Imogen Napper, nhà khoa học biển thuộc Đại học Plymouth tại Anh đồng thời là nhà thám hiểm của National Geographic cho biết: “Vi nhựa không chỉ trôi nổi trong các đại dương mà hiện nay chúng còn tồn tại trên cả đỉnh núi cao nhất thế giới. Chúng hiện diện khắp mọi nơi trong môi trường sống của ta.”
Gần đây nhất, đỉnh Everest là địa điểm xa xôi tìm thấy các mảnh vi nhựa. Hầu hết là sợi polyester, có khả năng là từ thiết bị và quần áo của người leo núi - Ảnh: R.M. NUNES/ISTOCK / GETTY IMAGES PLUS
Nhựa đóng vai trò ngày càng lớn trong đời sống của chúng ta: nếu chỉ có 5 triệu tấn nhựa được sử dụng vào những năm 1950 thì đến 2020, con số này đã lên đến 330 triệu tấn. Những món đồ nhựa khi bị vứt đi sẽ nát vụn, tạo thành các vi nhựa. Với kích thước nhỏ hơn 5 mm, các mảnh nhựa từ túi, chai và các đồ dùng khác, có thể làm hại các loài động vật như mắc vào mai của cua biển. Chúng cũng gây ảnh hưởng xấu lên hệ sinh thái.
Dưới đây là một số nơi bạn không ngờ vi nhựa có thể hiện diện.
Trên đỉnh nóc nhà thế giới
Theo báo cáo trên tạp chí One Earth ngày 20 tháng 11, cả 11 mẫu tuyết Everest mà nhóm của Napper phân tích đều chứa nhựa. Mật độ vi nhựa dày đặc nhất - 119.000 mảnh/mét khối - là ở mẫu tuyết lấy từ Điểm cắm trại Everest, nơi những nhà leo núi tụ tập. Nhưng nhựa cũng được tìm thấy ở độ cao khoảng 8.440m trên mặt nước biển, gần chóp đỉnh (8.850 mét). Các nhà khoa học cũng tìm thấy mảnh nhựa ở 3 trong 8 mẫu nước suối tự nhiên của Everest. Điều này có lẽ cũng không có gì đáng ngạc nhiên vì mỗi năm có hàng trăm người tìm cách chinh phục ngọn núi này và để lại không ít rác. Đa số những mảnh vi nhựa tìm được đều là các sợi polyester, có lẽ bong ra từ các dụng cụ và trang phục leo núi.
Dưới đáy biển sâu nhất hành tinh
Các nhà khoa học đã tìm được sợi và mảnh nhựa bên trong ruột của những sinh vật sống ở những đáy sâu quanh Vành đai Thái Bình Dương. Trong số 90 mẫu giáp xác được phân tích trong nghiên cứu năm 2019, 65 mẫu có chứa vi nhựa, trong đó có mẫu đến từ độ sâu 10.890 mét dưới đáy vực Mariana. Một bài nghiên cứu khác về mẫu nước ở Vịnh Monterey cho thấy các mảnh vụn nhựa tập trung nhiều nhất ở độ sâu khoảng 200 đến 600 mét.
Động vật ăn vi nhựa ở những nơi sâu nhất của đại dương. Trong ruột của các loài động vật chân đốt (hình minh họa bên trái) được thu thập từ 9 địa điểm trên rãnh của Vành đai Thái Bình Dương, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy các mảnh nhựa, bao gồm cả sợi nhỏ (bên phải) được tìm thấy trong một sinh vật từ độ sâu 10.890 mét trong rãnh Mariana - Ảnh: A.J. JAMIESON ET AL/ROY SOC OPEN SOCIETY 2019
Cuốn theo chiều gió
Vi nhựa có thể theo gió đi đến tận những nơi xa xôi hẻo lánh như trạm khí tượng trên Dãy Pyrenees. Trung bình có khoảng 365 mảnh nhựa trên mỗi mét khối rơi xuống khu vực này mỗi ngày, tương đương với lượng nhựa rơi xuống ở một số thành phố. Mô phỏng hướng gió và vận tốc cho biết có thể những mảnh nhựa này đã di chuyển được 95 km trước đó.
Trong tảng băng Bắc cực
Một nghiên cứu năm 2018 cho biết có hàng triệu cho đến hàng chục triệu mảnh vi nhựa được tìm thấy trong mỗi mét khối nước tan ra từ băng đá ở Bắc Cực. Nhóm nghiên cứu tìm ra được 17 loại nhựa khác nhau, bao gồm một số loại dùng trong đóng gói bao bì, sơn và các loại sợi. Một báo cáo khác vào năm 2020 tìm thấy lượng thấp hơn trong lõi băng biển, mật độ từ 2.000 đến 17.000 mảnh trên mỗi mét khối. Nghiên cứu này cũng cho biết phần nước biển bên dưới những tảng băng trôi có từ 0 đến 18 mảnh/mét khối.
Trong ruột chúng ta
Một nghiên cứu năm 2019 ước tính mỗi người Mỹ trung bình tiêu thụ khoảng từ 39.000 đến 52.000 mảnh vi nhựa mỗi năm. Con số trên được rút trích từ các nghiên cứu trước đây phân tích lượng nhựa tồn tại trong nước vòi và nước đóng chai cùng một số loại thực phẩm khác như cá, đường, muối, và rượu bia.
Theo ScienceNews