Vào thời kỳ đỉnh cao, thủ phủ thời trung cổ Angkor là nơi sinh sống của 750.000 người. Rồi một ngày, nó biến mất một cách bí ẩn.
Có 7 lối vào Angkor Wat, ngôi đền huyền thoại ở trung tâm thành phố cổ Angkor ở Campuchia, từng là thủ phủ thời trung cổ của Đế quốc Khmer. Lối vào chính của Di sản Thế giới này được gọi là Western Gopura. Lối vào này sẽ đưa bạn băng qua con hào khổng lồ bao quanh Angkor Wat, dài 6km và rộng 200m.
Ảnh: www.muchbetteradventures.com
Western Gopura hoành tráng như chính ngôi đền, thành cầu được xếp bằng những bức tượng phức tạp và dẫn đến một cổng vào ấn tượng.
Western Gopura là lối vào Angkor Wat - Ảnh: Getty
Khi bước vào Angkor Wat, bạn sẽ thấy những gì còn sót lại cho đến ngày nay là một di tích tôn giáo lớn nhất thế giới - gấp 3 lần diện tích của Thành phố Vatican. Năm tòa tháp lớn của di tích này sẽ thu hút ánh nhìn của bạn ngay lập tức. Chúng có hình dáng giống búp sen, biểu tượng cho sắc đẹp, sự màu mỡ, thịnh vượng, tâm linh và vĩnh cửu trong Ấn Độ giáo, vốn là tôn giáo cai trị của Đế quốc Khmer vào thời điểm xây dựng Angkor Wat ở nửa đầu thế kỷ 12.
Ngôi đền này có tính đối xứng hoàn hảo và có diện tích 2 km2. Nó được xây dựng như một ngôi đền Hindu bởi 300.000 công nhân theo lệnh của Vua Suryavarman II.
Ngôi đền này là hình nộm của vũ trụ học Ấn Độ giáo, mặc dù sau đó nó được chuyển đổi thành ngôi đền Phật giáo khi Vua Jayavarman VII lên nắm quyền vào cuối thế kỷ 12 và giới thiệu Phật giáo Đại thừa cho người Khmer.
Những đỉnh đền hình búp sen tuyệt đẹp của Angkor Wat, nhô lên khỏi rừng cây - Ảnh: Getty
Ngôi đền này được xây dựng chỉ trong vòng chưa đầy 40 năm, điều này khá đáng chú ý vì cùng thời điểm đó, người ta cho rằng người Norman ở Châu Âu thường dành hơn một thế kỷ để xây dựng những thánh đường phức tạp. Các bức phù điêu của Angkor Wat nổi bật với gần 2.000 vũ công thiên thần từ thần thoại Hindu được chạm khắc trên đó - với tổng cộng 2km hình khắc, mỗi hình đều độc nhất vô nhị.
Ngôi đền này được xây dựng bằng đá ong, lõi xây dựng kiểu gạch thông gió, sau đó xếp đá sa thạch nén chặt lên trên. Đó là kết quả của sự tiên phong trong toán học, nghệ thuật và kỹ thuật. Ngôi đền này là biểu tượng của thành phố vĩ đại Angkor - và đại diện cho sự giàu có và quyền lực của Đế quốc Khmer.
Vào thời kỳ đỉnh cao quyền lực, gần 750.000 người sống ở Angkor. Thành phố được xây dựng vào thế kỷ thứ 9 này còn lớn hơn cả Los Angeles ngày nay. Nó phát triển thịnh vượng vào thời điểm Châu Âu vẫn đang vực dậy từ Thời kỳ Tăm tối và Thành phố London chỉ là nơi sinh sống của 18.000 người. Angkor từng là thành phố lớn nhất được xây dựng trong lịch sử loài người trước cuộc cách mạng công nghiệp và Angkor Wat là trung tâm.
Thành phố Angkor phát triển mạnh mẽ trong sáu thế kỷ, sau đó khi Châu Âu bước vào thời kỳ Phục Hưng, Angkor biến mất một cách bí ẩn. Ngày nay, tất cả những ngôi đền bằng đá mà các vị vua xây dựng để thờ cúng các vị thần vẫn còn sót lại. Để hiểu tại sao thủ phủ này sụp đổ, điều quan trọng trước tiên là phải hiểu làm thế nào nó lại trở thành một thế lực lớn mạnh chưa từng có tiền lệ như vậy.
