NASA vừa gửi tín hiệu thăm dò tới tàu vũ trụ Voyager 2 sau hơn 7 tháng.
Những người điều khiển Voyager 2 đã gửi một loạt các lệnh thử nghiệm đến tàu vào hôm thứ Năm (29/10/2020) thông qua những ăng-ten vô tuyến của Trạm không gian sâu 43 (DSS43) đặt tại Canberra, Úc. Các quan chức NASA cho biết trong buổi cập nhật vào sáng thứ Hai (02/11/2020), Voyager 2 đã xác nhận việc ghi nhận và thực hiện những lệnh trên mà không xảy ra sự cố nào.
Phi hành đoàn thực hiện một số nâng cấp và sửa chữa cần thiết đối với đĩa ăng-ten radio đường kính 70 mét của Trạm không gian sâu 43 ở Canberra, Úc. Hình ảnh trên là một trong các đĩa ăng-ten, nơi chứa các bộ phận của máy thu ăng-ten, đang được di chuyển bằng cần trục - Ảnh: CSIRO
Đây là những lệnh đầu tiên NASA chuyển tới tàu Voyager 2 kể từ giữa tháng 3 năm nay do DSS43 phải chuyển sang ngoại tuyến để sửa chữa và nâng cấp. Việc bảo trì diễn ra nhằm mở rộng chức năng, bao gồm cả việc bổ sung thêm hai thiết bị phát sóng vô tuyến, và một trong số đó được dùng để liên lạc với tàu Voyager 2.
Theo lời giới chức NASA, bộ phát sóng này chưa từng được thay mới trong suốt 47 năm.
“Điểm độc đáo trong nhiệm vụ lần này chính là việc chúng tôi cải tiến mọi vị trí của ăng-ten, từ bệ ở mặt đất cho đến các thanh cấp dữ liệu ở tâm đĩa kéo dài phía trên vành đĩa,” Brad Arnold đến từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA ở Nam California cho biết trong bản tin cập nhật hôm thứ Hai.
Ông Arnold, giám đốc dự án Mạng lưới giám sát Không gian sâu (Deep Space Network - DSN) của NASA chia sẻ: “Cuộc kết nối thử nghiệm này với Voyager 2 cho chúng tôi biết chắc chắn rằng mọi thứ vẫn đi theo đúng hướng với những gì chúng tôi đang làm”.
Các quan chức NASA cũng thông tin thêm rằng khi nhiệm vụ này hoàn thành vào tháng 2 năm 2021, nó sẽ giúp ích rất nhiều cho việc liên lạc với nhiều loại tàu khác nhau của NASA.
DSN là một mạng lưới các kính viễn vọng vô tuyến được đặt ở ba nơi trên thế giới với khoảng cách tương đương nhau: Canberra (Úc); Madrid (Tây Ban Nha) và Goldstone, California (Hoa Kỳ). NASA sử dụng những thiết bị này để kết nối và liên lạc với những tàu thăm dò ở xa của họ. Riêng ở Canberra có 3 kính vô tuyến cỡ nhỏ hơn dùng để nhận tín hiệu từ những tàu thăm dò ở xa, và nhờ vậy đội điều phối Voyager 2 đã có thể theo dõi Voyager 2 kể cả khi việc bảo trì DSS43 khiến họ không thể gửi lệnh cho tàu này.
Việc liên lạc với Voyager 2 không thể thực hiện bằng những thiết bị DSN đặt ở Tây Ban Nha và California vì tàu đang di chuyển xuống phía dưới so với mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất và chỉ có thể kết nối được từ Nam bán cầu.
Voyager 2 và tàu song sinh của mình, tàu Voyager 1 chỉ khởi hành cách nhau vài tuần trong năm 1977 để thực hiện chuyến du hành đến những hành tinh khổng lồ của hệ mặt trời. Hai tàu thăm dò đã thực hiện xong nhiệm vụ chưa từng có này; Voyager 1 bay ngang qua Sao Mộc và Sao Thổ, còn Voyager 2 thì được chiêm ngưỡng cận cảnh Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương. Việc ghé qua Sao Hải Vương để thăm dò mặt trăng Triton cũng chính là lý do vì sao tàu Voyager 2 đang hướng về “phía Nam”.
Hai con tàu Voyager cứ thế bay mãi vào không gian. Tháng 8 năm 2012, tàu Voyager 1 rời khỏi Hệ Mặt Trời để bắt đầu cuộc du hành liên sao trong vùng không gian vũ trụ sâu, và trở thành vật thể nhân tạo đầu tiên làm được điều đó. Cuối năm 2018, tàu Voyager 2 cũng đã nối gót Voyager 1 bước vào cuộc hành trình kéo dài vô hạn này.
Cả hai tàu vẫn còn hoạt động tốt và mang lại cho các nhà khoa học cái nhìn cận cảnh đầu tiên về vùng không gian vũ trụ rộng lớn bên ngoài nhật quyển. Tuy nhiên, hai tàu Voyager được vận hành bằng năng lượng nguyên tử sắp cạn kiệt nguyên liệu sau hơn 4 thập kỷ hoạt động, và nhóm phụ trách đã chọn tắt đi một số thiết bị trên tàu trong vài năm qua để tận dụng tối đa tuổi thọ hoạt động của chúng. Cả hai tàu vẫn còn đủ năng lượng để thu thập dữ liệu cho đến năm 2024, các thành viên nhóm phụ trách cho hay.
Voyager 1 hiện đang cách Trái Đất 22.7 tỷ kilomet và Voyager 2 đang cách chúng ta 18.8 tỷ kilomet. Với khoảng cách lớn như vậy, tín hiệu gửi từ trung tâm kiểm soát phải mất 21 giờ để đến được Voyager 1 và 17.5 giờ để đến được Voyager 2.
Theo www.space.com