Thời trang

Châu Âu xuất khẩu 90% quần áo đã qua sử dụng sang Châu Phi và Châu Á

Các nước Châu Âu xuất khẩu hơn 90% quần áo qua sử dụng và rác thải may mặc sang các nước Châu Á và Châu Phi, theo báo cáo gần đây.



Theo Cơ quan Môi trường Châu Âu, vì sức tái chế và tái sử dụng tại Châu Âu là có hạn, phần lớn những sản phẩm may mặc đã qua sử dụng thu gom tại EU sẽ được bán, xuất khẩu sang các nước Châu Phi và Châu Á, không biết sẽ đi đâu về đâu - Ảnh: Shutterstock

Cơ quan Môi trường Châu Âu (EEA) cảnh báo rác thải may mặc đứng thứ 4 trong số những vấn nạn môi trường và biến đổi khí hậu mà Châu Âu hiện đang đối mặt. Báo cáo này một lần nữa cho thấy cần gấp rút đặt ra các biện pháp xử lý rác thải bền vững và nâng cao trách nhiệm hơn trong ngành may mặc toàn cầu.

Việc dựa dẫm quá nhiều vào Châu Á và Châu Phi do chi phí sản xuất rẻ đã khiến Châu Âu đau đầu với lượng lớn quần áo cũ và rác may mặc. Điều này tuy rất có lợi cho các doanh nghiệp, hậu quả gây ra đối với môi trường lại vô cùng nặng nề.

Báo cáo của EEA cho thấy rõ hoạt động sản xuất và tiêu thụ hàng may mặc ở Liên minh Châu Âu (EU) tác động mạnh mẽ đối với môi trường và khí hậu thế nào. Trong chuỗi giá trị, tiêu thụ sản phẩm may mặc đứng thứ 3 về diện tích đất chiếm dụng và lượng nước tiêu hao; đứng thứ 5 về tiêu hao các tài nguyên hữu hình và khí thải nhà kính. Chưa hết, ngành may mặc còn thải nhiều chất hóa học ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và khí hậu.

Đáng chú ý nhất là ngành vải tổng hợp, vốn dùng nhiên liệu hóa thạch để tạo ra các sản phẩm sử dụng rộng rãi từ quấn áo đến các vật dụng trong nhà, cho đến các bộ phận của xe. Hoạt động sản xuất, tiêu thụ, và xả thải hàng may mặc không đúng cách sẽ làm tăng phát thải nhà kính, mức độ tiêu thụ những tài nguyên không thể tái tạo, và lượng vi nhựa xả ra môi trường.

Được biết mỗi năm, Châu Âu thải 5,8 tấn rác may mặc, tức trung bình mỗi người thải 11 kg. Gần 2/3 trong số này là rác thải chứa sợi tổng hợp. Mặc dù được tái chế phần nào, rác may mặc phần lớn vẫn bị xuất qua các nước Châu Á và Châu Phi bởi nhu cầu tái sử dụng và khả năng tái chế tại Châu Âu là rất hạn chế.

Trong năm 2019, Châu Phi tiếp thụ hơn 60% hàng may mặc đã qua sử dụng từ EU, khiến đây trở thành nơi nhập khẩu loại hàng này nhiều nhất. Song, tỷ trọng nhập của Châu Á trong những năm qua cũng tăng lên đáng kể, chiếm 41% so với con số 46% của Châu Phi. EEA bày tỏ quan ngại không biết lượng hàng nhập khẩu này sẽ đi đâu về đâu vì thực trạng tái sử dụng, tái chế, và xử lý đồ may mặc cũ tại các nước này không được ghi nhận đầy đủ.

Báo cáo của EEA cũng cho biết hầu hết các nước Châu Phi nhập khẩu hàng may mặc cũ để cho người dân tái sử dụng vì giá thành rẻ. Thế nhưng, những mặt hàng đã không còn khả năng tái sử dụng thường bị ném ra các bãi rác lộ thiên hay kẹt vào chu trình xử lý rác thải thiếu quy củ. Ngược lại, các nước Châu Á nhập khẩu hàng may mặc cũ cho những vùng kinh tế chuyên trách, nơi chúng sẽ được phân loại đem đi xử lý. Phần lớn sẽ được tái chế thành các loại giẻ công nghiệp hay chất độn. Những mặt hàng không thể tái chế hay tái xuất khẩu sẽ được đưa vào hệ thống xử lý rác thải, đa số tập hợp tại các bãi rác.

Một vấn đề đáng quan ngại khác là mức độ gia tăng lượng xuất khẩu hàng may mặc đã qua sử dụng tại EU. Theo EEA báo cáo, khối lượng xuất khẩu tăng gần gấp 3 từ 550.000 tấn năm 2000 lên 1,7 triệu tấn năm 2019. Bên cạnh đó còn có vấn đề phân loại sai rác thải vào nhóm hàng cũ đã qua sử dụng để luồn lách các quy định xử lý rác.

Trong lúc ngành may mặc vẫn còn vật lộn với tác động của rác thải đối với môi trường, chúng ta cần gấp rút thực hiện các quy trình xử lý rác thải bền vững, nâng cao trách nhiệm của mỗi đơn vị trong chuỗi cung ứng. Các bên liên quan phải hợp tác triển khai các giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu tác động của việc sản xuất, tiêu thụ, và xả thải hàng may mặc đối với môi trường.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 137

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán