Có lẽ bạn đã bắt đầu lên danh sách mục tiêu cho năm mới, hứa sẽ tập các thói quen tốt giúp 2025 được đầu xuôi đuôi lọt. Tuy nhiên, bạn có nghĩ đến việc bỏ một số thói quen xấu lại đằng sau chưa?

Ảnh: George Marks
Nói đến chăm sóc da, tin giả lúc nào cũng lấn át cả tin thật. Bác sĩ Anjali Mahto, tư vấn viên da liễu tại Self London, cảnh báo một số “mốt” chăm sóc vô cùng độc hại nổi lên trong năm 2024 vừa qua.
Chăm sóc da chuẩn y khoa
Cô giải thích: “Thuật ngữ “chuẩn y khoa” đã trở thành từ khoá cho nhiều chiến dịch marketing. Những sản phẩm gắn nhãn này được cho là mạnh hơn hay có cơ sở khoa học hơn. Song, thực tế là đồ “chuẩn y khoa” chẳng có ý nghĩa gì về mặt y học hay kiểm định cả. Chúng thường có nồng độ hoạt chất cao hơn các sản phẩm khác, nhưng không có nghĩa là chúng hiệu quả hơn.”
Bác sĩ Mahto không nói tất cả sản phẩm gán nhãn trên đều tệ mà chỉ khuyên người dùng nên chú ý vào chất lượng thành phần và công thức làm nên sản phẩm: “Nhiều sản phẩm bán đại trà có tác dụng tương đương - và thậm chí tốt hơn cho người mẫn cảm - so với những thương hiệu “chuẩn y khoa”. Lựa chọn sản phẩm dưỡng da phải dựa trên khoa học, chứ không phải từ khoá nổi bật.”
“Botox đóng chai”
Trong lúc các nguyên liệu như argireline (loại peptit có khả năng giảm vết hằn, nhăn trên da) dần nổi lên, bác sĩ Mahto có nhắc nhở thân thiện rằng các sản phẩm dưỡng da không thể nào dùng thay botox được: “Botox chặn tín hiệu thần kinh truyền đến các cơ, vì vậy giảm khả năng co của chúng. Chỉ dùng các sản phẩm bôi ngoài da thì không bao giờ đạt được hiệu ứng như thế.” Vậy nên khi thấy nhãn hiệu nào hứa hẹn sẽ cung cấp “botox đóng chai”, hãy nhớ rằng sản phẩm như vậy không tồn tại đâu, đừng kỳ vọng quá nhiều.
Retinoid cho mọi nhà
Các tín đồ chăm sóc da đã quen nghe retinol hay retinoid là khuôn vàng thước ngọc cho gần như mọi vấn đề về da từ mụn cho tới lão hoá. Đúng là hiệu quả của chúng rất đáng kể, song như bất kỳ phương pháp chăm sóc da nào khác, các hoạt chất này không phải thuốc chữa bách bệnh.
Bác sĩ Mahto thận trọng: “Retinoid có công dụng thật, nhưng không phải ai dùng cũng hợp. Tôi từng gặp nhiều bệnh nhân vì nhìn hàng loạt quảng cáo và nghe lời người nổi tiếng mà bị thôi thúc sử dụng chúng, để rồi da bị ngứa hay bị kích ứng.” Hãy lắng nghe làn da của bạn, trên thị trường vẫn còn nhiều hoạt chất phù hợp với nhu cầu của làn da.
Bơm tiêm giá rẻ
Bác sĩ Mahto bày tỏ quan ngại về vấn đề mà cô cho là khá nhức nhối trong làng thẩm mỹ: “Khuyến mãi các loại chất tiêm chích vào người không chỉ thất đức mà còn nguy hiểm tới tính mạng bệnh nhân. Thuốc tiêm cần phải được xem xét thận trọng về mặt y tế và khi tiêm phải có kỹ thuật đàng hoàng. Vì vậy, các bạn nên hết sức cảnh giác với các phòng khám cung cấp dịch vụ tiêm bơm hạ giá. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy tiêu chuẩn dịch vụ có vấn đề hay phòng khám đó chạy theo lợi nhuận. Chất lượng và an toàn luôn nên được ưu tiên hơn là giá cả phải chăng.”
Kem chống nắng tự chế
Năm 2024 vừa qua, nhiều nhân vật tầm cỡ với lượt theo dõi khổng lồ đăng hàng loạt video “làm kem chống nắng tại nhà”. Bác sĩ Mahto và nhiều chuyên gia da liễu khác khá bất bình trước làn sóng này: “Kem chống nắng nhà làm không chỉ vô dụng mà đôi khi còn gây hại. Các công thức SPF vô cùng phức tạp, đòi hỏi phải được pha theo thông số chính xác để đảm bảo khả năng bảo vệ da đồng nhất. Đây sẽ là hàng phòng vệ đầu tiên giúp da tránh ung thư và lão hoá. Đừng thấy làm tại nhà tiện mà phó mặc làn da của bạn cho những công thức không được chứng thực.”
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)