Trang chủ»Văn hóa xã hội

Văn hóa xã hội

Những thương hiệu thời trang hàng đầu Nhật Bản

Comme des Garçons



Thương hiệu Comme des Garçons do nhà thiết kế thời trang người Nhật Rei Kawakubo sáng lập vào năm 1969. Kể từ khi ra mắt dòng thời trang dành cho nam giới vào năm 1984, Comme des Garçons tiếp tục thách thức những quy chuẩn về màu sắc và kiểu dáng trong khi vẫn không ngừng mở rộng những dòng sản phẩm mới thời thượng.

Ngày nay, không một nhà thiết kế thời trang nào có thể khẳng định rằng họ hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi Rei Kawakubo và Comme des Garçons. Những dòng sản phẩm đa dạng của thương hiệu này đã chinh phục được nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, kể cả những khách hàng khó tính nhất. Dòng áo sơ mi SHIRT thống trị trang phục nam giới hiện đại trong khi Play trở thành một nhu cầu cần thiết đối với trang phục đường phố (streetwear) và Homme Deux là trang phục mà phái mạnh  không thể thiếu trong những dịp trang trọng.

Comme des Garçons là một trong những thương hiệu đã làm cho cho cả thế giới phải chú ý tới làng thời trang Nhật Bản. Trải qua hơn 40 năm kể từ ngày thành lập, thương hiệu này vẫn luôn là cái tên được nhắc tới đầu tiên khi nói về trang phục của nam giới. Comme des Garçons thực sự là thương hiệu tiên phong, đã đưa làng thời trang của Nhật lên đỉnh cao thế giới.

A Bathing Ape



A Bathing Ape (còn được gọi là Bape) của Nhật là một trong những thương hiệu có tầm ảnh hưởng lớn ở mảng thời trang đường phố. Nhà thiết kế Nigo đã sáng lập thương hiệu này vào năm 1993 với những chiếc áo hoddy bụi bặm đầu tiên. Đế chế Bape sớm thống trị trào lưu streetwear trong những năm 2000, đặc biệt là dòng sản phẩm giày thể thao Bapesta và những sản phẩm có họa tiết camo của quân đội.

A Bathing Ape đã hoàn thiện mô hình độc quyền bằng cách hạn chế nguồn cung và tối đa hóa việc quảng bá cho thương hiệu. Với những bài báo và logo có in chữ ký được hai nghệ sĩ Kanye và Pharrell giới thiệu, mọi người đều hiểu rằng việc sở hữu sản phẩm của Bape không phải là chuyện “cứ muốn là được”.

Tuy nhiên, khi Nigo mở rộng đế chế của mình thì lại vấp phải những sự cố tai hại. A Bathing Ape trở thành nạn nhân của việc thổi phồng quảng cáo và sau đó được bán lại cho Tập đoàn thời trang I.T của Hong Kong vào năm 2011.  

Yohji Yamamoto



Sự nghiệp của nhà thiết kế Yohji Yamamoto - người sáng lập ra thương hiệu thời trang mang tên ông - đã vượt cả không gian và thời gian. Julie Gilhart - Giám đốc thời trang của Barneys New York - nhận xét về Yohji Yamamoto: “Ông là nhà thiết kế duy nhất có thể khiến một người đàn ông 60 tuổi kinh ngạc và một chàng trai 17 tuổi cảm thấy bị mê hoặc”.

Sau buổi ra mắt hoành tráng ở Paris vào năm 1981, Yohji Yamamoto được gán biệt danh là “nhà thiết kế nổi loạn” vì ông không tuân theo bất cứ một quy tắc truyền thống nào về trang phục lúc bấy giờ. Tiếp đến là sự ra đời của bộ sưu tập dành cho nam giới vào năm 1984. Chính Yohji Yamamoto là người đã đặt nền tảng cho những bộ sưu tập một màu, sau này được gọi là "goth ninja" và ảnh hưởng sâu rộng đối với nhiều thương hiệu khác nhau. Ông nhanh chóng nổi tiếng với vai trò là nhà thiết kế tiên phong của Nhật Bản. Đối lập với Kansai Yamamoto và Kenzo - hai thương hiệu thời trang lớn nhất của Nhật Bản vào những năm 1970 - Yohji yêu thích màu đen và những vật liệu đã qua sử dụng để sáng tạo nên những sản phẩm tuyệt vời của mình. Yohji Yamamoto cũng là một trong số ít những nhà thiết kế được tôn là bậc thầy trong lĩnh vực thời trang. Ông không những đã mang nền thời trang của Nhật vươn ra thế giới, mà còn giúp định hình lại khái niệm thời trang là gì và đâu mới là thứ thật sự cần thiết dành cho phái mạnh.

Issey Miyake



Issey Miyake được xem là nhà thiết kế đẳng cấp quốc tế của Nhật Bản. Tạp chí Time nhận xét: “Mikaye đã và đang làm việc tại điểm giao nhau giữa nghệ thuật và thời trang, giữa tự nhiên và công nghệ, giữa cải tiến và truyền thống và quan trọng hơn nữa là giữa hai nền văn hóa Đông - Tây”.

Chính sự hiểu biết về vải và quy trình sản xuất vải đã giúp ông dễ dàng tạo ra những bộ trang phục phức tạp và đẹp mắt. Miyake kết hợp nhiều chất liệu khác nhau từ loại vải dùng cho trang phục bảo hộ lao động đến những loại vải xa xỉ nhất. Ông cũng là một trong những nhà thiết kế đầu tiên ứng dụng kỹ thuật công nghệ vào các sản phẩm của mình. Vào thập niên 1980, ông tập trung vào dòng sản phẩm xếp li để tạo sự thoải mái và thực hiện cuộc cách mạng về kỹ thuật sản xuất.

Miyake chính thức nghỉ hưu vào năm 2000 nhưng ông vẫn tiếp tục dự án A-POC (a piece of cloth) của mình nhằm tạo ra những bộ trang phục từ những mảnh vải riêng lẻ.

Junya Watanabe



Nhà thiết kế vĩ đại này của chúng ta không ai khác chính là học trò của Rei Kawakubo. Sau gần 10 năm được sự dìu dắt của Rei Kawakubo, Junya Watanabe đã thành lập thương hiệu mang tên của chính mình dưới sự bảo trợ của Comme des Garçons. Hơn bất cứ thương hiệu nào khác, trang phục của Junya Watanabe khám phá cách thức mà công nghệ và thời trang bổ sung cho nhau.

Watanabe không bao giờ theo đuổi mục tiêu trở thành thương hiệu tiên phong trong việc thử nghiệm một điều gì đó hoàn toàn nằm ngoài giới hạn. Ông tuyên bố rằng trang phục do ông tạo ra chỉ đơn thuần là để mặc, không có ý nghĩa hay triết lý gì sâu xa ẩn sau chúng cả.

Mỹ Hằng
Theo complex.com

SIU Review - số 137

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán