Ảnh: Illustration/Thinkstook
Ắt hẳn ai trong chúng ta đều từng một lần bị mất ngủ hoặc thiếu ngủ dẫn đến tình trạng mệt mỏi và uể oải vào sáng hôm sau. Theo nghiên cứu, việc thiếu ngủ có thể gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe hơn mọi người vẫn tưởng.
Andrew Ward, nhà nghiên cứu thuộc Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, cho biết tình trạng buồn ngủ ở người cao tuổi có thể là triệu chứng của bệnh Alzheimer.
Ward và các đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu trên 84 người cao tuổi (66 - 87 tuổi) không bị các vấn đề liên quan đến trí nhớ. Các nhà nghiên cứu đưa ra các câu hỏi về tình trạng ngủ hàng ngày như là một cách để đo lường giấc ngủ. Người tham gia còn được chụp cộng hưởng từ (fMRI) nhằm xem hoạt động của não.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người đang buồn ngủ có khuynh hướng hoạt động phối hợp kém hơn ở default mode network (vùng hệ thống mặc định) - vùng não vẫn hoạt động khi não được nghỉ ngơi và liên quan đến tâm lý.
Ward cho biết người cao tuổi thường ngủ ít hơn và thường thức giấc giữa đêm hơn người trẻ tuổi. Theo các y tá chăm sóc bệnh nhân Alzheimer, những người có giấc ngủ không ngon thì ghi nhớ kém hơn.
Một nghiên cứu thứ hai cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của giấc ngủ ngon. Hengu Rao, nhà nghiên cứu đến từ Trường Đại học Pennsylvania, đã thực hiện một thí nghiệm liên quan đến thiếu ngủ. Những người tham gia trải qua 4 đêm trong phòng thí nghiệm để các nhà nghiên cứu kiểm soát thời gian ngủ của họ, đồng thời, cho người tham gia kiểm tra bộ nhớ và quét não.
22 người tham gia, trong độ tuổi trưởng thành hoàn toàn khỏe mạnh, ngủ 9 tiếng trong đêm đầu tiên và thức trắng 24 giờ tiếp theo. Sau đó, họ sẽ ngủ hai đêm để phục hồi lại. Sau đêm 1, 2 và 4, họ được quét não.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người tham gia sau khi mất ngủ thì có sự kết nối ít hơn giữa vùng default mode network và vùng hippocampus (hồi hải mã) - vùng não quan trọng đối với việc ghi nhớ. Tuy nhiên, sau giấc ngủ phục hồi, não bộ sẽ hoạt động hiệu quả như đêm đầu tiên khi người tham gia được ngủ đầy đủ 9 tiếng.
Rao chia sẻ: "Giấc ngủ phục hồi là rất cần thiết khi bị mất ngủ và nên hạn chế thiếu ngủ kinh niên" nhằm cho não bộ được phục hồi hoàn toàn.
Vậy thời lượng giấc ngủ bị thiếu bao nhiêu được xem là thiếu ngủ? Ted Abel thuộc Trường Đại học Pennsylvania đã tiến hành nghiên cứu trên chuột. Kết quả cho thấy rằng chuột suy giảm trí nhớ khi bị mất đi 3 giờ trong khoảng thời gian ngủ bình thường, tương đương với 20% thời lượng ngủ của một ngày.
Thông qua nghiên cứu này, trí nhớ của con người có thể bị ảnh hưởng nếu chỉ ngủ 6 tiếng thay vì 8 tiếng.
Như vậy, giấc ngủ ngon đóng vai trò rất quan trọng đối với bộ nhớ.
Ngọc Trâm
Theo CNN