Chuyện con người theo đuổi ánh sáng và hơi ấm có lẽ không còn quá xa lạ. Nhưng trong truyền thuyết Trung Hoa, có một gã khổng lồ không những dám đuổi theo cả mặt trời, mà còn tạo nên chỗ trú cho cả những người muốn nối nghiệp.
Chuyện kể vùng núi cao phương bắc là nơi cư ngụ của những người khổng lồ hùng mạnh. Đó là tộc người Kuafu, với thủ lĩnh cũng có tên Kuafu - tương truyền là cháu trai của vị thần cõi âm. Tộc người khổng lồ tuy mạnh nhưng không hiếp yếu và đời sống của họ cũng giản đơn.
Không những cao to vạm vỡ, thủ lĩnh Kuafu còn có một đôi chân rắn chắc giúp ông chạy nhanh hơn thỏ. Ông thường dẫn dắt người của mình chống lại bọn mãnh thú quấy phá. Tai ông đeo hai con rắn vàng và ông cũng thường vung rắn trong tay để tỏ hào khí.
Ảnh: www.shine.cn
Một ngày nọ, khi mặt trời lặn dần về phía tây và bóng tối bủa vây cảnh vật, Kuafu liền nảy ra ý tưởng: “Nếu ta bắt được mặt trời thì chẳng phải loài người sẽ luôn có ánh sáng và được sưởi ấm hay sao?”
Nhiều người cố gạt đi ý tưởng điên rồ đó. “Đừng mơ tưởng chuyện đó”, một người nói. “Mặt trời cách ta quá xa, anh sẽ chết vì mệt đấy!” “Mặt trời rất nóng, anh sẽ bị thiêu sống cho xem!”
Nhưng Kuafu vẫn kiên quyết sẽ bắt được mặt trời.
Sáng hôm sau, khi mặt trời vừa ló dạng, Kuafu tạm biệt dân làng và bắt đầu đuổi theo mặt trời, tay cầm một cây gậy to. Mặt trời như một đứa trẻ ngỗ nghịch, cứ vút cao lên bầu trời xanh. Kuafu chạy nhanh như gió, một mực hướng đến mặt trời. Ông chạy qua núi, vượt qua sông, mỗi bước chân ông khiến mặt đất lay động không ngừng. Mặt trời ngày càng lên cao, nhưng Kuafu không quản ngại đuổi theo, mồ hôi đầm đìa cả mặt.
Đói rã và khát khô, ông đành chạy đến một cái cây lớn ăn sạch quả nhằm dằn bụng và giải khát. Khi đã mệt, Kuafu tựa vào cây gậy mà nghỉ chân một chút rồi tiếp tục cuộc săn đuổi. Lúc này mặt trời đã bắt đầu lặn ở phía tây.
Kuafu tức giận la lớn: “Nhà ngươi cứ chạy đi xem ta có bắt được hay không.” Mặt trời vẫn dửng dưng lặn xuống chân trời tây. Kuafu vung gậy chạy băng băng hàng ngàn dặm hướng thẳng đến chân trời, chạy đến Núi Yanzi. Khi Kuafu giương cánh tay hòng chộp lấy quả cầu lửa, một luồng hơi nóng tạt vào người, đẩy ông ra xa. May thay, nhờ cây gậy mà ông vẫn trụ vững.
Ảnh: www.shine.cn
Kuafu vẫn ngẩng cao đầu đuổi theo mặt trời. Càng đến gần bao nhiêu, sức nóng toả ra càng lớn bấy nhiêu. Càng chạy nhiều, Kuafu càng thấy khát. Bỗng trước mắt ông là con sông Hoàng Hà. Ông mừng rỡ gục đầu xuống và uống nước sông.
Đã uống cạn nước sông Hoàng Hà mà vẫn chưa hết khát, ông lại chạy đến sông Vị Hà uống tiếp. Sông Vị Hà đã cạn mà cổ ông vẫn chưa thoả cơn khát, Kuafu liền chạy đến hồ lớn phía bắc.
Hồ nước nằm ở sườn phía bắc Núi Nhạn Môn. Nước hồ trong vắt, chim muông vây quanh mặt hồ. Kuafu muốn chạy đến đó thật nhanh, trước khi mặt trời lặn. Được vậy thì sau khi đã thoả cơn khát, ông có thể tiếp tục đuổi theo mặt trời.
Song, bước chân ông ngày càng trĩu nặng. Cơn khát như kéo ghì ông xuống. Ông khuỵu ngã, thân người to như núi của ông tạo nên một tiếng nổ lớn.
Với chút sức lực cuối cùng, Kuafu vung chiếc gậy đi. Cây gậy tạo thành một vòng cung, bay ra xa. Ngay lúc đó, mặt trời khuất sau Thung lũng Yu, Núi Yanzi. Những tia nắng vàng cuối ngày hắt lên khuôn mặt Kuafu.
Sáng hôm sau, mặt trời vẫn mọc. Còn Kuafu, thân thể ông đã biến thành một quả núi lớn. Trên sườn bắc ngọn núi mọc lên một cây đào, do chiếc gậy của Kuafu hoá thành.
Ảnh: www.shine.cn
Kuafu tin tưởng rằng rồi sẽ có người khác cố gắng đuổi theo mặt trời, và cây đào này sẽ dập tan cơn khát của những người như vậy. Cây đào mọc tán lá sum sê, tạo thành bóng râm và chỗ trú cho người đi ngang. Quả từ cây cũng giúp họ đỡ cơn khát và cảm giác mệt mỏi.
Hiện nay, Núi Kuafu, tương truyền là thân xác của gã khổng lồ Kuafu khi xưa, toạ lạc tại thành phố Linh Bảo, tỉnh Hà Nam. Núi này liên kết với Núi Hoá Sơn, tỉnh Thiểm Tây. Trước đây, thành phố Linh Bảo mang tên Đào Lâm (rừng đào), nhằm tưởng nhớ công lao của Kuafu.
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)