Trang chủ»Thể thao

Thể thao

Tani Adewumi - Thần đồng cờ vua 11 tuổi

Khi nghiền ngẫm về nước đi tiếp theo, Tanitoluwa “Tani” Adewumi luôn cảm thấy thôi thúc phải tạo sức ép lên đối phương. Cậu bày tỏ: “Em rất thích tấn công. Lúc nào em cũng muốn chiếu tướng nhanh nhất có thể.”

Đầu năm nay, Tani trở thành một trong số 30 kỳ thủ trẻ tuổi nhất từng đoạt chức kiện tướng cờ vua Mỹ. Vừa mới bước sang tuổi 11 vào tháng 9 vừa qua, thần đồng cờ vua này khao khát ngôi vị đại kiện tướng; nếu đạt được, cậu sẽ là đại kiện tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử. Kỷ lục gần đây nhất thuộc về Abhimanyu Mishra, được lập vào năm nay, khi cậu bé này 12 tuổi.

Hiện Tani vẫn đang miệt mài tập luyện, nhắm đến kỷ lục trên. Sau giờ học tại trường ở New York, cậu thường dành ra 7 giờ đồng hồ tập luyện tại nhà; nếu không phải đi học, cậu cố gắng luyện chơi đến 8 hay 9 giờ thậm chí là 10 giờ mỗi ngày.

Cậu thu về cho mình rất nhiều chiếc cúp. Quý giá nhất trong số đó vẫn là danh hiệu tại giải vô địch cờ vua bang New York năm 2019. Lý do không hẳn là vì màn chơi hôm đó rất hay, mà là vì chiếc cúp này đã giúp gia đình cậu bước sang trang mới.

Tháng 6 năm 2017, hơn hai năm trước chiến thắng trên, gia đình Tani phải bỏ chạy khỏi quê nhà Nigeria nhằm trốn tránh nhóm khủng bố cực đoan Boko Haram. Gia đình cậu đến cư trú tại một khu tị nạn vô gia cư tại Manhattan. Không lâu sau đó, Tani gia nhập câu lạc bộ cờ vua P.S. 116 tại New York. Cậu được tham gia miễn phí.



Tani Adewumi bắt đầu chơi cờ một cách nghiêm túc sau khi gia đình em chuyển đến Mỹ - Ảnh: edition.cnn.com/

Sau khi Tani giành giải vô địch, gia đình cậu nhận được rất nhiều hỗ trợ về mặt tài chính. Cha cậu - Kadeyomi Tawumi, hiện là một nhân viên bất động sản, có trả lời phỏng vấn: “Có gia đình giúp chúng tôi trả tiền thuê nhà một năm tại Manhattan, một gia đình khác tặng chúng tôi xe vào năm 2019. Câu lạc bộ Cờ vua Missouri còn mời chúng tôi và các huấn luyện viên đến thăm. Rất nhiều mạnh thường quân cho tiền và giúp đỡ chúng tôi… Nhờ vào số tiền của họ mà chúng tôi không phải sống tại khu tị nạn nữa.”

Gia đình Tani lập một trang GoFundMe nhằm kêu gọi quyên góp từ thiện giúp họ trang trải chi phí nhà ở, pháp lý, và giáo dục. Sau khi tìm được chỗ đứng trên đất Mỹ, họ chuyển số tiền quyên góp dư vào Quỹ Tanitoluwa Adewumi với nguyện vọng giúp đỡ những trẻ em thiếu may mắn.

Ông Adewumi cho biết: “Chúng tôi phải giúp đỡ những người khó khăn hơn, vì chúng tôi đã từng là một trong số họ. Nhiều người chúng tôi quen tại khu tị nạn vẫn còn kẹt lại ở đó. Bởi mong muốn giúp đỡ cộng đồng cờ vua và những người gặp hoàn cảnh đói nghèo, chúng tôi mới lập ra nguồn quỹ này.”

