Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) cảnh báo thị trường bất động sản tại Trung Quốc ngày càng tệ đồng thời hạ mức kỳ vọng phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Một góc Đường Đông Nam Kinh tại Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: Qilai Shen/Getty Images
Trong báo cáo công bố hôm 22/10, IMF hạ kỳ vọng phát triển của Trung Quốc trong năm 2024 xuống còn 4,8%, thấp hơn con số 5% công bố hồi tháng 7. Kỳ vọng tăng trưởng của nước này năm 2025 được IMF dự đoán sẽ ở mức 4,5%.
IMF cũng nhấn mạnh thị trường bất động sản co lại nhanh hơn dự kiến cũng là một trong những rủi ro giảm giá đề cập trong triển vọng kinh tế toàn cầu. Theo báo cáo: “Tình hình thị trường bất động sản có thể còn xấu đi vì giữa lúc doanh số và đầu tư thu hẹp mà lại xảy ra điều chỉnh giá.”
Các đợt khủng hoảng bất động sản trước đây như tại Nhật vào những năm 1990 và tại Mỹ vào 2008 là lời cảnh tỉnh: nếu không sớm giải quyết khủng hoảng, Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng điều chỉnh giá tồi tệ hơn nữa, rồi niềm tin của người tiêu dùng cũng trượt dài, kéo theo nhu cầu nội địa giảm sút. Đó là ý kiến từ Ban Triển vọng Kinh tế Thế giới thuộc IMF.
Trung Quốc vừa qua đã thông báo sẽ triển khai nhiều biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế. Vào tháng 9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công khai nhiều chế tài hỗ trợ như hạ mức tiền mặt tối thiểu mà các ngân hàng phải giữ theo quy định.
Chỉ vài ngày sau đó, các quan chức cấp cao Trung Quốc phát biểu sẽ chặn đứng đà trượt dài của khu vực bất động sản, cho rằng cần thúc đẩy nó phục hồi. Những đô thị lớn như Quảng Châu và Thượng Hải cũng công khai các biện pháp khuyến khích người dân mua bất động sản.
Lam Phật An, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc, đầu tháng 10 úp mở rằng đất nước tỷ dân vẫn có thể cho phép nợ và thâm hụt ngân sách tăng thêm. Theo ông, nhiều gói kích cầu sắp được tung ra và các thay đổi chính sách xoay quanh vấn đề nợ và thâm hụt ngân sách có thể sớm được công bố. Trong khi đó, Bộ Nhà ở Trung Quốc lại cho biết sắp sửa mở rộng “danh sách trắng” các dự án bất động sản triển vọng và gấp rút tạo điều kiện cho các dự án chưa hoàn thiện vay ngân hàng.
Theo Pierre-Oliver Gourinchas, nhà kinh tế đứng đầu IMF, cơ quan này đã đưa một số biện pháp được chính quyền Trung Quốc triển khai vào báo cáo kỳ vọng: “Họ đang đi đúng hướng, song nỗ lực đó vẫn chỉ tương đương kỳ vọng phát triển 4,8% năm nay và 4,5% năm sau mà thôi.” Theo ông, IMF vẫn tiếp tục đánh giá các biện pháp Trung Quốc mới áp dụng gần đây và sẽ sớm tích hợp chúng vào dự đoán.
Gourinchas nhận định: “Những biện pháp hỗ trợ mới có thể gây ra rủi ro tăng giá, nhưng tình hình hoạt động kinh tế quý 3 năm nay ảm đạm nên đành vậy. Thế là xảy ra sự giằng co giữa thực tế là nền kinh tế Trung Quốc đang trượt dốc và bên còn lại là nhu cầu cần chính phủ hỗ trợ. Liệu đợt hỗ trợ lần này có đủ để xoay chuyển tình thế? Điều đó chúng tôi chưa thể biết được.” Trong tuần thứ tư của tháng 10, Trung Quốc công bố tổng sản phẩm quốc nội quý 3 tăng 4,6%, cao hơn con số 4,5% được trang tin Reuters dự đoán.
Trong báo cáo của mình, IMF cũng chỉ rõ các nguy cơ đi kèm với những biện pháp kinh tế của Trung Quốc: “Các gói kích cầu nhằm giải quyết nhu cầu quốc nội ảm đạm sẽ gây nhiều sức ép lên tài chính công. Các khoản trợ giá ở một vài khu vực nếu được điều hướng cho đẩy mạnh xuất khẩu có thể trầm trọng hoá xung đột thương mại giữa Trung Quốc và các đối tác của họ.”
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)