Néné Izou, một người dân thuộc bộ lạc gốc Ả Rập Basara ở phía Bắc nước Chad, cho biết: “Chébé là món quà nuôi dưỡng tóc đã được các vị thần linh để lại trên núi.” Nữ giới trong bộ lạc của Izou, cũng như ở các bộ lạc du mục khu vực này, nổi bật với mái tóc dày, óng ả của mình. Các chị em thường để tóc dài tới bụng. Và bí quyết để có mái tóc chắc khoẻ như thế chính là Chébé, một nghi thức dưỡng tóc từ thời cổ xưa đến nay vẫn còn được thực hiện.
Một người phụ nữ được tết tóc sau nghi thức Chébé - Ảnh: Ruth Ossai/Vogue
Vùng đồi núi trập trùng ở Guéra, Chad, là nơi bén rễ của cây croton gratissimus có nụ hoa đỏ gỉ, còn được gọi là chébé. Từ tháng 2 đến tháng 4, hạt chébé được thu hoạch, phơi khô, sàng qua ray, đem rang, rồi xay nhuyễn thành một thứ bột mịn.
Hạt Chébé được thu hoạch từ cây croton gratissimus thuộc Họ Đại kích - Ảnh: Ruth Ossai/Vogue
Salwa Petersen tại bộ lạc Gorane (Dazagarè) ở Chad cho biết: “Chế biến chébé cũng giống chế biến thức ăn vậy, mỗi người lại có một kiểu riêng”.
Trước khi thoa lên tóc, các chị em chuẩn bị sẵn 3 cái bát: một bát nước, một bát bột chébé, một bát dầu hòa với bơ (thường là dầu mè và bơ hạt mỡ). Nghi thức dưỡng tóc rất đơn giản. Sau khi chấm tay qua nước và hỗn hợp bơ dầu, một phụ nữ sẽ lấy bột chébé thoa đều lên tóc của người thân, nhẹ nhàng vuốt từ chân tóc đến ngọn để đảm bảo độ ẩm cho tóc. Vừa làm, người phụ nữ ấy vừa tết tóc của người thân lại thành bím rồi thả cho bím tóc tuôn dài xuống lưng.
Mariam Abdel Haman thuộc bộ lạc Ouled Badr đang được tết tóc trong nghi thức Chébé - Ảnh: Ruth Ossai/Vogue
Petersen nhận xét: “Nghi thức Chébé cần nhiều thời gian và công sức. Nếu muốn theo kỹ từng bước, có lẽ bạn sẽ mất cả ngày mới hoàn thành nghi thức này.”
Nghi thức Chébé có tuổi đời hơn một ngàn năm, đã được ghi lại trên những hình vẽ hoặc văn tự trên vách đá ở Bình nguyên Ennedi thuộc vùng Sahara. Petersen giải thích: “Chébé là nghi thức rất quan trọng vì dân làng chúng tôi xem tóc dài, khoẻ, và đẹp là biểu tượng của sự nữ tính và sức sống tràn trề.”
Tuy được thực hiện khá thường xuyên, Chébé, giống với các nghi thức khác, cũng đánh dấu thời điểm trưởng thành, lúc các cô bé bước vào tuổi vị thành niên, hay lúc các cô gái trẻ trở thành các bà mẹ. Petersen nhớ lại: “Khi ngửi mùi nồng nàn của chébé, tâm hồn tôi lập tức hồi tưởng về những túp lều du mục, tai tôi lại vẳng vọng tiếng nhạc cổ truyền hòa cùng tiếng cười nói của các phụ nữ trong gia đình. Lúc thực hiện Chébé cũng là lúc tôi vui vẻ bên các già làng, bên các mẹ, bên cô dì, bên chị em, và bên những người bạn.”
Salwa Petersen cho biết: “Từ khi còn là cô bé 8 tuổi lần đầu thực hiện nghi thức Chébé, tôi đã mong muốn phát triển dòng sản phẩm làm đẹp của riêng mình.” - Ảnh: Ruth Ossai/Vogue
Từ lúc thu hoạch đến lúc vương vấn trên lọn tóc của các phụ nữ và các cô gái, chébé là linh hồn của phái đẹp Châu Phi, theo Nsibentum - chuyên gia người Congo nghiên cứu về tóc ấp ủ, mong muốn phổ biến các nghi thức làm đẹp cổ truyền tại Châu Phi ra thế giới.
