Trang chủ»Toàn cảnh thế giới

Toàn cảnh thế giới

Robot tự hành Perseverance hạ cánh thành công xuống Sao Hỏa

Ngày 18/02/2021, NASA tuyên bố robot Perseverance đã hạ cánh an toàn lên bề mặt Sao Hỏa sau cuộc hành trình dài hơn 470 triệu km từ Trái Đất.



Bức ảnh đầu tiên Perseverance chụp ngay sau khi hạ cánh - Ảnh: NASA

Rời Trái Đất hơn 6 tháng trước, tàu do thám chở robot đã hoàn thành chuyến đi dài gần 500 triệu km đến Hành tinh đỏ bình an vô sự.

Perseverance đánh dấu những khởi đầu mới cho ngành khoa học vũ trụ. Công cuộc tìm kiếm sự sống cổ đại trên Sao Hỏa. Trực thăng đầu tiên bay trên hành tinh khác. Lần đầu ghi lại âm thanh của Hành tinh đỏ. Robot do thám đầy tinh vi này đã được xếp sẵn lịch trình dày đặc cho những năm hoạt động sắp tới.

Perseverance sẽ khám phá Hố Jezero - tàn tích của một hồ cổ đại tồn tại khoảng 3,9 tỷ năm trước - và tìm kiếm các vi hóa thạch ẩn trong đất đá nơi này.

Hạ cánh trên Sao Hỏa: ‘7 phút kinh hoàng’

Perseverance là lần hạ cánh thứ 9 của NASA đáp lên Sao Hỏa và cũng là robot do thám thứ 5 của cơ quan này. Để hạ cánh thành công, nó bắt buộc phải vượt qua “7 phút kinh hoàng.”



Hình vẽ mô tả ‘7 phút kinh hoàng’ của Perseverance phải vượt qua - Ảnh: NASA

Tín hiệu vô tuyến đi từ Trái Đất đến Sao Hỏa trong khoảng 11 phút, có nghĩa Perseverance sẽ phải thực hiện 7 phút hạ cánh theo lịch trình mà không có bất cứ sự can thiệp hay hỗ trợ trực tiếp nào từ đài kiểm soát trên Trái Đất.

Điểm hạ cánh Perseverance nhắm tới là khu vực lòng sông hồ cổ đại rộng 45km, thử thách lớn nhất cho NASA tính đến hiện tại. Khác với những sứ mệnh trước, địa hình ở đây không bằng phẳng rộng lớn mà lại khá chật hẹp, với vô số các đụn cát, vực sâu, hố va chạm và đá lớn. Để hỗ trợ cho sứ mệnh này, tàu vũ trụ chở Perseverance đã được nâng cấp với hai thiết bị để xác định khoảng cách và nhận diện địa hình, giúp xe vượt qua những chướng ngại nguy hiểm.



Hình ảnh phân tích vị trí đáp của Perseverance: vùng đỏ là chướng ngại nguy hiểm, vùng xanh là vùng an toàn - Ảnh: NASA

Sau khi loại bỏ khiên nhiệt, phần vỏ sau và dù đáp của tàu sẽ tự động tách ra. Động cơ hạ cánh với 8 tên lửa sẽ khởi động để giảm tốc độ cho tàu chỉ còn bằng vận tốc của người đi bộ. Sau đó, cấu trúc cần cẩu nổi tiếng đã được dùng cho Curiousity trước đây hạ dần robot xuống. Sau khi Perseverance chạm bề mặt Sao Hỏa, các dây nối sẽ được cắt để thiết bị hạ cánh bay đi và đáp xuống nơi khác ở một khoảng cách an toàn.

