Theo một nghiên cứu mới đây xuất bản trên “Journal of the American Heart Association” - tập san truy cập mở, có bình duyệt của Hiệp hội Tim Mỹ - ăn hai phần bơ (trái cây) mỗi tuần hoặc hơn, cũng như thay thế các thực phẩm giàu béo như bơ sữa, phô mai, hay các loại thịt đã qua chế biến, có thể giúp giảm khả năng mắc các bệnh về tim mạch.
Ảnh: pxhere.com/en/photo/1617888
Quả bơ chứa nhiều chất xơ, chất béo không bão hòa (đặc biệt là chất béo không bão hòa đơn tốt cho cơ thể), cùng nhiều dưỡng chất khác được liên hệ với khả năng tăng cường sức khoẻ tim mạch. Nghiên cứu lâm sàng cho thấy ăn bơ có tác động đến các yếu tố liên quan đến bệnh tim; một trong số đó là lượng cholesterol cao. Phát hiện này được cho là nghiên cứu đầu tiên tìm ra mối quan hệ nghịch chiều giữa lượng bơ trái tiêu thụ và khả năng gặp phải các bệnh như mạch vành.
Tiến sĩ Lorena S. Pacheco, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại khoa dinh dưỡng trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan ở Boston, cũng là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu này, phát biểu: “Kết quả cho chúng ta thêm bằng chứng rằng tiêu thụ chất béo không bão hoà có nguồn gốc thực vật quan trọng thế nào đến việc ngăn chặn các bệnh tim mạch. Đây là phát hiện đáng chú ý, nhất là khi lượng tiêu thụ bơ trái tại Mỹ tăng nhanh trong 20 năm qua, theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.”
Nhóm nghiên cứu theo dõi 68.780 người nữ (độ tuổi 30-55) thuộc Nghiên cứu Sức khoẻ Y tá và 41.700 người nam (độ tuổi 40-75) thuộc Nghiên cứu Theo dõi Sức khoẻ Chuyên viên Y tế. Mọi đối tượng tham gia nghiên cứu đều không mắc bệnh ung thư, mạch vành, hay đột quỵ vào lúc bắt đầu nghiên cứu; tất cả đều sinh sống tại Mỹ. Trong vòng 30 năm theo dõi, nhóm nghiên cứu ghi nhận 9.185 trường hợp gặp bệnh mạch vành và 5.290 trường hợp đột quỵ. Để kiểm tra chế độ ăn uống của người tham gia, nhóm nghiên cứu sử dụng bảng hỏi lúc bắt đầu nghiên cứu và sau đó đều đặn 4 năm một lần. Một trong các câu hỏi là người trả lời có hay ăn bơ trái không và ăn thường xuyên đến mức nào. Một phần bơ được tính là nửa trái, hay khoảng 70 gram.
Phân tích kết quả cho thấy:
• Sau khi xét đến nhiều nhân tố gây bệnh tim mạch và các biến số khác nhau về chế độ ăn, nghiên cứu kết luận những đối tượng ăn ít nhất hai phần bơ (tức một quả, hay khoảng 140 gram) mỗi tuần giảm 16% khả năng bệnh tim và 21% bệnh mạch vành so với những người không hoặc hiếm khi ăn bơ.
• Theo mô hình thống kê, thay một nửa phần ăn bơ thực vật, bơ sữa, trứng, sữa chua, phô mai, hay các loại thịt đã qua chế biến (thịt xông khói chẳng hạn) mỗi ngày bằng lượng bơ trái tương tự, khả năng gặp phải các triệu chứng tim mạch giảm từ 16% đến 22%.
• Thay thế một nửa phần ăn bơ trái mỗi ngày với một lượng tương tự dầu ô liu, dầu các loại hạt, hay các loại dầu thực vật khác không cho thấy thêm lợi ích đáng chú ý nào.
• Không có liên hệ rõ ràng giữa lượng bơ trái tiêu thụ và khả năng bị đột quỵ.
Kết quả nói trên sẽ giúp giới y tế đưa ra được những lời khuyến cáo bổ ích cho bệnh nhân. Pacheco giải thích: “Giờ đây các bác sĩ hay các chuyên viên y tế (như các nhà dinh dưỡng có chứng chỉ chẳng hạn) có thể dựa vào kết quả trên mà đề xuất bệnh nhân thay thế một số loại bơ quết hay thực phẩm nhiều chất béo bão hòa như phô mai và thịt đã chế biến bằng bơ trái. Nhiều người cũng thích ăn bơ nên cũng không quá khó làm theo những lời khuyên như thế này.”
Kết quả nghiên cứu củng cố khuyến cáo Hiệp hội Tim Mỹ rằng chúng ta nên chọn chế độ ăn Địa Trung Hải - nhiều rau củ, trái cây, các loại ngũ cốc, đậu, cá, ưu tiên chất béo gốc thực vật như dầu ô liu, dầu hạt cải, dầu mè, hay các loại dầu không dùng thực vật nhiệt đới, cùng nhiều thực phẩm tốt cho sức khoẻ khác.
Tiến sĩ Cheryl Anderson là chủ tịch Hội đồng Dịch tễ và Phòng chống Bệnh dịch thuộc Hiệp hội Tim Mỹ, đồng thời là giáo sư hiện kiêm nhiệm vị trí trưởng khoa Herbert Wertheim về Y tế Công cộng và Khoa học Tuổi thọ Con người thuộc Đại học California San Diego.
Bà cho biết: “Đây là phát hiện quan trọng bởi một chế độ ăn tốt là cốt lõi cho một hệ thống tim mạch vững mạnh. Tuy nhiên, người Mỹ khó mà có thể gò bản thân vào một chế độ ăn như thế. Chúng ta cần có chiến lược khuyến khích người Mỹ làm theo các khuyến cáo từ Hiệp hội Tim Mỹ - như thực hiện chế độ ăn Địa Trung Hải chẳng hạn. Đúng là không có một thực phẩm nào tự nó là “thần dược” cả, nhưng những nghiên cứu như thế này chỉ ra được lợi ích của bơ - một loại trái cây được người Mỹ yêu thích, thường ăn tại nhà lẫn ở các hàng quán bên ngoài - và vì vậy có triển vọng hơn nhiều trong công tác khuyến khích nêu trên so với các loại thực phẩm khác.”
Bởi nghiên cứu này đi theo hướng khảo sát, nhóm thực hiện không thể kết luận về quan hệ nhân quả. Bên cạnh đó, phương pháp thu thập dữ liệu và mẫu khảo sát được chọn cũng là hai hạn chế đáng bàn. Các phân tích có thể dựa trên dữ liệu sai lệch do nhóm nghiên cứu chỉ tiến hành phỏng vấn bằng bảng hỏi và để đối tượng tự trả lời. Phần lớn mẫu khảo sát là những y tá hay nhân viên y tế da trắng, nên kết quả khảo sát có thể không phản ánh đúng thực trạng của những nhóm sắc tộc khác.
Được biết những đơn vị tài trợ cho nghiên cứu trên bao gồm Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, Viện Bệnh Tiểu đường, Bệnh Tiêu hoá, và Bệnh Thận Quốc gia, phân viện thuộc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, và Hội Harvard Chan Yerby trực thuộc Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan.
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)