Trong lĩnh vực đầu tư, bên cạnh lợi nhuận, rủi ro là yếu tố luôn song hành mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng cần nhận diện và cân nhắc trước khi ra quyết định. Có thể nói rằng, khả năng sinh lời của một khoản đầu tư càng lớn thì mức độ rủi ro của nó càng cao. Tương ứng với những hình thức đầu tư khác nhau sẽ có các loại rủi ro khác nhau. Chúng ta có thể quản lý để hạn chế tối đa những thiệt hại do rủi ro mang lại thông qua việc đa dạng hóa danh mục đầu tư, song luôn luôn tồn tại những rủi ro tiềm ẩn cho dù đầu tư dưới bất kỳ hình thức nào. Đa dạng hóa không đảm bảo được mức lợi nhuận mong muốn cũng như bảo vệ được các khoản đầu tư trước tổn thất chung của cả thị trường. Việc nhận diện và phân biệt rõ ràng các loại rủi ro sẽ giúp các nhà đầu tư có cách đánh giá và đưa ra quyết định an toàn nhất có thể.
RỦI RO KINH DOANH
Là rủi ro mà một công ty có kết quả kinh doanh thực tế trái với dự kiến. Rủi ro trong kinh doanh có thể làm cho công ty không đáp ứng được mức lợi nhuận như các nhà đầu tư yêu cầu. Có nhiều loại rủi ro trong kinh doanh do nhiều yếu tố gây ra như doanh thu, chi phí, mức độ cạnh tranh, luật do chính phủ quy định. Chúng ta có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư, sản phẩm để giảm thiệt hại do rủi ro trong kinh doanh mang lại. Trước năm 2008, các công ty sản xuất nón vải thời trang có thị trường tiêu thụ rất ổn định ở Việt Nam vì đây là sản phẩm mà hầu như người dân nào cũng sử dụng khi ra ngoài. Tuy nhiên, từ sau năm 2008, khi có quy định bắt buộc người đi xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm thì thị phần của các công ty này giảm sút và kết quả kinh doanh xuống dốc nghiêm trọng là một minh chứng cho yếu tố rủi ro trong kinh doanh. Vì vậy, các công ty này buộc phải nghiên cứu và đầu tư vào sản phẩm mới là nón bảo hiểm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng để tiếp tục tồn tại.
RỦI RO CHÍNH TRỊ
Tình hình chính trị một quốc gia sẽ ảnh hưởng đến thị trường và các nhân tố như hệ thống luật, quy định, thuế, tính ổn định và sự thay đổi lãnh đạo chính phủ…đều góp phần vào rủi ro chính trị. Một ví dụ cho trường hợp rủi ro chính trị là việc quốc gia A cấm vận quốc gia B và áp dụng thuế quan cao lên hàng hóa nhập khẩu từ B. Việc chịu rào cản thuế quan cao sẽ làm những loại hàng hóa nhập khẩu này được bán với giá đắt, do đó làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa quốc gia B, ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu tại quốc gia B. Tương tự như rủi ro kinh doanh, chúng ta có thể giảm rủi ro về chính trị thông qua việc đa dạng hóa thị trường theo mô hình công ty đa quốc gia.
RỦI RO LẠM PHÁT
Lạm phát tạo ra rủi ro cho nhà đầu tư vì làm giảm sức mua và làm giảm suất sinh lời. Chúng ta có thể thấy được tác động của lạm phát thông qua ví dụ sau: với kế hoạch đi du lịch nước ngoài vào cuối năm 2017, bạn cần để dành 100 triệu đồng cho chuyến đi, vì vậy bạn quyết định sẽ gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 năm vào thời điểm cuối năm 2016 số tiền là 100 triệu đồng, lãi suất 5%/năm, dự kiến sẽ có được 105 triệu khi đáo hạn. Tuy nhiên trong năm 2017 tỷ lệ lạm phát tăng 3%, do đó giá cho chuyến đi du lịch tăng lên thành 103 triệu và mức lãi suất thực bạn nhận được từ việc gửi tiết kiệm chỉ còn 2%.