Với nguồn quỹ trên, họ đã tặng tiền cho một tổ chức cờ vua tại Châu Phi nhằm khuyến khích người dân đi theo môn thể thao này.



Tani tham dự Giải thưởng Đổi mới đột phá Tribeca trong Liên hoan Tribeca 2019 ở New York - Ảnh: edition.cnn.com/

Câu chuyện của Tani có nhiều điểm giống với bộ phim truyền hình “The Queen’s Gambit” của Netflix. Nội dung phim kể về một cô gái mồ côi tại Kentucky trở thành kỳ thủ vô địch trong thời niên thiếu. Sau khi xem xong các tập phim, Tani cho biết cậu thấy hình ảnh chính mình trong bộ phim đó.

“Cờ vua là tất cả đối với em, gia đình em đã đến và có mặt tại đây ngày hôm nay cũng nhờ nó,” Tani nói. Tuy nhiên, sự nghiệp của cậu cũng bắt đầu với lắm gian nan. Trong mùa giải đầu tiên tham gia, Tani thua toàn bộ mọi trận đấu. Cậu nói: “Tất nhiên là em cần có thời gian. Ai cũng cần thời gian cả thôi.”

Hiện tại, cậu dành phần lớn thời gian để xem những kỳ thủ xuất sắc khắp thế giới, như Magnus Carlsen, Hikaru Nakamura, Levon Aronian, và Ian Nepomniachtchi. Cậu học tập cách suy nghĩ và chiến thuật của họ qua mỗi nước cờ.

Magnus Carlsen chia sẻ nhiều bí quyết giúp anh chinh phục chức đại kiện tướng: “Bạn phải dành nhiều thời gian luyện tập. Và nếu không thật sự yêu thích môn thể thao này, bạn sẽ không thể tiến được xa. Tình yêu dành cho cờ vua đã giúp tôi được như ngày hôm nay. Tôi nhớ hồi nhỏ sau mỗi giờ học, tôi đá bóng với bạn bè, rồi về nhà và ngồi ngay vào bàn cờ, tay cầm quyển sách dạy cờ vua. Tôi thường ăn luôn tại bàn cờ, bởi nếu ngồi ăn chung với gia đình, tôi sẽ không có đủ thời gian luyện chơi; thời gian tôi dành cho khổ luyện chắc hẳn rất nhiều, nhưng đó là vì tôi thật sự yêu thích bộ môn này.”

Để có thể đạt chức đại kiện tướng danh giá như Carlsen, Tani cần giành được 3 chuẩn - danh hiệu dành người chơi xuất sắc trong một mùa giải cờ vua - cũng như được xếp hạng Elo 2.500 theo thể thức Liên đoàn Cờ vua Quốc tế (FIDE).

Dù sự nghiệp cờ vua của cậu có ra sao, Tani chắc chắn vẫn được cha mẹ đồng hành và ủng hộ. Mẹ luôn bên cạnh em trong mỗi mùa giải và gần đây, cha em cũng đã sắp xếp công việc để có thể tham gia các trận đấu của con trai.

Mỗi lần nhìn con mình thi đấu, ông luôn chờ “tín hiệu” từ con trai: ngón cái giơ lên mang nghĩa chiến thắng, giơ ngang mang nghĩa hoà, và giơ xuống mang nghĩa thất bại. Nhưng dù kết quả ra sao, phản ứng của ông vẫn không thay đổi.

“Khi nhìn cậu bé chơi, chắc chắn tim của ai cũng muốn nhảy khỏi lồng ngực mà thôi. Sau mỗi bàn đấu, chúng tôi đều ôm chặt và chúc mừng con mình… khi con thua thì tôi lại an ủi, động viên. Thằng bé sống theo triết lý thất bại không phải dấu chấm hết mà là một cơ hội giúp ta học hỏi, khích lệ ta tiến lên phía trước.”

Triết lý này giúp cậu gặt hái nhiều thành công trong thời gian qua và cũng có thể là động lực giúp cậu giành ngôi vị đại kiện tướng trong tương lai không xa.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 138

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán