Vì thiếu chế tài cụ thể mà các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) phải chật vật trước vấn đề nhãn thực phẩm, khiến người tiêu dùng đau đầu, theo cơ quan thẩm kế.

Ảnh: European Union
Tiến trình cập nhật khung ghi nhãn thực phẩm EU bị đình trệ nhiều lần trong thời gian qua, tạo điều kiện cho các công ty thực phẩm áp dụng chiêu thức khiến người tiêu dùng bối rối thay vì cung cấp thông tin hữu ích cho họ. Đó là kết luận của Toà Thẩm kế châu Âu (ECA) trong báo cáo công bố hôm 25/11.
Thay vì giúp người tiêu dùng đưa ra lựa chọn đúng đắn, tốt cho sức khoẻ, khung quy định về nhãn thực phẩm hiện tại vẫn còn “nhiều lỗ hổng đáng chú ý”, theo báo cáo ECA.
Một số sáng kiến đã được triển khai như Nutri-Score, NutrInform Battery, hay Keyhole từng được xem là giải pháp đầy hy vọng giúp trám lỗ hổng. Song, tất cả chỉ làm mớ bòng bong thêm rối rắm.
Keit Pentus-Rosimannus, uỷ viên ECA, nói: “Người tiêu dùng lạc lõng trong vô vọng.” Bà chỉ ra việc có quá nhiều hệ thống quy định nhãn riêng biệt - mỗi cái lại có ý nghĩa, mục đích khác nhau - vô hình trung đánh mất vai trò chính của nó là cung cấp thông tin cần thiết cho khách hàng.
Bên cạnh nhãn dinh dưỡng, hàng tá tuyên bố, khẩu hiệu, và các từ ngữ quảng cáo vô thưởng vô phạt như “tươi ngon”, “tự nhiên”, hay “không có kháng sinh” cũng khiến người tiêu dùng bối rối, thậm chí hiểu sai. Pentus-Rosimannus thừa nhận: “Quy định EU có quá nhiều lỗ hổng, tạo điều kiện cho công ty thực phẩm luồn lách và đẩy người tiêu dùng vào thế khó.” Bà còn cho rằng những công ty này quảng bá sản phẩm của họ tốt cho sức khoẻ và thân thiện môi trường hơn thực tế.
Quy định bị đóng băng
Trong khi một số quy định như Quy định chung về Luật Thực phẩm và Tuyên bố Thực phẩm - đã được thông qua, các vấn đề về nhãn dinh dưỡng, tuyên bố xanh, tiêu chuẩn phúc lợi động vật, và nhãn truy xuất nguồn gốc vẫn còn bỏ ngỏ. Mỗi nước lại có cách xử lý riêng.
Khung luật về nhãn thực phẩm chính của EU - Bộ quy định Thông tin Thực phẩm dành cho Người tiêu dùng - chưa từng được cập nhật kể từ khi bắt đầu áp dụng vào năm 2011. Mặc dù đã có nhiều thảo luận, nỗ lực cập nhật quy định đều đi vào ngõ cụt phần vì liên quan đến vấn đề chính trị nhạy cảm, phần vì vài nước thành viên chống đối Nutri-score - hệ thống có nhiều triển vọng triển khai đại trà nhất.
Uỷ viên Pentus-Rosimannus thừa nhận thúc đẩy các nước EU đồng thuận với nhau là vấn đề phức tạp vì khác biệt trong quan điểm, truyền thống. Song, bà khẳng định: “Đó không phải là cái cớ để dây dưa mãi.”
Các tổ chức vì quyền lợi người tiêu dùng như BEUC cũng thúc giục cần sớm có biện pháp hữu hiệu. Emma Calvert, thành viên ban chính sách từ BEUC, chỉ ra tính cấp thiết của quy định chung về nhãn trên bao bì: “Quy định nhãn dinh dưỡng in trên mặt trước bao bì được EU hứa từ lâu nhưng chưa thấy đâu. Vậy là người tiêu dùng mất đi công cụ giúp họ đưa ra những lựa chọn lành mạnh hơn trong lúc tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng nhanh đến báo động.”
Uỷ ban châu Âu (EC) sau đó đã phản hồi báo cáo từ ECA, thừa nhận cần phải thiết lập quy định nghiêm ngặt hơn nhằm bảo vệ người tiêu dùng trước những tuyên bố dễ gây hiểu nhầm. Song, giới chức EU không công bố chi tiết kế hoạch cập nhật Bộ quy định Thông tin Thực phẩm dành cho Người tiêu dùng - vốn vẫn còn gây tranh cãi - mà tập trung hơn vào việc xử lý các tuyên bố liên quan đến môi trường.
Trên cương vị uỷ viên nông nghiệp và thực phẩm EU, Christophe Hansen trong phiên điều trần gần đây thừa nhận quy định ghi nhãn phải dễ hiểu hơn: “Hiện chúng ta có quá nhiều nhãn tự phát, không có hệ thống gì cả.” Ông kêu gọi “phương án khả thi” vừa giúp củng cố niềm tin người tiêu dùng vừa đảm bảo thị trường EU được vận hành trơn tru.
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)