Tuy xuất phát điểm là một ngày lễ thánh hơn 2.000 năm trước, các thông lệ Giáng sinh lại mới chỉ xuất hiện gần đây.
Những quả cầu tuyết được bày bán tại Chợ Giáng sinh ở Aachen, Đức hôm 25/12/2021 - Ảnh: Thierry Monasse/Getty Images
Câu chúc “Merry Christmas” xuất hiện lần đầu vào thế kỷ 16. Còn bài hát “Do You Hear What I Hear?” chỉ mới tồn tại khoảng 60 năm. Nhiều thông lệ ra đời hoàn toàn ngẫu nhiên, như “Theo dấu Ông già Noel bằng NORAD” bắt đầu từ lỗi đánh máy chẳng hạn. Trong khi đó, nhiều hoạt động lại bắt nguồn từ thời chiến, với mục đích giúp mọi người chung tay vượt qua thời gian khó nhằn.
Tổng thống Joe Biden và Đệ nhất Phu nhân Jill Biden tham gia chương trình liên lạc với NORAD nhằm dõi theo đường đi của Ông già Noel hôm 24/12/2021 - Ảnh: Alex Wong/Getty Images
“Merry Christmas”
Theo tác giả Brian Earl, thư tịch cổ nhất có ghi lại cụm từ “Merry Christmas” là lá thư của một giám mục gửi cho vị thủ hiến Anh Quốc vào thế kỷ 16. Trong bức thư, Giám mục bày tỏ hy vọng Chúa sẽ ban một “Giáng sinh an lành” cho vị thủ hiến kia.
Tuy nhiên, người có công phổ biến lời chúc trên lại là Charles Dickens, với tác phẩm bán chạy “A Christmas Carol” (tức “Hồn ma đêm Giáng sinh”) xuất bản năm 1843. Trong truyện, cháu trai của nhân vật chính, ông Scrooge, có nói: “Chúc bác Giáng sinh an lành! Cầu Chúa phù hộ bác!” Cũng vào lúc này, nhiều thiệp chúc Giáng sinh bắt đầu in cụm “Merry Christmas” và được bày bán nhiều nơi.
Chương trình “Yule Log”
Những gia đình Mỹ nào không có lò sưởi hoàn toàn có thể mở ti vi để nghe liên khúc Giáng sinh phát trên cảnh quay đống củi cháy trong khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Đó là “Yule Log” - chương tình lần đầu tiên lên sóng năm 1966 và được ghi hình tại Điền trang Gracie, khi đó là nhà riêng của Thị trưởng Thành phố New York John Lindsay. Đài WPIX vì thiếu chương trình xếp lịch vào đêm Giáng sinh đã đến thẳng nhà thị trưởng và quay trực tiếp bằng phim màu cảnh lò sưởi cháy từ 9:30 tối.
Đáng buồn là cả đội truyền hình không được mời đến điền trang nữa do họ gỡ tấm chắn lò sưởi, khiến một tia lửa bắn ra làm hỏng chiếc thảm cổ. Nhưng truyền thống này đã được các kênh truyền hình khác “bắt sóng” trong những năm sau đó.
“Do You Hear What I Hear?”
Theo tác giả Michael P. Foley, sáu thập kỷ trước, vào khoảng tháng 10/1962, đôi vợ chồng sáng tác nhạc Nöel Regney và Gloria Shayne cùng viết bài “Do You Hear What I Hear?” cổ vũ hòa bình khi căng thẳng hạt nhân Mỹ - Cuba leo thang. Chính xác là lời bài hát còn có đoạn: “Pray for peace, people everywhere!” (tức “Mọi người ơi, hãy nguyện cầu hòa bình!”). Trùng hợp thay, Shayne từng là hàng xóm của John F. Kennedy, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, ở Brookline, Massachusetts.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2019, Gabrielle Regney, con gái của cặp đôi và lúc này là công tố viên tại New Hampshire, có phát biểu: “Trước thềm cuộc chiến đáng sợ, bố tôi rảo bước quanh New York, xúc động vô cùng khi thấy bọn trẻ. Đó là nguồn cảm hứng cho ông viết lời bài hát.” Regney còn cho biết hình ảnh ngôi sao trong “A star, a star, dancing in the sky with a tail as big as a kite” (tạm dịch: “Vì sao nhảy múa trên nền trời đêm với đuôi dài như chiếc diều”) thực chất tượng trưng cho bom nguyên tử.
Bản thu đầu tiên của bài này do dàn hợp xướng trình Harry Simeone Chorale trình bày, phát hành năm 1962, bán được 250.000 bản. Một năm sau, bản trình diễn của Bing Crosby ra mắt và công phá nhiều bảng xếp hạng của Billboard.
Quả cầu tuyết
Theo tác giả Brian Earl, quà lưu niệm nổi tiếng dịp đông về - quả cầu bằng nhựa hay thủy tinh bên trong có hiệu ứng “tuyết rơi” - thực chất là đèn phẫu thuật “lỗi” phát minh trước thời có điện. Năm 1900, Erwin Perzy - thợ làm dụng cụ phẫu thuật ở Viên, Áo - thử đưa một quả cầu thủy tinh chứa đầy nước trước ánh nến để xem ánh sáng có được khuếch tán hay không. Perzy còn thêm vụn thủy tinh và bột lúa mì cứng vào trong nước, hy vọng chúng sẽ phản chiếu, tăng cường ánh nến.
Thí nghiệm này không thành công, nhưng một người bạn của Perzy gợi ý ông thêm mô hình thu nhỏ của Thánh đường Mariazell vào quả cầu để làm quà lưu niệm. Loạt quả cầu tuyết đầu tiên bán chạy vô cùng và cả cơ ngơi làm cầu tuyết nhà Perzy được thành lập. Hiện doanh nghiệp Perzy sản xuất khoảng 200.000 quả cầu mỗi năm, với 350 mẫu thiết kế khác nhau.
Quả cầu tuyết trở thành một phần không thể thiếu của Giáng sinh sau Thế chiến II. Một lính Mỹ từ Áo mang về nhà quả cầu tuyết có mô hình cây thông, ông Noel, và người tuyết. Các công ty tại Mỹ bắt đầu thiết kế kiểu cầu tuyết riêng cho mình. Song, cho đến nay, chất liệu làm “tuyết” trong quả cầu vẫn còn là bí mật gia truyền. Cháu cố của Erwin Perzy từng nói: “Máy làm tuyết trong quả cầu này là loại đặc biệt, không để ở nhà máy mà đặt ngay tại nhà riêng của chúng tôi.”
“Silent Night”
Một truyền thống Giáng sinh khác cũng khởi nguồn từ Áo là bài “Silent Night”. Bài hát được công diễn lần đầu năm 1818 và người soạn nhạc là Joseph Mohr - mục sư tại Nhà thờ Công giáo St. Nicholas ở Oberndorf.
Theo tác giả Michael P. Foley: “Mohr là mục sư người Áo rất hào hứng với buổi lễ đêm Giáng sinh nhưng đàn organ tại nhà thờ đã hỏng và không thể sửa chữa kịp lúc hành lễ. Vậy nên ông lấy bài thơ mình từng viết nhân dịp kết thúc chiến tranh Napoleon ra, nhờ một người bạn phổ nhạc, vậy là ta có “Silent Night”.”
Dàn hợp xướng giúp bài hát vang vọng cả nhà thờ. Bài hát bắt đầu nổi tiếng từ Giáng sinh năm 1914 ở ngay các chiến hào Thế chiến I, khi binh lính Đức cất giọng hát vang bài này và quân đội Anh hòa vào giai điệu. Vậy là nó trở thành một phần của “Hòa ước Giáng sinh”.
Theo dấu ông già Noel bằng NORAD
Năm 1955, một đứa trẻ vì mong muốn gặp mặt ông già Noel đã gọi theo số điện thoại trên quảng cáo của công ty Sears Roebuck. Nhưng vì số điện thoại bị in nhầm, đứa bé gọi tới Trung tâm Tác chiến Chỉ huy Phòng không Lục địa (CONAD) ở Colorado Springs, Colorado. Bởi Mỹ đang ở đỉnh điểm Chiến tranh Lạnh, điện thoại tại các căn cứ chỉ reng lên khi có tin xấu.
Nhấc máy và biết gọi nhầm, Đại tá Không lực Harry Shoup giả làm ông già Noel, và từ đó trở thành “Đại tá Noel” chuyên yêu cầu các sĩ quan cấp dưới trả lời “toạ độ” của ông già Noel cho bất cứ trẻ em nào gọi tới. Ngay cả khi cơ quan này đổi tên thành Cục Chỉ huy Phòng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) năm 1958, truyền thống này vẫn được tiếp nối.
Vậy là mỗi dịp Giáng sinh, hàng triệu người lại truy cập vào trang “Theo dõi ông già Noel” của Cục trong khi một “binh đoàn” tổng đài viên sẵn sàng túc trực trả lời 130.000 cuộc gọi từ nhiều trẻ em trên toàn thế giới.
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)