Đứng trước bộ váy mã diện được trưng bày tại xưởng may, Lưu Văn Nguyệt (24 tuổi) hào hứng kể lại nguồn động lực thôi thúc cô thiết kế nên cổ phục này.
Một cô gái vận Hán phục (trang phục cổ truyền của người Hán) tạo dáng bên nhành đào tại Di Hoà Viên, thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 22/3/2024 - Ảnh: Trần Diệp Hoa/Tân Hoa Xã
Tốt nghiệp ngành giáo dục mầm non nhưng mạnh dạn làm trái ngành để đón đầu làn sóng phục hưng các nét đẹp truyền thống, nhà thiết kế Hán phục Lưu Văn Nguyệt chia sẻ: “Tôi lấy cảm hứng từ nghệ thuật sơn mài khảm xà cừ - di sản văn hoá phi vật thể Trung Hoa - đồng thời sử dụng chỉ bạc ngũ sắc và hình ảnh núi non, hoa lá, chim chóc thân thuộc trong các bức thuỷ mặc làm hoạ tiết. Tôi cũng dùng hoa văn kẻ ô ở diềm váy để gợi nên hình ảnh các sản phẩm sơn mài. Đây là mặt hàng được ưa chuộng nhất; chúng tôi hiện đã bán được 20.000 bộ.”
Sáng tạo gần 500 bộ Hán phục chỉ trong 4 năm ngắn ngủi, Nguyệt đã biến hoạt động tưởng chừng là thú vui nhất thời thành nguồn thu nhập ổn định. Cô gái trẻ hiện đang làm chủ cửa hiệu ở Hứa Thôn trấn, thành phố Hải Ninh phía Đông tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Sản phẩm đặc trưng của cửa hiệu là váy mã diện.
Đây là loại Hán phục với lưng váy cao, bằng, xếp li hay bên, bắt nguồn từ đời Tống (960 - 1279) và rất thịnh hành vào thời Minh-Thanh.
Các loại Hán phục truyền thống với đường thêu tinh xảo đã tồn tại từ nhà Hán (202 TCN - 220 SCN). Suốt chiều dài lịch sử, Hán phục được cải biên nhiều lần, tạo ra hàng loạt thiết kế đa dạng có thể thấy khắp các khu phố ở Trung Quốc ngày nay.
Nguyệt cho rằng cổ phục càng dễ mặc thì càng được ưa chuộng, nhiều khả năng được truyền cho các thế hệ sau hơn: “Tôi chỉ mong những bộ Hán phục mình thiết kế hoà vào đời sống thường nhật. Đây cũng là lý do tôi chọn váy mã diện làm sản phẩm chính của cửa hiệu.” Cô nhận định loại váy này không chỉ dễ phối với nhiều loại áo khác nhau mà còn phù hợp cho mọi độ tuổi.
Từ thời đại học, Nguyệt đã bắt đầu bén duyên với Hán phục, song lại không có đủ điều kiện để mua cho mình bất cứ bộ nào. Tìm được mẫu thiết kế trên mạng, cô mày mò tự vẽ mẫu cho riêng mình, tự tin sản phẩm tạo ra cũng không hề kém cạnh.
Bất ngờ thay, một thương nhân chuyên kinh doanh Hán phục ngỏ lời mua thiết kế của cô với giá 300 tệ (khoảng 42 USD). Bên mua còn tận tình chỉ dẫn cô đặc điểm thị trường Hán phục, khuyến khích cô học thiết kế bằng máy tính, từ đó đưa cô đến với ngành nghề hiện tại.
Cô bắt tay với một người đam mê Hán phục khác mở cửa hiệu của riêng mình năm 2019. Bố mẹ cô, vốn xem phong trào phục hưng Hán phục là nhất thời, không hào hứng lắm với quyết định của con gái. Thái độ dè dặt tan biến khi cửa hiệu Nguyệt ăn nên làm ra. Vào tháng 7/2023, cô chuyển địa điểm kinh doanh đến địa điểm hiện tại ở Hứa Thôn trấn, nơi gần nguồn cung vải hơn.
Hiện mặt hàng được trưng bày nhiều nhất tại cửa hiệu là váy mã diện nhiều hoạ tiết đan xen như pháo hoa, cây thuốc, màu vẽ xanh trang trí gốm sứ, hay các hình ảnh liên quan đến năm Giáp Thìn.
Nguyệt cho biết: “Mặc dù phần lớn hoạ tiết là các yếu tố mang đậm đặc trưng truyền thống Trung Hoa, tôi vẫn điểm xuyết vài nét chấm phá hiện đại vào thiết kế của mình để phù hợp với thị hiếu của giới trẻ đối với Hán phục hơn.”
Không chỉ có được cộng đồng fan khá hùng hậu tại Trung Quốc, Nguyệt giờ đây còn nhận nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài, đặc biệt là những du học sinh Trung Quốc hay sinh viên quốc tế. Người yêu mến Hán phục cũng chiếm phần không nhỏ trong tệp khách hàng của cô.
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)