Các đền Angkor là tất cả những gì còn sót lại của thành phố này, và chúng đang bị cây cối cải tạo - Ảnh: Getty
Người ta tin rằng Đế quốc Khmer bắt đầu ở cụm đồi Kulen, một khu vực sôi động cách Angkor Wat 40 km, 300 năm trước khi bản thân ngôi đền được xây dựng. Ngôi đền đầu tiên của Đế quốc Khmer được xây dựng trên đỉnh núi Mahendraparvata, đây từng là thủ đô đầu tiên của Khmer.
Tuy nhiên, những khám phá như thế này chỉ có thể thực hiện được trong vài thập kỷ qua. Từ năm 1975 - 1979, Campuchia là một quốc gia độc tài chuyên chế, được cai trị bởi Đảng Cộng sản Campuchia hay Khmer Đỏ và nhà độc tài Pol Pot. Hơn nửa triệu người đã chết dưới sự cai trị của ông ta, và sau thập niên 70, cụm đồi Kulen trở thành một trong những nơi ẩn náu cuối cùng của Khmer Đỏ. Du khách sẽ bị bắt cóc hoặc bị giết nếu họ đến đó.
Bản thân Angkor được xây dựng khoảng 1.000 năm trước. Các nhà khảo cổ đã nghiên cứu Angkor trong hơn 150 năm, nhưng gần đây đã có một loạt bước đột phá nhờ công nghệ laser mới có tên LiDar.
LiDar cho phép các nhà khảo cổ quét hình khu vực này từ trên không, chọn ra những tàn tích và cấu trúc thành phố mà nếu không có LiDar, họ sẽ phải mất hàng thập kỷ để vẽ bản đồ từ mặt đất.
Một góc nhìn từ trên cao của Angkor Wat, cho thấy quy mô của con hào bao quanh - Ảnh: Getty
LiDar đã cho thấy một mạng lưới kênh rạch, đường sá và thậm chí còn nhiều ngôi đền ẩn giấu nằm rải rác xung quanh các khu rừng ở Angkor. Giờ đây người ta đã chứng minh được rằng có một thủ phủ tồn tại ở đây, với hàng ngàn ngôi nhà, tu viện và cung điện được xếp thành các dãy kiến trúc và tập trung xung quanh các ao hồ và xung quanh Angkor Wat.
Angkor là một nền văn minh có thứ bậc được xây dựng dựa trên lao động cưỡng bức. Có trường học, tu viện, chợ và hệ thống đánh thuế thông qua các ngôi đền. Những gia đình nghèo hơn xây nhà bằng những vật liệu rẻ tiền và kém bền hơn như rơm rạ, điều này giải thích tại sao không còn dấu tích của những ngôi nhà như vậy.
Giống như người Maya, lịch Khmer dựa trên các chu kỳ của thiên đàng và Angkor Wat được bao phủ bởi các mô tả về vũ trụ học của đạo Hindu. Hai lần một năm, du khách vẫn có thể chứng kiến sự kiện thiên thể khi phần đá của phòng nghi lễ thẳng hàng với mặt trời, chiếu ánh sáng vào trong căn phòng này. Các vị vua của Đế quốc Khmer đã sử dụng mối liên kết này để khẳng định quyền thiêng liêng của mình và để cho người dân thấy rằng, họ không chỉ là vua mà còn là bán thần.
Bên trong đền Angkor Wat, di tích tôn giáo lớn nhất từng được xây dựng - Ảnh: Getty
Tuy nhiên, điều cho phép Angkor phát triển từ một nơi cư ngụ rừng rú thành một thủ phủ rộng lớn không phải là những ngôi đền. Đó là kết quả của sự phát triển. Điều giúp Angkor trở nên thịnh vượng là kỹ thuật và đặc biệt là hệ thống quản lý nước tài tình của Đế quốc Khmer.
Lượng mưa ở Campuchia trong đợt gió mùa, từ tháng 5 đến tháng 11, là một mét rưỡi. Nhưng đó là gần 90% tổng lượng mưa hàng năm ở nước này. Sau đó, mùa khô đến với nhiệt độ nóng tới 40 độ C. Những cánh đồng lúa bên ngoài Angkor là nhịp sống của thành phố và chúng phụ thuộc vào nguồn cung cấp nước an toàn. Vì vậy, người dân Angkor quyết định đối đầu với môi trường, thay vì thích nghi với khô và ẩm, họ kiểm soát nước.
Người Khmer đã xây dựng hai hồ chứa nước khổng lồ có tên là Baray. Tây Baray là hồ chứa nước được đào bằng tay lớn nhất thế giới, có khả năng chứa 48 triệu mét khối nước. Nhìn bằng mắt thường, nó chỉ đơn giản là một hồ nước khổng lồ. Những hồ chứa này sẽ dẫn nước vào hệ thống kênh đào chạy quanh thành phố và có thể phân phối nước cho cả thành phố cũng như cánh đồng lúa trong mùa khô.
Điều này đảm bảo nguồn cung lương thực cho Angkor, đồng nghĩa với việc các vị vua có thể tập trung vào những việc khác như xây dựng đền thờ, mậu dịch và bành trướng lãnh thổ. Người Khmer là người làm đường ở Châu Á vào thời điểm đó, tạo ra tổng cộng 11.000 km đường. Vương quốc của họ phát triển bao trùm gần như toàn bộ Đông Nam Á.
Các khuôn mặt của Vua Jayavarman VII trên Bayon, tọa lạc ở Angkor Thom, cách Angkor 1km - Ảnh: Getty
Những hồ chứa đó ngày nay vẫn được sử dụng để tưới tiêu cho đồng ruộng trong mùa khô, và con sông chính chảy qua Angkor vẫn là một con kênh đào. Nhưng chính hệ thống nước giúp Angkor trở nên thịnh vượng lại là minh chứng cho sự sụp đổ của nó.
Việc Angkor biến mất từng khiến các nhà sử học chết lặng trong nhiều thập kỷ, nhưng nhờ LiDar, và các kỹ thuật tân tiến giúp đánh giá các kiểu thời tiết cổ xưa từ các vòng cây cổ thụ, họ đã có thể vẽ nên một bức tranh về những thứ bị chệch hướng. Suy đoán trước đây cho rằng sự sụp đổ của Angkor là do bị Vương quốc Ayutthaya của Thái Lan tấn công có vẻ đã sai.
Khảo cổ học cho thấy rằng vào giữa những năm 1200, người dân Angkor đã ngừng duy trì hệ thống quản lý nước. Sau đó xảy ra một đợt hạn hán khủng khiếp kéo dài khoảng ba thập kỷ vào thế kỷ 14, sau đó là thời kỳ ẩm ướt khắc nghiệt. Người ta tin rằng sự biến động khí hậu này đã làm sụp đổ hệ thống nước, làm tràn các con kênh đào, làm ngập lụt Angkor và khiến chính quyền Khmer phải từ bỏ thành phố này và thành lập Phnom Penh, thủ đô ngày nay của Campuchia.
Sau đó, Angkor rời khỏi tầm mắt tất cả mọi người trừ người dân sống tại đó trong suốt 400 năm. Thành phố này quay trở lại với rừng rậm. Khi các nhà thám hiểm người Pháp đi vào khu rừng vào năm 1860, họ đã tìm thấy những ngôi đền tuyệt đẹp của Đế quốc Khmer, ẩn mình giữa những tán cây. Ngày nay, thành phố Angkor giúp Campuchia thu về khoảng 2 tỷ USD mỗi năm ở lĩnh vực du lịch - chiếm gần 20% toàn bộ nền kinh tế Campuchia - và thậm chí còn có hình ảnh Angkor Wat ở giữa lá cờ Campuchia.
Cây cối đã làm nhiều ngôi đền đổ sập, nhưng Angkor Wat vẫn còn. Nó vẫn phải đối mặt với các mối đe dọa, cụ thể là từ nước trong đá, sự gia tăng của phân chim bồ câu và từ việc du khách chạm vào các tác phẩm chạm khắc, làm xói mòn chúng theo thời gian. Ngay cả bây giờ, phần lớn Angkor vẫn còn là một bí ẩn, và việc đến thăm Angkor - thị trấn rừng rậm cổ xưa đã trở thành thủ phủ thời trung cổ hùng mạnh của thế giới vẫn là điều đáng khiêm tốn.
Hồng Nhung
(Lược dịch)