Trang chủ»Kinh tế»Tài chính - Thương mại

Tài chính - Thương mại

Vấn đề lương giáo viên tại Zimbabwe

Tại Zimbabwe, một số giáo viên thường đùa rằng “nhà giáo phải lên thiên đàng mới nhận được phần thưởng xứng đáng”. Song, nền kinh tế khó khăn đã khiến nhiều giáo viên đứng lên đòi lương thưởng cho chính mình ngay khi còn trên cõi trần.



Một lớp học trống vắng tại Norton, cách thủ đô Harare 55 km về phía Tây - Ảnh: Desmond Kwande/AFP

Là một giáo viên tiểu học, Gaudencia Mandiopera dành cả buổi sáng giảng dạy tại trường công ở Quận Mutasa, cách thủ đô Harare của Zimbabwe 283 km về phía Đông Nam. Tuy nhiên, từ đầu giờ chiều cho đến tối muộn, chị phải phục vụ whiskey tại các “shebeen” - tên gọi những quán bar “chui” ở khu vực phía Nam Châu Phi. Hầu hết khách đến quán là các tay lái xe tải từ thị trấn Mutare cùng quận, toạ lạc ở biên giới với Mozambique. Tiền trả thì bèo bọt, mà các quán bar này lại bất hợp pháp vì chủ yếu bán whiskey lậu được “tuồn” qua cửa khẩu không canh gác nghiêm ngặt.

Song, Mandiopera vẫn bám trụ với nghề tay trái này để có thể nuôi được ba cậu con nhỏ. Chị bày tỏ: “Tôi thường thường phải làm ca tối khuya, đôi khi bị bắt nữa, nhưng như vậy mới kiếm đủ sống. Nghề này cũng có nguy cơ bị quấy rối tình dục cao nhưng tôi thật sự không có lựa chọn nào khác cả.”

Đồng lương 11.000 đô Zimbabwe (tương đương 45 USD theo tỷ suất chợ đen) mỗi tháng, tuy được trả đúng hạn, nhưng khó giúp chị cầm cự nổi hai tuần. Vài giáo viên tại Zimbabwe đùa rằng “nhà giáo phải lên thiên đàng mới nhận được phần thưởng xứng đáng”. Tuy nhiên, nhiều giáo viên cũng giống Mandiopera, tìm mọi cách bươn chải để được thưởng công xứng đáng ngay trên cõi trần này.

Được biết tại Zimbabwe, khoảng 150.000 giáo viên phải cáng đáng đến hơn 4,2 triệu học sinh và họ chỉ nhận mức lương trung bình 28.800 đô Zimbabwe (khoảng 120 USD). Nhiều năm qua, giáo viên tại đây đã di cư sang Nam Phi, Namibia, hay Botswana, để tìm những việc làm khá khẩm hơn. Giới chuyên gia cho rằng Zimbabwe hiện phải trai qua cơn khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong thập kỷ, với các vấn đề lớn như lạm phát, lương thưởng không tăng, nghèo đói trên diện rộng đều đến từ chính quyền Emmerson Mnangagwa yếu kém, đầy tham nhũng.

Trước tình hình dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraina, nền kinh tế gặp khó khăn hơn bao giờ hết. Giá cả các mặt hàng cơ bản như xăng dầu, bánh mì, gói cước internet, tiền điện,… đều lần lượt tăng. Tiền thuê nhà cũng tăng vì đứt gãy chuỗi cung ứng, dồn thêm gánh nặng lên vai người dân Zimbabwe. Giá trị đô Zimbabwe so với đô Mỹ cũng trượt dốc. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, trong khoảng 2011-2021, xấp xỉ 7,9 triệu người Zimbabwe lâm vào cảnh nghèo đói cùng cực - tức chỉ có thể chi dưới 29,8 USD hàng tháng.

Trong 3 năm qua, các thầy cô giáo Zimbabwe không ngừng đứng lên đòi quyền lợi về tiền lương và điều kiện làm việc cải thiện hơn trước tình thế nền kinh tế nước nhà ngày càng lao dốc. Ngày 07/02/2022, nhiều người đã đình công đòi tăng lương khi trường học khắp cả nước mở lại sau kỳ phong toả toàn quốc tránh dịch. Chính phủ sau đó đình chỉ công tác những người tham gia và không trả lương cho họ trong vòng 3 tháng. Tuy không có số liệu chính thức, các công đoàn giáo viên khắp cả nước ước tính 90% trong tổng số 150.000 giáo viên công phải chịu ảnh hưởng từ quyết định trên.

Ngày 16/02, toà án Harare tạm hoãn quyết định đình chỉ giáo viên sau khi bên luật sư đại diện cho các giáo viên đình công biện luận rằng quyết định của chính phủ là vi hiến. Noble Chinhanu, một trong những luật sư, cho biết động thái của bộ giáo dục đi ngược lại các quyền nêu ra trong hiến pháp cũng như quyền tự do hưởng các chế độ lao động và thủ tục hành chính công bằng. Chinhanu gọi quyết định của chính phủ - đình chỉ giáo viên, dù nguyên do đưa ra có hợp lý hay không - là một hành động bất hợp pháp.

Obert Masaraure, chủ tịch Công đoàn Hỗn hợp Giáo viên Vùng sâu Vùng xa tại Zimbabwe (ARTUZ) chỉ trích chính phủ “khinh suất” và “làm tê liệt toàn bộ hệ thống giáo dục vì đình chỉ diện rộng”. Ngay ngày toà án hoãn lệnh đình chỉ, chính phủ ra hạn cho các giáo viên trong một tuần phải trở lại làm việc hoặc sẽ không còn được giảng dạy nữa. Các cơ quan chính phủ cũng đe doạ sẽ thay thế những giáo viên này bằng những người vừa tốt nghiệp, chưa có việc làm. Trước động thái đó, ARTUZ viết tâm thư gửi đến chính phủ yêu cầu rút lại lời đe doạ nói trên, cho rằng đó là một bước đi vi hiến.

“Mức lương đủ sống”

Ngày 08/02, chính phủ tăng mức lương tháng của giáo viên lên 20% và trợ cấp Covid-19 từ 16.500 đô Zimbabwe (75 USD) lên 38.500 đô (175 USD) cũng như đưa ra nhiều trợ cấp khác như hỗ trợ nhà ở hay miễn thuế hải quan khi mua các phương tiện nhập khẩu.

Tuy nhiên, giáo viên vẫn muốn lương cơ bản được tăng lên 540 USD hay một khoản nội tệ tương tự; bởi với mức lương hiện tại, họ không thể nào trang trải nổi học phí cho con mình. Chính phủ ngay lập tức chối bỏ đề xuất trả lương bằng đồng đô Mỹ. Các công đoàn thì lại lên án đề xuất của chính phủ. Masaraure nói: “Chúng tôi chỉ muốn mức lương đủ sống, tức 540 USD như lúc trước tháng 10/2018, mà thôi.”

Takavafira Zhou, chủ tịch Công đoàn Giáo viên Tiến bộ tại Zimbabwe, cho biết động thái của chính phủ khiến phong trào quyền lao động bị lung lay, bởi các giáo viên bị ép vào thế phải quay lại làm việc. Ông cho rằng đối thoại là giải pháp khả thi nhất: “Mức lương 540 USD dưới thời cựu thổng thống Robert Mugabe chính là những gì các giáo viên kỳ vọng. Chúng tôi, bằng mọi nỗ lực mình có, sẽ luôn đấu tranh vì mức lương tốt hơn và điều kiện làm việc thuận lợi hơn.”

Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại khiến hạ tầng giáo dục xuống cấp và nhân lực ngày càng sút giảm. Vì lạm phát mà học phí trường công cũng tăng gấp ba lần, vượt quá khả năng chi trả của nhiều người dân. Học phí trường tư, tất nhiên, càng ngày càng đắt đỏ. Tình hình trở nên nghiêm trọng khi giáo viên thiếu những trang bị cần thiết để tuân thủ công tác phòng chống dịch bệnh tại trường trong lúc Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhiều giáo viên cũng cho hay số lượng học sinh không theo kịp vì không có những thiết bị cần thiết hay không đủ tiền mua gói internet để học trực tuyến cũng không hề nhỏ.

Mandiopera cho rằng tất cả những vấn đề trên là lý do giáo viên cần tiếp tục đấu tranh, để nguyện vọng của họ được chính phủ tiếp thu và giải quyết. Chị nói: “Chừng nào chính phủ còn chưa đảm bảo mức lương thưởng xứng đáng, chừng đó cuộc đấu tranh vẫn còn tiếp diễn.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 137

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán