Lúc còn nhỏ, Damenech Dangaro chỉ thấy ngứa ngáy và viêm ở các ngón chân. Rồi bàn chân cô bắt đầu sưng lên. Sau vài tuần, bàn chân đã phù lên gấp 3 lần so với bình thường và bắt đầu nổi hạch.
Damenech Dangaro bị phù chân và không thể di chuyển trong suốt nhiều năm liền - Ảnh: Fred Harter/Guardian
Sau đó, Dangaro bị nhức đầu, sốt li bì, đến mức phải nằm liệt giường suốt nhiều năm liền. Khi bệnh tình thuyên giảm, chân cô vẫn sưng to và khiến cô gần như phải bò đi để di chuyển khắp khu làng ở vùng núi Ethiopia.
Bị người thân đuổi khỏi nhà vì mùi khó chịu bốc ra từ nấm chân, cô phải ngủ trong chuồng bò, chuồng dê. Bị hàng xóm xa lánh, Dangaro buộc phải nghỉ học và không được tham gia các tiệc cưới hay đám ma.
Mỗi Chủ Nhật, cô lại nằm nhà khóc than khi nghe tiếng mọi người hát ở nhà thờ cách xa chỉ chừng chục thước, nơi cô bị cấm vào. Dangaro, giờ đã 26 tuổi, kể lại: “Khi mới gặp phải các triệu chứng, tôi không biết mình gặp phải vấn đề gì cả. Tôi không thể chạy chữa vì không đủ tiền. Tôi nghĩ chắc mình cứ thế mà chết.”
Dangaro chỉ là một trong số khoảng 4 triệu người Châu Phi, Nam Mỹ, và Châu Á mắc chứng phù chân bụi, một dạng phù hạch bạch huyết (còn có tên gọi phù chân voi), khiến bàn chân và cẳng chân sưng to. Bệnh này thường xảy ra ở những người làm nông đi chân trần trên đất sét đỏ - tức khoảng 11 triệu người ở vùng cao nguyên miền trung Ethiopia. Loại đất đỏ này là kết quả của hoạt động núi lửa qua hàng triệu năm, mặc dù chứa nhiều khoáng chất tốt cho cây trồng nhưng lại tiềm ẩn kha khá hiểm họa với người nông dân.
Những phân tử đất đỏ này có thể theo kẽ nứt ở các vùng da chai và khô mà đi vào cơ thể, cụ thể là vào các mạch bạch huyết. Các phân tử này phản ứng với các loại mô, dần dần phá hoại hệ bạch huyết.
Qua thời gian, mạch bạch huyết ở các chi dưới của người mắc bệnh không thể vận chuyển đi nơi khác, khiến các chi này sưng to lên, tạo thêm nhiều kẽ nứt trên da làm đất dễ thâm nhập vào cơ thể hơn. Được biết, di truyền cũng là một yếu tố quan trọng đẩy cao nguy cơ mắc bệnh.
Bác sĩ Paul Matts, đồng sáng lập Cơ quan Hành động vì Phù chân bụi và Phát triển Hội nhập (APIDO), tổ chức giúp chữa trị hơn 34.000 bệnh nhân phù chân bụi tại Ethiopia tính đến thời điểm hiện tại, phát biểu: “Quá trình phù chân có thể xem là hệ bạch huyết đang tự hủy diệt chính nó.”
Abraham Asefa, điều phối viên dự án của APIDO tại Dawro - khu vực có những đồi núi phủ xanh và lớp đất sét đỏ màu mỡ thuộc hệ thống thung lũng tách giãn Lớn phía Nam Ethiopia - cho biết: “Nguyên nhân gốc rễ của bệnh phù chân bụi là tình trạng nghèo khó. Những người nghèo không đủ tiền mua giày để mang.”
Được biết, chỉ tính riêng tại Ethiopia, đã có 1,6 triệu người mắc bệnh phù chân bụi. Song, vì nghiên cứu không toàn diện, các chuyên gia y tế ít hiểu biết về bệnh, cộng với mặc cảm xã hội và tình trạng nghèo khó ngăn cản nhiều bệnh nhân đến các cơ sở y tế để chữa trị, con số trên chắc chắn chưa phản ánh đúng thực tế.
Những yếu tố vừa nêu cũng có nghĩa phù chân bụi là căn bệnh ít người biết đến mặc dù rất phổ biến. Những năm 1970, Ernest Price, bác sĩ người Anh sinh sống tại Ethiopia, mới khám phá mối liên hệ giữa căn bệnh và đất sét đỏ, trở thành người đầu tiên phát hiện được điều này. Và mãi đến những năm 2000, các nghiên cứu mới dần được tiến hành.
Tính đến gần đây, số dự án giúp đỡ các bệnh nhân phù chân bụi ở Ethiopia chỉ là một. Con số hiện tại đã tăng lên đáng kể, song vẫn không tránh khỏi thực trạng bệnh nhân không được chữa trị chiếm đa số. Phù chân bụi ít khi xuất hiện trong các giáo trình hay bài giảng đại học, thậm chí còn khiến các nhân viên y tế phải bối rối.
Wendemagegn Enbiale, Giáo sư da liễu tại Đại học Bahir Dar, cho biết: “Nếu thử hỏi một bác sĩ bất kỳ tại Addis Ababa (thủ đô Ethiopia), khả năng cao là người đó sẽ không biết gì về phù chân bụi. Họ thậm chí còn không thể gọi đúng tên nó.”
Giáo sư này còn nhớ lại: “Khi tôi hỏi bệnh nhân: ‘Sao quý vị không đến cơ sở y tế nhờ giúp đỡ?’ thì đa số họ nói là bệnh này không thể chữa.” Cũng vì thiếu các biện pháp điều trị mà Abraham Asefa gọi bệnh phù chân bụi là “căn bệnh ít được chú ý nhất trong số các bệnh nhiệt đới ít được chú ý”.
Thực tế, phù chân bụi là bệnh hoàn toàn có thể ngăn ngừa và điều trị dễ dàng. Đi giày là biện pháp hữu hiệu nhất bởi giày giúp ngăn bụi đất thâm nhập vào cơ thể. Chân có thể giảm phù khi được rửa sạch các phân tử bùn đất bằng xà phòng và nước, rồi ngâm vào nước muối và thoa các loại dung dịch cấp ẩm.
Một nghiên cứu năm 2018 nhận xét phù chân bụi là “một trong số các bệnh có thể được xoá bỏ vĩnh viễn chỉ trong một thế hệ”. Không chỉ những người mới mắc bệnh mà cả những ai đã bị phù nề nặng cũng có thể làm theo các biện pháp kể trên để cải thiện bệnh tình.
Không mang giày là nguyên nhân phổ biến nhất gây phù chân bụi. Những người mắc bệnh này phải mang loại giày đặc biệt, vừa với bàn chân sưng to - Ảnh: Fred Harter/Guardian
Bệnh nhân phù chân thường trải qua các cơn đau đầu bộc phát và sốt dữ dội, song lại bớt đau và hạ sốt gần như tức thì khi rửa chân, mang giày, ngăn bất kỳ tiếp xúc nào giữa đất cát và da.
Tuy nhiên, nếu không chữa trị kịp thời, phù chân bụi có thể gây biến chứng nặng như nhiễm trùng máu hay suy nội tạng, dẫn đến tử vong. Các tổn thương tâm lý cũng là điều các bệnh nhân phù chân phải gánh chịu, nhất là khi họ bị kỳ thị, xa lánh.
Enbiale bức xúc: “Chính xác thì không cần phải là nhân viên y tế có tay nghề mới chữa được bệnh này, ai cũng có thể làm được. Đáng nói là hiện giờ vẫn có bác sĩ tại Ethiopia cưa chân bệnh nhân đi vì nghĩ rằng đó là giải pháp duy nhất.”
Không có đủ tiền chạy chữa hay gặp phải các bác sĩ không hiểu biết gì về phù chân, bệnh nhân tự nghĩ ra mọi nguyên do khiến chân bị phù.
Manjore Merkeneh, nông dân bị phù chân ở Dawro, nghĩ rằng vì rắn cắn mà chân ông mới sưng to như vậy. Jamnesh Doramo, một bệnh nhân phù chân khác, nghĩ rằng cô đã giẫm phải tro bụi “tà thuật” khi chân cô bắt đầu sưng.
