Trang chủ»Văn hóa xã hội

Văn hóa xã hội

Ba nguyên liệu tự nhiên mới, chuẩn bị xuất hiện trong hàng loạt sản phẩm của năm 2022

Sau cơn đại dịch vừa qua, các sản phẩm công thức phức tạp và chu trình làm đẹp cồng kềnh đã nhường chỗ cho triết lý dưỡng nhan tự nhiên hơn, chú trọng đến phòng bệnh hơn là chữa trị.

Ngành mỹ phẩm hiện đi theo xu hướng tối giản, chú trọng đến một số ít hoạt chất trọng yếu thay vì hàng loạt lớp kem nền, serum, cùng nhiều sản phẩm khác. Về phần nguyên liệu, xương rồng lê gai, gạo, và lanh là ba ứng viên nhiều khả năng sẽ xuất hiện trong hàng loạt sản phẩm làm đẹp năm 2022 này.



Cây và quả xương rồng lê gai - Ảnh: Mali Maeder/Pexels

Xương rồng lê gai và đặc tính chống lão hoá

Theo nghiên cứu mới đây của Skincare Hero, retinol - từng được xem là dạng vitamin A chống lão hoá hiệu quả nhất - tuy nổi lên vào năm ngoái (cùng với lô hội và vitamin C), lại sắp sửa bị các nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên hơn thay thế.

Một trong số các ứng viên là xương rồng lê gai. Dầu hạt của loài cây mọc ở Mexico và vùng Maghreb này đứng đầu danh sách các nguyên liệu có tính chống lão hoá, vì vậy ngày càng được ưa dùng trong các sản phẩm làm đẹp gốc tự nhiên.

Giàu vitamin E, axit béo không bão hoà đa và sterol, dầu hạt xương rồng lê gai không chỉ làm giảm các nếp nhăn và vết hằn nông trên da, mà còn có tác dụng làm sáng da và chống lại hiện tượng lão hoá sớm. Không những thế, tinh dầu này còn có tác dụng chữa lành. Quả lê gai cũng ngày càng được dùng nhiều trong các loại mỹ phẩm như kem dưỡng hay mặt nạ dành cho da và tóc.

Gạo và nhiều công dụng lý thú

Từng khuấy động mạng xã hội vào năm 2021, gạo đã trở lại, trở thành “chị đại” trong làng mỹ phẩm đắc dụng cho da xỉn màu, các loại da từ hỗn hợp đến da dầu, cũng như da chuẩn bị lão hoá. Những người “tiên phong” lan toả công dụng của gạo là các TikToker sử dụng các thẻ liên kết như #ricewaterchallenge (75 triệu lượt xem) hay #riceforskin (3,6 triệu lượt xem). Mặc dù đã sẵn có trên thị trường, những mỹ phẩm có gạo trong thành phần hoạt chất chắc chắn sẽ còn tăng thêm về số lượng cũng như phân loại - từ mặt nạ dạng bột cho đến dầu cám, nước tẩy da chết, các loại kem kiểm soát dầu nhờn, cùng nhiều sản phẩm khác.

Bột gạo từ lâu đã được các phụ nữ Á châu sử dụng để làm đẹp nhờ khả năng hút ẩm và kiểm soát dầu nhờn của nó. Trong khi đó, nước gạo lại giàu chất chống oxy hoá, vừa giúp ngăn ngừa dấu hiệu lão hoá, vừa tăng độ săn chắc và dưỡng ẩm cho da. Chưa hết, gạo còn là cứu tinh cho tóc, giúp tóc chắc khoẻ và óng mượt hơn. Những đặc tính quý giá trên ngày càng được nhiều thương hiệu mỹ phẩm sử dụng trong các chiến dịch quảng bá sản phẩm.

Cây lanh cùng các công dụng ít ai biết đến

Tuy đã trở lại ngành thời trang năm 2021, lanh vẫn là loại nguyên liệu ít người biết đến công dụng. Song, các thương hiệu mỹ phẩm, nhờ nhận thấy đặc tính hữu ích của hoa và hạt loài cây này đối với các loại da khô, nhạy cảm, và dễ bị lão hoá, đã cho ra mắt hàng loạt các sản phẩm kem, serum và dầu dưỡng làm từ hai nguyên liệu vừa nêu.

Nhờ tính dịu nhẹ và công dụng kháng viêm, làm mềm da, đồng thời tái tạo và chữa lành da, lanh dần trở thành bạn đồng hành của biết bao làn da nhạy cảm. Ngoài ra, cũng nhờ khả năng nuôi dưỡng, tăng độ đàn hồi và độ sáng của da, nó gần như là “gương mặt thân quen” trong nhiều sản phẩm dưỡng ẩm. Cũng giống xương rồng lê gai và gạo, lanh là sự lựa chọn hoàn hảo cho da dễ bị lão hoá nhờ tác dụng làm chậm tiến trình dãn và chùng da. Và cũng giống hai nguyên liệu tự nhiên trên, nó cũng vô đối về khoản dưỡng tóc.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 140

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán