Tuy chuỗi cung ứng toàn cầu còn gặp nhiều vấn đề, các dữ liệu mới nhất từ cơ quan thống kê liên bang Destatis cho thấy lượng xuất khẩu của Đức vượt ngưỡng trước đại dịch lần đầu tiên vào tháng 10 năm nay. Một số nhà phân tích lạc quan song vẫn thận trọng, trong khi số khác lại quan ngại.
Lượng hàng nhập khẩu vào Đức vượt lượng xuất khẩu - Ảnh: dw.com
Dirk Jandura, người đứng đầu hiệp hội thương mại và dịch vụ Liên bang Đức BGA, phát biểu: “Mặc cho những nhân tố tác động tiêu cực, nền ngoại thương ở Đức đã trở lại mức trước đại dịch.”
Ông nhận xét: “Đây là tin tốt, nhất là khi chuỗi cung ứng toàn cầu còn nhiều trở ngại.” Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo lắng rằng các vấn đề sẽ còn tiếp diễn trong nhiều tháng tới, nhất là khi Đức vừa thiếu hụt lượng container và nhân công có tay nghề, vừa phải đối mặt với đợt dịch mới.
Những số liệu mới nhất
Theo Destatis, lượng xuất khẩu của Đức (sau khi được điều chỉnh theo mùa) tăng 8,1% so với tháng 10/2020, vượt mức tháng 2/2020 - thời điểm đại dịch bùng phát. Giá trị xuất khẩu tháng 10 của nước này đạt 121,3 tỷ euro, tăng 4,1% so với tháng 9/2021 (sau khi được điều chỉnh theo mùa).
Lượng xuất khẩu sang các nước EU và các nước ngoài khu vực lần lượt tăng 11,6% và 4,1%. Đặc biệt, lượng xuất khẩu sang đối tác quan trọng nhất - Trung Quốc - tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, lượng nhập khẩu tăng 17,3% so với tháng 10/2020, tức tăng 13,5% so với tháng 2/2020 - trước khi các biện pháp phong toả được áp dụng toàn cầu. Giá trị nhập khẩu vào tháng 10/2021 là 108,5 tỷ euro, tăng 5% so với tháng trước.
Thặng dư thương mại đạt 12,5 tỷ euro, thấp hơn mức tháng trước là 12,9 tỷ euro.
Các phản ứng trái chiều
Sebastian Dullien, giám đốc viện nghiên cứu kinh tế IMK, cho rằng dữ liệu trên là dấu hiệu tốt cho thấy Đức có khả năng “tránh được đợt suy thoái nhỏ vào cuối năm do làn sóng Covid thứ tư gây ra”.
Theo Dullien, số liệu trên cho thấy các vấn đề về nguồn cung tác động lên nền công nghiệp Đức trong những tháng gần đây “đã có dấu hiệu thuyên giảm”. Được biết trước đó, nền công nghiệp Đức, đặc biệt là công nghiệp xe hơi, phải đối mặt với thiếu hụt nguyên liệu, quan trọng nhất là vật liệu bán dẫn và chip máy tính.
Song, Dullien vẫn cảnh báo biến chủng Omicron có thể tăng khả năng “đóng cửa nhà máy ở các nước Châu Á và gây ra vô vàn khó khăn mới cho nguồn cung các nguyên vật liệu”.
Joachim Lang, Tổng Giám đốc BDI chia sẻ: “Nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành sản xuất phương tiện giao thông, hiện còn gặp vấn đề về nguồn cung vật liệu bán dẫn.”
Trong khi đó, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) lại xem nhẹ các số liệu công bố. Volker Treier, người đứng đầu DIHK, cho biết: “Phần lớn đều là do chúng ta tăng giá bán các nguyên liệu thô và bán thành phẩm cho các đối tác nước ngoài mà thôi.” Ông cũng cho rằng các khó khăn vẫn còn ở phía trước, cụ thể là đơn hàng quốc tế hiện trên đà sụt giảm.
Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) cũng không thật sự ấn tượng với số liệu công bố và đã điều chỉnh mức tăng thực của hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu từ 8,5% xuống còn 8%.
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)