Manjore Merkeneh, nông dân tại Dawro, Ethiopia, bị mắc bệnh phù chân cho biết: “Chúng tôi không biết đi chân trần tiềm ẩn nhiều hiểm họa đến thế.” - Ảnh: Fred Harter/Guardian
Cũng như Dangaro, những người này bị cộng đồng xa lánh, cho là đã bị ếm bùa. Merkeneh không được chữa trị gì suốt 7 năm. Ông từng tìm đến thầy lang trong vùng, và được rạch chân, hút “độc” ra ngoài bằng sừng bò.
Merkeneh nhờ lại: “Khi tôi lần đầu bị phù chân bụi, mang giày là một điều gì đó rất xa xỉ. Không ai thèm mang giày bởi họ không nghĩ rằng đi chân trần sẽ mang lại bất kỳ hậu quả nghiêm trọng nào. Nhưng giờ đây, hầu hết mọi người đều bắt đầu mua giày tại chợ và mang chúng thường xuyên hơn.”
Bên trên là một trong số các biểu ngữ được APIDO phát hành nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức - Ảnh: Fred Harter/Guardian
Đó là thành quả của APIDO, vốn bắt đầu hoạt động năm 2012. Ban đầu, tổ chức này thuê mặt bằng ở các trung tâm y tế và điều hành chuỗi phòng khám riêng, thuê một số y tá giúp chữa trị bệnh nhân. Tuy hiệu quả, số bệnh nhân đến các phòng khám là rất ít. Bắt đầu từ tháng 01/2017, APIDO chuyển hướng, phối hợp với 23 trạm y tế nhà nước tại Dawro tổ chức các buổi tập huấn giúp nhân viên y tế biết cách phát hiện và chữa khỏi phù chân bụi. Cơ quan này còn cung cấp các kit chữa phù chân miễn phí cho bệnh nhân, bao gồm xà phòng, mỡ khoáng, băng cá nhân, và các thau ngâm chân.
APIDO còn tổ chức trò chuyện với các bệnh nhân phù chân, tuyên truyền về tầm quan trọng của việc mang giày và giữ vệ sinh cho chân, đồng thời chạy chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng qua các chương trình radio, poster, và tờ rơi.
Matts hồi tưởng: “Năm đầu tiên, chúng tôi khá chật vật. Các bác sĩ ban đầu không tin rằng chỉ cần xà phòng và nước là sẽ trị hết bệnh phù chân.” Nhưng hiện tại, Matts tin tưởng mô hình chiến dịch của tổ chức có thể “được nhân rộng trên toàn quốc”. APIDO chuẩn bị nhượng lại toàn bộ chiến dịch cho chính quyền địa phương giám sát và tổ chức thực hiện, nhằm chuyển sang thực hiện chiến dịch ở các quận Gamo và Gofa kế cận.
Đáng chú ý, APIDO còn mở một chuỗi làm giày chuyên khâu các loại giày cỡ lớn cho những bệnh nhân phù chân bởi chân họ không thể đi vừa các loại giày bày bán ở chợ địa phương.
Bantayeyehu Bekele đang may những đôi giày đặc biệt dành cho các bệnh nhân bị phù chân - Ảnh: Fred Harter/Guardian
Tại một trong các xưởng làm giày của APIDO tại thị trấn Tercha, Bantayeyehu Bekele ngồi bên máy may, khâu các miếng da lại với nhau theo kích thước chân đã được các nhân viên y tế đo được từ bệnh nhân trước đó. Xưởng giày hai gian làm từ tôn dợn sóng này làm ra hơn 100 đôi giày quá cỡ mỗi tuần cho các bệnh nhân phù chân. Song, vì thiếu vốn mà đôi khi cơ sở này phải tạm ngưng hoạt động.
Dangaro đến nay đã phải đổi 6 đôi ủng. Tuy cẳng và bàn chân vẫn còn bị biến dạng, tình trạng phù nề đã giảm đi đáng kể nhờ chữa trị, cô cũng không còn đau nhức như trước nữa. Giờ cô đã có thể đi lại bình thường và được người nhà chào đón. Cô cũng vừa mới hoàn thành xong bậc tiểu học.
Dangaro nói: “Mọi chuyện thay đổi rất nhiều. Trước kia, tôi còn không thể nhấc chân mình lên nhưng giờ tôi có thể đi nhà thờ, đi chợ. Tôi có thể làm bất cứ thứ gì mình thích.”
Theo The Guardian