Trong khi trang phục bà bầu nhận được nhiều sự chú ý, thời trang hậu sản ít khi nào được bàn tới. Cảm giác thoải mái và tiện dụng, chứ không phải tính thẩm mỹ, là tiêu điểm chú ý. Hậu sản cũng là thời kỳ nhạy cảm và vì vậy lựa chọn trang phục phù hợp cũng là một thử thách.
Ảnh: Halsey
Trang phục hậu sản
Sandra Goldmark, chuyên gia về thiết kế thời trang và kinh tế tuần hoàn, phó giáo sư về thực hành nghiệp vụ tại Cao đẳng Barnard thuộc Đại học Columbia, cho biết: “Đối với tôi, trang phục lúc nào cũng là phương tiện giao tiếp. Nó còn giúp ta thực hiện các công việc khác nhau. Những ngày đầu làm mẹ, ta thường căng thẳng về các công việc phải làm, vừa chăm con vừa làm quen với vai trò mới của mình. Trang phục, vì thế, trở thành nơi chất chứa những ưu phiền, hoang mang. Từ đó, chọn được bộ quần áo đúng điệu là một việc đầy thử thách.”
Mỗi bà mẹ sẽ có trải nghiệm sau sinh khác nhau, chịu nhiều ảnh hưởng khác nhau từ môi trường. Danielle Goode, nhà trị liệu tâm lý chuyên về sức khoẻ sau sinh cũng như chấn thương tâm lý tuổi trẻ, cho hay: “Phụ nữ lúc nào cũng lo lắng chuyện chẳng lành sẽ xảy đến với con họ hay nhà cửa mình chưa thật sạch sẽ. Những mối lo này có thể khiến họ trầm cảm, không thấy hứng thú hay kết nối với đứa bé mới sinh. Họ có thể cảm thấy tự ti về khả năng làm mẹ của mình. Bên cạnh đó, các bà mẹ mới sinh còn mệt mỏi, mất ngủ, vì vậy mà suy nghĩ không thông suốt, đưa ra những quyết định không thật sự đúng đắn.”
Những ngày đầu sau sinh, các bà mẹ thường chọn cho mình những bộ quần áo thật thoải mái, như các bộ đồ ngủ chẳng hạn bởi họ đã mệt nhoài sau khi lâm bồn cũng như khi tuyến vú bắt đầu tiết sữa. Họ thường không cử động được nhiều, có khi nằm gần như cả ngày. Goode nói: “Không chỉ kiệt quệ về tinh thần và cảm xúc, các bà mẹ mong muốn có lại thân hình trước khi bầu bì, nhất là khi họ lướt qua hàng loạt hình ảnh các cô gái trẻ trung tràn ngập trên mạng xã hội.”
Tâm lý ôm đồm ảnh hưởng đến cách ăn mặc như thế nào?
Chọn trang phục để mặc sau sinh có thể là vấn đề với nhiều phụ nữ.
Sandra Goldmark nhận xét: “Khi mang thai đứa con đầu lòng, tôi lên lịch trước những việc sẽ làm sau sinh và rồi khi cậu nhóc chào đời, tôi chẳng còn hứng thú thực hiện chúng nữa. Tôi cảm thấy giằng xé vô cùng. Không phải là tôi muốn từ bỏ công việc của mình, chỉ là tôi cảm thấy choáng ngợp như phải ở hai nơi cùng một lúc.”
Cô cho biết cảm giác không hứng thú trên có thể bộc lộ qua trang phục. Nó cũng là nguyên nhân khiến phụ nữ cảm thấy bất an trong thời kỳ hậu sản; thật khó có thể chưng diện khi bạn không còn thiết tha với những dự định của mình nữa. Đó là bởi theo Goldmark: “Trang phục chính là cách ta phản ứng với công việc ta sắp thực hiện.”
Tâm lý ôm đồm vẫn là chướng ngại lớn và ta có thể chán nản khi mọi chuyện không còn cân bằng như trước. Goldmark giải thích: “Bạn có thể làm một bà mẹ tốt hoặc làm một nhân viên tốt, nhưng khó có thể gánh cả hai cùng một lúc, bởi bạn không thể vừa ở nhà vừa ở công sở. Bạn chỉ có thể làm hoàn hảo một nửa nhiệm vụ ở mỗi bên.”
Danielle Goode nhận xét chưng diện thời kỳ hậu sản là một hình thức tự chăm sóc bản thân: “Tôi luôn khuyên các bệnh nhân của mình lập nên một kế hoạch hậu sản, trong đó phải xác định những ai có thể giúp đỡ họ. Nếu có được những người sẵn sàng làm thay việc mà họ không thể làm được, phụ nữ sẽ quan tâm đến chuyện chăm sóc bản thân hơn.”
Phong cách hậu sản
Beverly Osemwwenkhae, nhà tạo mẫu và tư vấn hình ảnh, cho biết: “Phong cách thời trang là phương tiện giao tiếp nhanh nhất.
Vì vậy mà lên kế hoạch ăn mặc sau sinh sẽ giúp tạo ra hình tượng theo sát với con người bạn nhất.”
Nên mặc gì ngay sau khi sinh?
Trọng tâm giai đoạn này là cảm giác thoải mái, dễ dàng cử động. Osemwenkhae cho rằng mộ bộ đầm cotton không tay, cổ chữ V là một lựa chọn tuyệt vời khi sánh cùng một chiếc cardigan có thân dài quá gối. Cô cho biết: “Tôi sẽ diện bộ cánh trên với một đôi sneaker trắng dễ dàng mang vào/tháo ra. Đây là kiểu ăn mặc nhẹ nhàng, “dễ thở” mà bạn nên hướng tới.”
Goode khuyên nên chọn các loại vải mịn màng với da: “Những loại vải này sẽ khiến người mặc cảm thấy được âu yếm hơn khi họ trải qua những cảm xúc khó chịu. Nó như một chất xúc tác có khả năng kích thích các hormone như oxytocin, serotonin, hay dopamine - những hormone “vui vẻ”.”
Nên mặc gì ba tháng sau sinh ?
Ở giai đoạn này, bạn đã lấy lại phần nào nhịp độ thường nhật và vì vậy mà chuyện ăn mặc cũng trở nên dễ dàng hơn. Osemwenkhae khuyên: “Bạn nên chọn áo len dài tay cỡ rộng, có dây buộc hoặc áo sơ-mi cotton cài hết nút. Quần thì có thể chọn giữa quần bó co dãn hay quần dù thể thao. Cả bộ đi chung với sneaker hoặc giày búp bê. Đây là thời gian bạn có thể linh hoạt.”
Nên mặc gì sáu tháng sau sinh?
Osemwenkhae giải thích: “Ở giai đoạn này, tủ quần áo của bạn hẳn đã có đầy đủ các gam màu trung hoà để bạn tha hồ chọn lựa. Bạn có thể chọn bộ áo len dài tay liền quần có dây buộc, khoác ngoài một chiếc áo vải nhẹ hay một chiếc cardigan thân dài. Kiểu dáng này phù hợp với sneaker, giày búp bê, và cả giày tây. Bạn còn có thể tô điểm thêm bằng một chiếc mũ lưỡi trai hay một chiếc mũ rộng vành đầy màu sắc.”
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)