Trang chủ»Thể thao»Sự kiện thể thao

Sự kiện thể thao

Sau một năm, World Cup 2022 còn đọng lại những gì?

Chung kết World Cup 2022 sẽ luôn là trận đấu kịch tính và đáng nhớ nhất trong lịch sử túc cầu.



Lionel Messi nâng chiếc cúp vàng sau trận chung kết gay cấn là một trong những hình ảnh đáng nhớ nhất kỳ World Cup Qatar 2022 - Ảnh: Julian Finney / Getty Images

Đó là khoảnh khắc rực sáng trên sân cỏ của Lionel Messi. Dẫn dắt tuyển Argentina đến chiến thắng chung cuộc, anh khẳng định bản thân là chân sút tài ba nhất trong thế hệ của mình. Với nhiều người, đây quả là cái kết viên mãn cho hàng tỷ tín đồ quả bóng tròn trên khắp thế giới. Song, có vẻ vì vậy mà nhiều người cũng quên rằng đây là kỳ World Cup nhiều lùm xùm nhất.

Trở lại những ngày đầu, chủ đề bàn tán sôi nổi hầu hết là những chuyện ngoài sân cỏ: từ tình trạng của công nhân đến sự kỳ thị tột độ dành cho cộng đồng LGBTQ+.

Và một năm đã trôi qua kể từ đêm chung kết đáng nhớ, World Cup 2022 còn đọng lại gì?

Cái giá nhân lực

Nhiều tổ chức nhân quyền kịch liệt phản đối quyết định cho Qatar làm nước chủ nhà World Cup.

Trong một báo cáo công bố năm 2021, tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc chính quyền Qatar đã không điều tra cái chết của “hàng nghìn” lao động nhập cư trong thập kỷ vừa qua “mặc dù có chứng cứ cho thấy mối liên hệ giữa môi trường lao động thiếu an toàn và nguy cơ tử vong cao”.

Cũng trong năm đó, tờ Guardian báo cáo đã có khoảng 6.500 lao động nhập cư từ Nam Á bỏ mạng tại Qatar từ khi nước này được chọn làm quốc gia đăng cai World Cup 2022 vào năm 2010. Bài báo không liên hệ trực tiếp toàn bộ số thương vong trên với công tác xây dựng hạ tầng World Cup và con số cũng không được xác thực.

Thực tế thì không một ai biết rõ cái giá nhân lực phải bỏ ra cho kỳ World Cup vừa rồi là bao nhiêu khi toàn bộ công tác xây dựng cơ sở hạ tầng bắt đầu từ số không và công nhân phải làm việc trong cái nóng hầm hập mùa hè. Những công trình dựng nên thật sự rất đẹp. Một số giờ được sử dụng cho các hoạt động văn hoá, thể thao; song một số khác vẫn hoàn toàn bỏ trống suốt quãng thời gian qua.

Qatar từng hứa sẽ thay đổi chính sách đối với người lao động, nhưng lời hứa ấy có bao giờ được thực thi? Một năm sau trận cầu đáng nhớ, các lao động nhập cư vẫn ở trong “tình trạng hiểm nghèo”, theo Ân xá Thế giới.

Báo cáo “A Legacy in Jeopardy” (tạm dịch: “Di sản bấp bênh”) của tổ chức này có đoạn: “Khi những chiếc máy ảnh từ các quốc gia khác ngừng loé sáng cũng là lúc nỗ lực đảm bảo môi trường làm việc tốt hơn, công bằng hơn cho hàng trăm ngàn nam nữ lao động từ phía chính phủ Qatar tắt lịm. Chính những đôi tay này đã biến giấc mơ World Cup thành hiện thực và trường tồn trong nhiều năm tháng tới.”

Ân xá Quốc tế có ghi nhận một số tiến triển như công nhân có thể rời Qatar hay thay đổi công việc dễ dàng hơn. Hệ thống kafala - mối quan hệ bất bình đẳng giữa chủ thuê và lao động nhập cư - cũng chỉ là câu chuyện dĩ vãng.

Song, tổ chức này vẫn cho rằng ngược lại những tuyên bố tích cực từ FIFA và Qatar, tình hình vẫn không cải thiện gì nhiều sau khi World Cup đi qua. Theo họ, một số lao động vẫn cần giấy phép mới chuyển nghề được và tình trạng ăn chặn lương thưởng vẫn là vấn nạn trầm kha. Ân xá Quốc tế kết luận: “Chúng ta không được phép quên những người đã đặt nền móng cho World Cup 2022.”

Trong khi đó, một tuyên bố từ Cơ quan Truyền thông Quốc tế của Qatar (IMO) - đơn vị có nhiệm vụ “phản ánh chân thực hình ảnh Qatar” lại cho rằng công tác đổi mới được đẩy nhanh hơn nhờ World Cup, “minh chứng cho tác động lớn và lâu dài của mùa giải này”.

Cũng trong tuyên bố: “Cam kết chấn chỉnh hệ thống lao động tại Qatar và bảo vệ quyền nhân công chưa bao giờ gắn liền với World Cup mà dự kiến sẽ kéo dài ngay cả khi mùa giải đã kết thúc. Sau một năm, Qatar vẫn kiên quyết với cam kết cải tổ bộ máy lao động thành hệ thống đi đầu thế giới, thu hút nhân lực từ mọi nơi đến sinh sống và làm việc tại Qatar.”

“Tiến bộ đáng kể”

Kể từ khi công bố Qatar sẽ là nước chủ nhà 13 năm về trước, FIFA lúc nào cũng trong thế phòng thủ. Tổ chức này sau đó thành lập Quỹ World Cup Legacy chú trọng vào giáo dục trẻ em tại những nước đang phát triển và dự định “thành lập đầu não tiên phong về lao động”.

FIFA cho biết sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng như Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhằm giám sát tiến độ quyền người lao động. Liên đoàn nhận định: “Không còn nghi ngờ gì nữa, Qatar đã có tiến bộ đáng kể. Mùa giải vừa qua là chất xúc tác cho các đợt cải tổ.”

Tuy vậy, FIFA thừa nhận chặng đường phía trước hãy còn dài: “Rõ ràng để triển khai những đổi mới như vậy cần rất nhiều thời gian cũng như nỗ lực để đảm bảo chúng mang lại lợi ích cho tất cả lao động tại quốc gia này.”

ILO, trong báo cáo công bố tháng 11 vừa qua, nhấn mạnh cả những tiến bộ quyền lao động đã đạt được lẫn những vấn đề còn cần giải quyết.

“Quá nhiều kỷ niệm”

Đối với nhiều người dân Qatar thì kỳ World Cup vừa qua sẽ được nhớ mãi.

Năm 2022, Reem Al-Hadad có nói lên suy nghĩ của cô về ý nghĩa của World Cup đối với chính cô và với những người đồng hương. Câu chuyện của cô là một trong số rất nhiều mẩu chuyện thuộc dự án “GOAL” do các tổ chức như The Sports Creative, Qatar Foundation, Generation Amazing, và Salam Stores phối hợp triển khai. Theo quản lý dự án, Goal Click, “GOAL” tập hợp những câu chuyện chưa được kể về kỳ World Cup 2022, những câu chuyện không bị ảnh hưởng hay thao túng từ phía chính quyền Qatar.

Tròn một năm sau ngày kết thúc World Cup, Al-Hadad lại chia sẻ suy nghĩ của cô về di sản World Cup 2022: “Có quá nhiều kỷ niệm, từ gặp gỡ và kết bạn với những người mới, những du khách mới ghé thăm đất nước tôi, cho đến cơ hội giao lưu văn hoá và câu chuyện những vị khách đó đã dần yêu văn hoá Qatar như thế nào. Tất cả những gì gắn liền với World Cup đều thật khó quên. Tôi cho rằng đó là quãng thời gian đẹp nhất.”

Năm trước, khi mùa bóng đá lớn nhất hành tinh vẫn đang diễn ra, Al-Hadad khá ngần ngại khi nói về làn sóng phản đối quê nhà của cô trên bình diện nhân quyền, mà chỉ tập trung vào bóng đá, nói rằng môn thể thao này gắn kết và xoa dịu căng thẳng giữa các quốc gia ra sao. Hiện tại, cô mạnh mẽ lên án những ai từng chỉ trích Qatar, đặc biệt là những quốc gia và tổ chức mà cô cho rằng đã đứng yên, không giúp gì người dân Palestine trong xung đột giữa Israel và Hamas tại Dải Gaza.

Cô bày tỏ: “Tôi không hiểu tại sao họ chỉ nói về nhân quyền trong thời gian diễn ra World Cup còn hiện tại thì lại im bặt. Như tôi đã từng nói, mọi quốc gia trên thế giới này đều có những mặt cần cải thiện và tôi nghĩ Qatar ngày một tốt hơn tất cả mọi mặt.”