Awatif Baroud tạo dáng cho bức ảnh chụp tại N’Djamena. Sử gia chuyên khảo cứu tóc Nsibentum cho biết: “Nhờ tương tác với thiên nhiên và phụ nữ chúng tôi mới được tiếp xúc cây Chébé và tận dụng nó.” - Ảnh: Ruth Ossai/Vogue
Nsibentum nhận xét: “Làm đẹp là hòa mình vào môi trường xung quanh cũng như thế giới bên trong mình. Chébé là khoảng thời gian vô cùng thân mật, lúc các phụ nữ chia sẻ, truyền lại cho nhau kinh nghiệm và văn hoá, lúc họ cùng nhau thay đổi thiên nhiên nhằm mục đích làm đẹp hay nuôi dưỡng bản thân mình. Những buổi hội họp như thế đảm bảo các công thức và tục lệ hàng ngàn năm được bảo tồn và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.”
Nghi thức Chébé hiện nay vẫn là truyền thống riêng biệt của người dân tại Chad, nhưng cái tên này đã vượt khỏi biên giới, trở thành một loại sản phẩm dưỡng tóc hiệu quả; tất cả nhờ công rất lớn của Salwa Petersen. Cô cho biết: “Theo xu hướng đô thị hóa và toàn cầu hóa, kho tàng truyền thống vô giá của Chad, trong số đó có nhiều tục lệ truyền miệng dần biến mất. Trước tình hình các bộ lạc ngày càng thu hẹp, tôi muốn nghi thức Chébé vẫn được thế hệ tương lai lưu giữ, trường tồn với thời gian.”
Được biết Salwa Petersen là công dân của Chad tốt nghiệp tại trường Sorbonne và trường Luật Harvard (cô là người đầu tiên tại Chad vào học Harvard). Cô từng là luật sư trước khi lấn sân sang mảng làm đẹp, có thời gian làm việc cho L’Oréal Paris. Hiện cô sống tại Đức cùng chồng và con gái. Trong nhiều năm qua, cô dành tâm huyết của mình phổ biến các quy trình làm đẹp cổ truyền của người dân Chad thông qua YouTube cũng như hãng mỹ phẩm nổi tiếng mang tên mình. Hiện hãng mỹ phẩm của cô đã kết tinh nghi thức Chébé lại thành một loại kem dưỡng tóc có chiết xuất croton gratissimus mang tên Chébé du Tchad.
Trong giai đoạn cơ cấu lại doanh nghiệp của mình, Petersen ưu tiên phát triển bền vững: Mọi nguyên liệu được mua theo nguyên tắc công bằng thương mại, bao bì được làm từ vật liệu có thể tái sử dụng, và các lô sản phẩm được vận chuyển bằng các phương tiện chạy bằng điện và có chỉ số carbon trung hoà.
Salwa Petersen (phải) và Awatif Baroud (trái) là chủ thương hiệu Beït Mama, vốn cung cấp các sản phẩm chăm sóc tóc sử dụng bột Chébé - Ảnh: Ruth Ossai/Vogue
Chébé, làm từ những nguyên liệu phân hủy tự nhiên sau khi sử dụng, là ví dụ rõ ràng nhất khi ta bàn về các sản phẩm giúp phát triển bền vững. Petersen cho biết: “Giờ mọi người mới chú ý đến Mẹ Tự nhiên hơn, nhưng đối với chúng tôi, chuyện hòa hợp với thiên nhiên từ lâu đã là một phần của lối sống. Đó là lối sống cho thấy con người có thể chan hòa với tự nhiên như thế nào.”
Petersen tuyển các phụ nữ Chad đến làm việc trong các xưởng Chébé, nơi họ sàng lọc, rửa hạt chébé và được hưởng mức lương gấp ba lần mức bình quân tại khu vực. Là người lúc nào cũng nghĩ về quê nhà, Petersen quyên góp 2% doanh thu cho các khu bảo tồn tại Châu Phi.
Hai chị em Mariam Oumar và Aldjass Oumar thuộc bộ lạc Ouled Badr tại Batha - Ảnh: Ruth Ossai/Vogue
Giữa lúc biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, những đồng bằng rộng lớn và dãy núi trùng điệp ở Chad ngày càng bị đe doạ. Theo báo cáo mới nhất từ Ban Biến đổi Khí hậu Liên chính phủ (IPCC), tuy chỉ góp khoảng 3% vào tổng lượng khí thải nhà kính, Châu Phi lại là nơi hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của hiện tượng ấm lên toàn cầu; theo dự đoán, trong tương lai nền nhiệt sẽ tăng cao và các đợt hạn hán sẽ khô khốc hơn rất nhiều.
Petersen cho biết: “Người dân Chad cảm nhận biến đổi khí hậu rất rõ. Sa mạc Sahara ngày càng mở rộng, trong khi Hồ Chad, nguồn nước quan trọng nhất trong khu vực, lại thu hẹp với tốc độ chưa từng thấy. Nước cạn đi không phải do con người sử dụng nhiều mà do Trái Đất ngày càng nóng lên. Thật đáng buồn là dân du mục không gây tác hại, lối sống của họ không làm ô nhiễm gì, nhưng lại là những người phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất.”
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)