Nhà đầu tư có thể tìm các kênh trú ẩn an toàn như kim loại quý, đồng tiền mạnh...để phòng vệ trước rủi ro lạm phát. Cần lưu ý rằng đầu tư vào trái phiếu thường nhạy cảm với lạm phát nhiều hơn so với việc đầu tư vào cổ phiếu.
RỦI RO VỀ THỊ TRƯỜNG
Thuật ngữ rủi ro thị trường ám chỉ đến những tổn thất mà các nhà đầu tư có thể phải đối mặt từ những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của toàn bộ thị trường tài chính. Đây cũng chính là rủi ro hệ thống, là yếu tố luôn gắn liền với các hoạt động đầu tư trên thị trường tài chính.
Chúng ta không thể loại trừ rủi ro hệ thống bằng việc đa dạng hóa danh mục đầu tư bởi vì tác động của nó ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường tài chính. Một số rủi ro nằm trong nhóm này như tình trạng suy thoái hay trì trệ kinh tế, thiên tai, khủng bố tấn công hay tình hình chính trị bất ổn. Đơn cử, chúng ta có thể nhìn lại cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và sự kiện Brexit ở Anh năm 2016, cả hai đều ảnh hưởng đến quy mô thị trường tài chính thế giới. Để hạn chế tổn thất ở mức thấp nhất trong trường hợp này, nhà đầu tư có thể tìm cách nhanh chóng chuyển kênh đầu tư sang kim loại quý, đặc biệt là vàng.
RỦI RO VỀ LÃI SUẤT
Những nhà đầu tư thường nghe nhắc đến quy tắc chung là lãi suất có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với giá trái phiếu. Khi lãi suất tăng lên, giá trái phiếu sẽ giảm xuống và ngược lại. Đây là ví dụ điển hình cho rủi ro lãi suất. Rủi ro lãi suất là những rủi ro phát sinh khi có sự thay đổi của lãi suất. Loại rủi ro này có thể ảnh hưởng đến các khoản đầu tư như cổ phiếu, nhưng ảnh hưởng lớn nhất phải kể đến là các hình thức đầu tư chứng khoán có thu nhập cố định như trái phiếu. Ví dụ, bạn có trái phiếu mệnh giá $1,000 với lãi suất trái phiếu 10%/năm, trả lãi mỗi năm 1 lần. Nếu lãi suất tăng lên 11%/năm, các trái phiếu mới phát hành sẽ có lãi suất cao hơn. Điều này làm giảm tính hấp dẫn của trái phiếu bạn đang nắm giữ đối với các nhà đầu tư vì họ nhận được lãi suất cao hơn từ các trái phiếu mới phát hành, vì vậy, để bán được trái phiếu, bạn phải chiết khấu hay nói cách khác là bạn phải giảm giá trái phiếu sao cho khoản lợi nhuận thu được từ trái phiếu này bằng với thu nhập của những trái phiếu mới phát hành. Ngược lại, nếu lãi suất giảm xuống còn 9%/năm, có nghĩa là trái phiếu bạn đang có trả lãi cao hơn các trái phiếu mới phát hành, do đó bạn có thể chào bán trái phiếu với giá cao hơn mệnh giá.
Các nhà đầu tư có thể sử dụng các công cụ tài chính như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng hoán đổi hay các quyền chọn mua/bán để quản lý rủi ro lãi suất. Hợp đồng kỳ hạn cho phép nhà đầu tư có thể mua hoặc bán một tài sản với giá được xác định trước ở hiện tại vào một thời điểm trong tương lai. Những công cụ tài chính nêu trên rất hữu dụng trong việc bảo hiểm rủi ro gây ra do lãi suất thay đổi và dĩ nhiên, các nhà đầu tư phải trả phí cũng như phải chịu các rủi ro phát sinh khi tham gia ký kết các sản phẩm tài chính này.
RỦI RO TÁI ĐẦU TƯ
Trong trường hợp lãi suất giảm xuống thấp hơn lãi suất trái phiếu, những tổ chức phát hành trái phiếu (loại trái phiếu cho phép người phát hành mua lại) có thể thực hiện việc mua lại trái phiếu trước thời gian đáo hạn. Những tổ chức phát hành này có thể phát hành trái phiếu mới với lãi suất thấp hơn để giảm chi phí sử dụng vốn vay của họ.
Thông thường những trái phiếu cho phép tổ chức phát hành mua lại (callable bonds) sẽ có lãi suất cao hơn những trái phiếu không cho phép tổ chức phát hành mua lại (non-callable bonds). Trong trường hợp trái phiếu được mua lại, các nhà đầu tư có thể mất đi nguồn thu nhập tiềm năng vì việc tái đầu tư có thể chỉ mang lại mức lãi suất thấp hơn so với lãi suất trái phiếu ban đầu, do đó, tình huống này được gọi là rủi ro tái đầu tư, thường đi kèm với loại trái phiếu có thể mua lại.
RỦI RO TÍN DỤNG
Gắn liền với việc cho vay của các tổ chức tài chính là rủi ro mà người đi vay, vì bất cứ lý do gì, không hoàn trả nợ. Đây là rủi ro tín dụng, người cho vay có thể không thu hồi được tiền lãi hay vốn gốc của khoản nợ.
Các nhà đầu tư trái phiếu cũng phải đối mặt với loại rủi ro này vì có khả năng tổ chức phát hành trái phiếu không hoàn trả lãi hay vốn gốc. Để tránh rủi ro này, các nhà đầu tư nên chọn mua các trái phiếu do các công ty hay chính phủ được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm có uy tín xếp hạng cao.
RỦI RO THANH KHOẢN
Khi đầu tư vào bất động sản hay các tài sản khác có tính dài hạn, các nhà đầu tư có thể gặp khó khăn trong việc bán lại để chuyển tài sản thành tiền mặt gọi là rủi ro thanh khoản. Đây là rủi ro liên quan đến các tài sản mà khi cần chúng ta không thể mua hoặc bán một cách nhanh chóng với giá thị trường. Trong trường hợp nhà đầu tư cần bán tài sản ngay để có tiền mặt, khả năng cao là họ buộc phải bán tài sản đó thấp hơn giá thị trường và dĩ nhiên là sẽ gánh một khoản tổn thất do bán giá thấp.
Trên thực tế, các chủ sở hữu nhà, nếu muốn bán nhà trong trường hợp thị trường nhà bắt đầu có dấu hiệu đi xuống, họ phải đối mặt với khả năng là phải bán tài sản đó với giá thấp hơn giá trị trường. Để tránh tổn thất do rủi ro thanh khoản mang lại, các nhà đầu tư cần dự trữ đủ tiền mặt hoặc các tài sản có tính thanh khoản cao đảm bảo cho các nhu cầu về vốn trong ngắn hạn.
RỦI RO TIỀN TỆ
Rủi ro tiền tệ, hay còn được biết đến với tên gọi là rủi ro hối đoái, là loại rủi ro phát sinh khi khoản đầu tư có liên quan đến các đồng tiền khác nhau và có sự thay đổi về giá của một loại tiền tệ so với đồng tiền còn lại. Rủi ro này thường ảnh hưởng đến những khoản mục đầu tư có liên quan đến ngoại tệ.
Ví dụ một nhà đầu tư ở Mỹ mua cổ phiếu ở Việt Nam không chỉ đối mặt với các rủi ro liên quan đến cổ phiếu đó mà còn đối mặt với rủi ro hối đoái khi chuyển đổi thu nhập từ Việt Nam đồng sang đô la Mỹ. Nếu nhà tư này dự đoán sẽ kiếm lời 10% từ việc đầu tư cổ phiếu ở Việt Nam nhưng thực tế Việt Nam đồng giảm giá 5% so với đô la Mỹ, vì vậy mức sinh lời thực tế nhà đầu tư nhận được chỉ còn 5%. Nhà đầu tư này có thể phòng tránh rủi ro tiền tệ bằng cách đầu tư vào những quốc gia mà tại đó đồng tiền mạnh hơn so với đô la Mỹ. Ngoài ra, sử dụng các công cụ tài chính phái sinh như hợp đồng hoán đổi sẽ giúp phòng tránh rủi ro tiền tệ.
Th.S Huỳnh Thị Gia Lộc
(Tổng hợp)