Trang chủ»Văn học - Nghệ thuật

Văn học - Nghệ thuật

Chính trị bữa ăn qua vở kịch “Biryani Durbar”

Vở “Biryani Durbar” được khai màn gần đây tại Bengaluru, Ấn Độ, cho ta thấy vai trò xã hội có thể thay đổi thế nào nếu có đủ điều kiện.



A. Rivathi diễn vở “Biryani Durbar” do Srijith Sundaram biên kịch - Ảnh: thetheatretimes.com

“Gõ cửa một ngôi nhà xin ăn. Những gì bạn nhận được phụ thuộc nhiều vào việc bạn là ai và người mở cửa là ai. Nhưng nếu gõ cửa nhà một người chuyển giới, bạn sẽ không bao giờ ra đi với cái bụng rỗng bởi họ là những người đã nếm đủ mọi nhục mạ và đón lấy nhiều lời từ chối suốt cả cuộc đời.” Đó là nhận xét của Srijith Sundaram, một nhà hoạt động vì cộng đồng LGBT ở Chennai, bang Tamil Nadu, Ấn Độ.

Vở kịch “Biryani Durbar” của anh, vừa được khai màn tại Bengaluru, tả thực cuộc sống nhọc nhằn của người chuyển giới và theo chân nhân vật chính do A. Revathi, một nhà hoạt động, sắm vai. Srijith, vốn làm việc với cộng đồng 15 năm vừa qua, tin rằng “nghệ thuật là vũ khí” chống lại định kiến, thù ghét, và cả sự lãnh đạm, thiếu hiểu biết.

Anh đã thai nghén ý tưởng cho vở kịch được nhiều năm: “Sau đợt dịch thứ hai, tôi có phụ giúp Bếp Cộng đồng Người Chuyển giới tại Chennai và nhận thấy tình thế đã thay đổi - cộng đồng chuyển giới từ những người phải vật vạ ăn xin đã trở thành những người hỗ trợ, chu cấp cho những người xung quanh.”

Người sáng lập khu bếp là Sankari G, Sowndharya Gopi, và chính Srijith Sundaram. Bên cạnh họ là hơn 20 người hỗ trợ, gồm các doanh nhân, nhà hoạt động, vũ công, nông dân, ca sĩ, người mẫu. Bếp có hai chi nhánh lớn tại Porur và Khu Tsunami ở Ernavur, cùng một số chi nhánh nhỏ hơn ở New Washermanpet và Tondiarpet.

Mục tiêu của họ là cung cấp phần ăn cho những người khó khăn hay những người ở khu phong toả. Khi lệnh phong toả được nới lỏng, nhóm mới tận dụng nguồn quỹ của mình để hỗ trợ y tế và giúp những người bán hàng và chủ buôn nhỏ lẻ vực dậy. Không chỉ phân phát thức ăn cho những công nhân di cư, nhân viên bệnh viện, tài xế cứu thương, và nhiều người khác, thành viên Bếp Cộng đồng còn đến viếng lễ tang các nạn nhân qua đời vì Covid-19 mà không có người thân bên cạnh.

Trong kịch bản, Srijith đan cài những sự việc và trải nghiệm thực tế của cộng đồng chuyển giới. Đáng kể nhất là vụ Sangeetha, quản lý bếp cộng đồng chuyển giới ở Coimbatore, bị giết. Bên cạnh đó là thực tế trớ trêu khi những người con chuyển giới giờ tận tâm chăm sóc cha mẹ già ngày trước đã ruồng bỏ họ.

Srijith bày tỏ: “Tôi phải đi phỏng vấn hàng chục cuộc và tiếp xúc với rất nhiều người, cốt sao bện nối được vào kịch bản. Các câu chuyện về cộng đồng ít khi xuất hiện trên tin tức và vì vậy tôi muốn nhiều người biết đến chúng hơn.”

Nhớ lại thời gian tìm đạo cụ sân khấu, anh cho biết: “Mọi đạo cụ - từ chiếu, khung ảnh, cho đến quần áo hay dụng cụ làm bếp - đều đến từ các khu nhà ở cho người chuyển giới. Tôi dành nhiều thời gian chọn lựa những đạo cụ ấy bởi chúng là minh chứng hùng hồn nhất cho nghịch cảnh của cộng đồng chuyển giới, phản ảnh chân thực nhất cuộc sống thường ngày của họ.”

Srijith cho hay anh nhận được nhiều sự giúp đỡ từ A. Mangai cùng TM Krishna - một ca sĩ dòng nhạc Carnatic có những bài hát được sử dụng trong vở kịch. Anh nói: “Mới đầu tôi không biết liệu Revathi có đồng ý diễn vở của tôi không. Dù sao cô ấy cũng từng diễn lại mảnh đời của mình trước đây rồi.”

Song, Revathi Amma, nhà hoạt động sinh ra tại Namakkal, Tamil Nadu, cho biết mọi chuyện không thành vấn đề: “Khi lần đầu thấy quyển tự truyện của mình được dựng kịch năm 2014, rồi sau đó chính mình được đóng vở ấy năm 2015, tôi nhận ra tác phẩm có vai trò nâng cao nhận thức như thế nào. Vậy là khi được Srijith hỏi, tôi vui mừng nhận vai. Đây quả là trải nghiệm khó quên. Vậy là tôi được dịp sắm vai trong một câu chuyện không phải của mình và tự tin bản thân có thể đóng thêm nhiều vai nữa về sau.”

Cô cười nói: “Tôi chỉ lo là không biết món biryani được nấu ngay trên sân khấu ăn sẽ ra sao.” Còn Srijith thì chỉ hy vọng “Biryani Durbar” sẽ được công diễn tại buổi diễu hành Tự hào (Pride) ở Chennai và sau đó quay lại Bengaluru trong vòng hai tháng tới.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 137

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán