Sau 6 năm phiêu du khám phá, tàu Hayabusa2 của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản JAXA đã gửi khoang kín chứa khoảng 100mg mẫu đất từ tiểu hành tinh Ryugu cách chúng ta 300 triệu km về Trái Đất vào hôm thứ Bảy. Hayabusa2 đã làm nên lịch sử khi mang về mẫu đất dưới bề mặt tiểu hành tinh đầu tiên trên thế giới.
“Quả cầu lửa” được chụp từ thị trấn Coober Pedy miền Nam nước Úc - Ảnh: JAXA
JAXA cho biết, khoang chứa đã tách ra khỏi phần thân chính của tàu Hayabusa2 vào lúc 12:30 trưa thứ Bảy, ngày 5 tháng 12 và tiến vào bầu khí quyển Trái Đất vào lúc 12:29 rạng sáng ngày Chủ Nhật. Trong quá trình tiến vào Trái Đất, khoang kín đã biến thành quả cầu lửa và để lại vệt sáng trên trời dẫn lối cho đội tìm kiếm và thu hồi của JAXA. Ngoài vệt sáng, khoang kín còn có một thiết bị vô tuyến, phát ra tín hiệu để hỗ trợ công tác tìm kiếm, theo tờ New York Times.
Ảnh: JAXA
Trước khi tiếp đất, khoang kín bật dù ra để giúp giảm vận tốc rơi và đáp nhẹ nhàng xuống Khu vực Cấm Woomera ở miền Nam nước Úc. Tuy nhiên, tiếp đất thành công chỉ mới là một phần của nhiệm vụ, bước tiếp theo là phải tìm ra khoang kín nhỏ bé với đường kính chỉ khoảng 40cm giữa sa mạc mênh mông.
Ảnh: JAXA
Yuichi Tsuda, quản lý của dự án Hayabusa2 tại JAXA cho biết họ đã tìm được khoang chứa đúng theo kế hoạch và ở tình trạng hoàn hảo, theo tờ AP.
“Chúng tôi đã đáp được hộp kho báu xuống rồi,” Tsuda nói. “Tôi rất mong chờ tới ngày được mở nó ra để xem.”
Quả nhiên đúng như lời của các nhà khoa học, mẫu đất từ tiểu hành tinh Ryugu cũng giống như châu báu vậy. Theo tờ Verge giải thích, các thiên thạch và tiểu hành tinh là những thành phần xuất hiện sớm nhất trong Hệ Mặt Trời. Chúng đã luôn ở quanh đây trong suốt hàng tỉ năm, và các nhà khoa học cho rằng chúng đã không thay đổi gì nhiều. Một số nhà khoa học tin rằng rất có thể những tiểu hành tinh giống Ryugu đã mang nước vào Trái Đất khi chúng va chạm nhau và khiến hành tinh của chúng ta có thể nuôi dưỡng sự sống. Những mẫu đất thiên thạch sẽ giúp làm sáng tỏ giả thuyết này.
Các nhà khoa học của JAXA hiện vẫn chưa rõ mẫu đất Hayabusa2 mang về có khối lượng bao nhiêu, nhưng họ mong đợi vào khoảng tối thiểu 100mg, đủ để tiến hành các nghiên cứu theo kế hoạch. Sứ mệnh Hayabusa đầu tiên vào năm 2010 đã không lấy được nhiều đất từ tiểu hành tinh Itokawa do có hư hỏng trong thiết bị lấy mẫu của tàu. Do đó, các nhà khoa học chỉ nhận được vài microgram bụi từ Itokawa mà thôi.
Theo tờ CNN, các quan chức JAXA cho biết đối với trường hợp của Hayabusa2 thì các nhà khoa học phải mở khoang chứa ra mới biết được họ có khoảng bao nhiêu. Khoang chứa này sẽ được mở ra ở Nhật Bản và sau đó họ sẽ đưa ra bài công bố về lượng vật chất thu được.
Tuy nhiên, hành trình của Hayabusa2 vẫn chưa kết thúc tại đây. Sau khi thả khoang kín về Trái Đất, nó đã tiếp tục lên đường đi khám phá một tiểu hành tinh khác tên 1998KY26 để giúp tìm ra lời giải cho các nghiên cứu khoa học, trong đó có cách để ngăn chặn các tiểu hành tinh va chạm với Trái Đất.
Theo Gizmodo