Trải qua nhiều thời kỳ, cử tạ vẫn là môn thể thao có tính cạnh tranh cao và rất phổ biến. Từ những ngày đầu, con người luôn có ao ước trở nên to lớn và mạnh mẽ hơn những người khác, vì vậy môn thể thao giúp tăng cường sức mạnh được phát triển và duy trì qua nhiều thiên niên kỷ.
Lịch sử cổ đại
Bằng chứng cổ xưa nhất chứng tỏ sự hiện diện của môn cử tạ có từ thời nhà Chu của Trung Quốc, thời đại này kéo dài từ thế kỷ thứ 10 TCN cho đến năm 256 TCN. Vào thời kỳ này các tân binh phải vượt qua các bài kiểm tra cử tạ trước khi được nhận vào quân đội. Các tác phẩm khác nhau của nền văn minh Hy Lạp cổ đại cũng miêu tả môn cử tạ với các bức hình điêu khắc người Hy Lạp nâng các tảng đá nặng. Cuối cùng, người Hy Lạp đã thay thế các tảng đá lớn bằng những quả tạ nguyên thủy và sử dụng chúng như những công cụ rèn luyện thể chất.
Những kỳ Thế vận hội đầu tiên
Môn cử tạ xuất hiện trên trường quốc tế lần đầu tiên tại kỳ Thế vận hội 1896. Tại kỳ Thế vận hội này, Launceston Elliot của Vương quốc Anh giành chiến thắng ở nội dung “Nâng một tay” và Viggo Jensen của Đan Mạch giành chiến thắng ở nội dung “Nâng hai tay”. Sau đó, môn cử tạ không xuất hiện tại Thế vận hội 1900 nhưng nó trở lại trường quốc tế vào kỳ Thế vận hội 1904. Các vận động viên của Hy Lạp đoạt huy chương vàng ở nội dung “Nâng hai tay”. Một lần nữa, môn cử tạ không phải là môn thể thao thi đấu tại kỳ Thế vận hội 1908 và 1912 nhưng từ kỳ Thế vận hội 1920 trở đi nó trở thành môn thể thao thi đấu chính thức.
Phụ nữ và cử tạ
Ivy Russell của Anh là người tiên phong cho cử tạ nữ. Russell bắt đầu tập cử tạ vào năm 1921 khi cô 14 tuổi. Đầu những năm 1930, Russell giành chiến thắng tại cuộc thi cử tạ nữ đầu tiên được tổ chức bởi Hiệp hội Cử tạ Nghiệp dư Anh quốc. Năm 1965, cuộc thi Miss Universe dành riêng cho các vận động viên thể hình được khởi xướng. Tại kỳ Thế vận hội 2000, môn cử tạ nữ trở thành môn thi đấu chính thức và Tara Nott của Mỹ là người phụ nữ đầu tiên giành huy chương vàng.
Đình Phú
Theo livestrong.com