Trẻ em tại Qatar chơi bóng đá - Ảnh: Reem Al-Haddad / Goal Click

Cô cho biết du khách rời khỏi Qatar khi World Cup kết thúc đã trân trọng quê nhà của cô nói riêng và vùng Trung Đông nói chung hơn. Rồi cô cũng thấy lượng khách sang thăm nước cô ngày một tăng kể từ lúc đó.

Khi được hỏi thật sự thì Qatar cải thiện như thế nào hậu World Cup, Al-Hadad nói rõ nhất là ở thể thao. Cô cho biết các thế hệ trẻ đã được mùa giải năm ngoái truyền cảm hứng và bắt đầu chơi đá bóng ngày một nhiều hơn.

Cô còn hứng thú chỉ ra tác động tích cực của World Cup đối với vị thế của phụ nữ trong giới thể thao, cho rằng ngày càng có nhiều sự kiện thu hút đông đảo nữ giới tham gia ở nhiều bộ môn, hạng mục hơn trước: “Tất cả các anh chị em họ của tôi, mặc dù trước kia chẳng dính dáng gì đến trái bóng tròn, giờ cũng bắt đầu thích thú với môn thể thao này và nhớ hết tên các cầu thủ. Có thể nói, tình yêu dành cho bóng đá ngày một sâu đậm hơn cũng là nhờ World Cup.”

IMO nhận định World Cup chỉ là khởi điểm cho giấc mơ đăng cai sự kiện thể thao của Qatar: “Giờ cơ sở hạ tầng đã đầy đủ, đã có các sân vận động, hệ thống giao thông, chỗ ở. Cộng với kỳ World Cup được lên kế hoạch và tổ chức an toàn, rộng mở nhất trong lịch sử, tất cả minh chứng cho năng lực tổ chức sự kiện thể thao quy mô lớn của Qatar. Tiếp tục phát huy cơ sở hạ tầng sẵn có, chúng tôi sẵn sàng đăng cai thêm nhiều sự kiện thể thao nữa trong tương lai.” Cũng theo IMO, kế hoạch chi tiết cho công tác tái sử dụng hệ thống sân vận động đã được chuẩn bị trước thềm Asian Cup diễn ra đầu năm 2024.

Ảnh hưởng của thể thao đối với khu vực

Mặc dù di sản World Cup 2022 vẫn sẽ là đề tài gây tranh cãi trong nhiều năm tới, không ai có thể phủ nhận giải bóng đá lớn nhất hành tinh cuối cùng cũng lan đến khu vực mới.

World Cup hứa hẹn quay lại Trung Đông vào năm 2034, khi Ả Rập Saudi trở thành chủ nhà. Những năm gần đây, đất nước này đã đăng cai nhiều sự kiện thể thao lớn từ giải đua Công thức Một cho đến LIV Golf và giải vô địch Saudi Pro League - hai cái tên lần lượt tạo địa chấn trong giới golf và giới bóng đá toàn cầu.

Không lâu sau trận chung kết World Cup, Cristiano Ronaldo chuyển đến Ả Rập Saudi chơi cho Al Nassr, kéo theo hàng loạt tên tuổi khác đến với quốc gia Trung Đông này. Saudi Pro League hoàn toàn có cơ hội phát triển thành một trong những sân chơi lớn nhất hành tinh.

Khi đó, việc đăng cai tổ chức World Cup sẽ được nhiều bên xem là hành động lấy thể thao làm lá chắn cho những sai phạm về nhân quyền, hệt như những gì Qatar đã thực hiện.

Sports & Rights Alliance, liên minh 9 tổ chức ủng hộ nhân quyền và chống tham nhũng trong thể thao, đã lên tiếng yêu cầu FIFA đảm bảo tình trạng nhân quyền trước thềm mùa giải 2034. Liên đoàn bóng đá hiện vẫn chưa phản hồi trước yêu sách này.

Có lẽ vẫn còn quá sớm để có thể kết luận chắc chắn World Cup 2022 tại Qatar đọng lại những gì, nhất là những ảnh hưởng ngoài sân cỏ. Một năm đã trôi qua với nhiều tiến triển, nhưng khi ánh hào quang rời đi, tiến độ có vẻ dần chậm lại.

Trên sân cỏ, mọi chuyện rõ ràng hơn. Kỳ World Cup vừa qua chính là hình mẫu cho nhiều quốc gia khác noi theo nếu muốn đăng cai một sự kiện thể thao trọng đại. Với hầu bao khổng lồ từ các nước vùng Vịnh, chắc chắn sẽ còn nhiều tổ chức khác ngoài FIFA mong muốn mang giải đấu của họ đến đây.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 137

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán