả lời BBC: “Tôi nghĩ bong bóng rồi sẽ xuất hiện. Mà rất có thể chúng ta đang ở trong bong bóng rồi đó chứ.”
David Gerard, tác giả một cuốn sách về công nghệ chuỗi khối, cho rằng NFT không khác trò đổi thẻ sưu tập của trẻ em là bao: “Nhiều nghệ sĩ sẽ ăn nên làm ra với loại hình mới này… có điều bạn không phải là một trong số đó.” Ông còn gọi những người bán NFT là “kẻ lừa đảo công nghệ ảo”.
Charles Allsopp, trước đây từng là nhân viên đấu giá tại Christie’s, cho rằng việc mua bán NFT thật sự “vô nghĩa”.
Ông nói: “Thật kỳ lạ khi mọi người đổ xô mua một thứ không hiện hữu. Tôi cho rằng những người đổ tiền vào NFT chỉ là những kẻ khôn vặt, nhưng mong sao họ không mất tiền.”
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)