Vệ tinh Sao Hỏa Reconnaissance của NASA đã ghi lại dữ liệu từ robot do thám trong suốt quá trình hạ cánh. Vào lúc 7:27 tối (giờ miền Đông nước Mỹ), vệ tinh Odyssey của NASA sẽ bay ngang bầu trời phía trên bãi đáp và liên lạc với Perseverance để cập nhật tình trạng của robot. Sau đó, Vệ tinh ExoMars của Châu Âu sẽ đến thu thập dữ liệu và hình ảnh để gửi về Trái Đất vào lúc 9:36 tối (giờ miền Đông nước Mỹ).

Sứ mệnh lịch sử: Những gì Perseverance sẽ làm?

Kể từ giờ phút này, hành trình sứ mệnh kéo dài 2 năm của Perseverance bắt đầu. Bước đầu tiên chính là giai đoạn quan sát. Perseverance sẽ “ngẩng cổ” và bắt đầu chụp hình không gian xung quanh gửi về Trái Đất, đồng thời tiến hành “kiểm tra sức khỏe” với các kỹ sư.

Đội điều khiển ở Trái Đất sẽ dành ra một tháng để kiểm tra tàu kỹ lưỡng, cũng như thực hiện các công tác chuẩn bị cần thiết cho chuyến thăm dò. Nhóm trực thăng sẽ đảm bảo rằng Ingenuity vẫn ổn và sẵn sàng cho chuyến bay của mình. “Có thể nói đây quả thật là khoảnh khắc ‘anh em nhà Wright’ ngoài vũ trụ,” ông Thomas Zurbuchen thuộc Ban giám đốc Sứ mệnh Khoa học của NASA chia sẻ.

Sau khoảng 10 ngày, robot sẽ thả trực thăng Ingenuity xuống mặt đất và rời vị trí. Chiếc trực thăng nhỏ bé chỉ gần 2kg sẽ phải chịu đựng nhiều đêm lạnh giá một mình trên Sao Hỏa, tự sưởi ấm và sạc điện bằng các tấm pin mặt trời trước khi thực hiện chuyến bay đầu tiên của mình. Chuyến bay này dự kiến sẽ kéo dài chỉ 20 giây.

Perseverance sẽ tìm kiếm các bằng chứng sự sống cổ đại ở Sao Hỏa, đồng thời nghiên cứu môi trường, địa chất và thu thập mẫu vật để gửi về Trái Đất trong những năm 2030.

“Các thiết bị khoa học tinh vi của Perseverance không chỉ giúp cho công cuộc tìm kiếm hóa thạch vi sinh mà còn mở rộng kiến thức của chúng ta về địa chất của Sao Hỏa trong quá khứ, hiện tại và tương lai,” Ken Farley, nhà khoa học thuộc dự án Mars 2020 cho biết.

Perseverance sẽ khám phá một cung đường dài khoảng 25km trên Sao Hỏa. Chuyến đi đầy kịch tính này sẽ mất khá nhiều năm, Farley cho biết. Tuy nhiên, những gì các nhà khoa học có thể nghiên cứu được từ sứ mệnh này thật sự rất đáng giá. Để đạt được mục tiêu của mình, Perseverance sẽ di chuyển ở vận tốc 0,16km/h, nhanh hơn những robot do thám trước đây gấp 3 lần.



Đoạn đường dài 25km mà Perseverance sẽ khám phá trong những năm tới - Ảnh: NASA

Perseverance cũng được trang bị những thiết bị giúp mở rộng cơ hội khám phá Sao Hỏa trong tương lai như MOXIE (Thử nghiệm sử dụng tài nguyên oxy tại chỗ trên Sao Hỏa). Thiết bị có kích thước bằng bình ắc quy ô tô này sẽ thử chuyển hóa CO2 trên Sao Hỏa thành oxy.

Thử nghiệm này không chỉ giúp các nhà khoa học NASA nghiên cứu phương pháp tạo ra nhiên liệu tên lửa trên Sao Hỏa mà còn tìm cách sản sinh khí oxy dùng cho những chuyến thám hiểm Hành tinh đỏ của con người trong tương lai.

Theo CNN

SIU Review - số 138

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán