Một lọ đá nhỏ vừa được khai quật tại Đông Nam Iran có chứa vết tích mỹ phẩm màu đỏ. Rất có thể vật liệu này được sử dụng làm son môi trước đây gần 4.000 năm, theo giới khảo cổ.
Chiếc lọ chứa mỹ phẩm 4.000 năm tuổi này được làm từ đá clorit sắc xanh lá và được chạm khắc tinh xảo - Ảnh: M. Vidale, F. Zorzi
Nhóm khảo cổ công bố kết quả phát hiện trên trong tạp chí Science Reports tháng 02/2024. Theo kết quả phân tích của nhóm, dấu vết đỏ “rất có thể” là “bằng chứng sớm nhất” về việc con người dùng son môi.
Hơn 80% các mẫu đem đi phân tích được chế tạo từ một số loại khoáng chất tạo màu đỏ sẫm, chủ yếu là hematit. Các khoáng chất như manganit hay braunit tạo các gam màu tối. Bên cạnh đó còn có sự hiện diện của vài chất dạng sáp nguồn gốc thực vật và các nguyên liệu hữu cơ khác.
Nhóm tác giả khảo cổ nhận định: “Đáng ngạc nhiên là độ sẫm của màu đỏ làm từ khoáng sản lẫn chất liệu dạng sáp đều rất giống nguyên liệu dùng trong những loại son hiện đại.”
Không loại trừ khả năng mỹ phẩm này dùng cho mục đích khác, như phấn má, chứ không phải là son môi, theo Massimo Vidale, nhà khảo cổ Khoa Di sản Văn hoá Đại học Padua ở Ý, cũng là tác giả chính của nghiên cứu. Song, ông cho rằng độ đồng màu, gam sẫm, nguyên liệu tạo màu, cũng như hình dáng lọ đá, cho thấy “vật dụng được tạo ra để được thoa lên môi”.
Theo ông, đây là một trong số những mẫu mỹ phẩm cổ đại đầu tiên mang sắc đỏ được nghiên cứu kỹ lưỡng, mặc dù câu hỏi vì sao lịch sử khảo cổ không ghi nhận nhiều vết tích chế tác mỹ phẩm thời cổ đại vẫn còn bỏ ngỏ. Vidale viết như sau trong email: “Giờ chúng tôi vẫn chưa có câu trả lời. Đây là lần đầu tiên chúng tôi tìm được thứ mỹ phẩm màu đỏ sẫm. Trước đến giờ, các loại phấn nền, phấn mắt cổ được tìm thấy và xác định đều sáng màu.”
Bên trong lọ đá là tàn tích nhiều khoảng vật khác nhau, trong đó có hematit - những vụn mảng đỏ trong hình trên - Ảnh: F. Zorzi
Việc sử dụng hematit, loại đá đỏ cam có thể nghiền thành bột mịn, đã được ghi nhận từ cuối thời đồ đá mới. Vết tích được phát hiện khắp các bảng pha mỹ phẩm bằng đá hay nhiều vật đựng của người Ai Cập xưa, theo Joann Fletcher - Giáo sư khảo cổ tại Đại học York không tham gia vào nghiên cứu này. Theo bà, liệu kết quả khai quật tại Iran có phải loại son môi sớm nhất lịch sử hay không “đều phải dựa trên thực tế mỹ phẩm này được sử dụng cho mục đích gì”.
Trong một email, Fletcher có viết: “Có khả năng đó là thỏi son. Mà cũng có khả năng đó là bột đánh má hay một loại mỹ phẩm với công dụng khác, mặc dù nhìn nó rất giống các dạng son môi ngày nay.”
Laurence Totelin, Giáo sư lịch sử cổ đại tại Khoa Lịch sử, Khảo cổ và Tôn giáo tại Đại học Cardiff, chuyên môn khoa học, kỹ thuật, và y học Hy-La cổ đại, nhận định “nhiều khả năng” cổ vật mới khai quật là một thỏi son: “Như nhóm tác giả đã chỉ ra, nguyên liệu làm mỹ phẩm rất giống nguyên liệu làm son hiện đại. Màu đỏ sẫm cũng rất phù hợp để làm son môi. Song, các thành phần như vậy cũng dễ tìm thấy trong thuốc, và lọ đá nhìn cũng rất giống các lọ thuốc thời xưa.” Cần lưu ý Totelin không tham dự bài nghiên cứu nói trên.
Cổ vật hiện diện sau đợt lũ
Trước đây, một số dấu vết phấn côn kẻ mắt hay các hợp chất sáng màu dùng để làm phấn nền hay phấn mắt… đã được tìm thấy tại Ai Cập và vùng Trung Đông và được giới khảo cổ nghiên cứu kỹ. Khác với nhiều loại mỹ phẩm cổ đại đã biết, loại hỗn hợp tìm được trong lọ đá chứa rất ít chì. Từ đó, nhóm nghiên cứu cho rằng người làm ra lọ đá hẳn phải biết sử dụng chì, một kim loại cực độc tồn tại trong tự nhiên, sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.
Vidale nói: “Các chuyên gia lúc nào cũng tranh cãi nhau về độc tính của các hợp chất chì tồn tại trong mỹ phẩm. Kết quả một số nghiên cứu về cổ vật khai quật trong cùng khu vực mà tôi từng tham gia trước đây cho thấy 5000 năm trước, chì trắng là thành phần cơ bản cho các loại phấn nền. Trong khi đó, thứ chất liệu trong cổ vật được cho là dùng làm son môi này lại gần như không có chì. Đây có thể là một lựa chọn hoàn toàn có chủ ý.”
Bài báo cho rằng các tinh thể thạch anh thu được trong mẩu vật, vốn là cát hay pha lê nghiền nhỏ, nhiều khả năng đóng vai trò “chất tạo độ lấp lánh”. Song, các tinh thể này cũng có thể là vụn sinh ra trong quá trình chế tác lọ đá làm từ khoáng thạch sắc xanh lá có tên clorit. Vidale không rõ kết cấu của mỹ phẩm này lúc sử dụng sẽ như thế nào - rắn hoàn toàn hay có hơi sệt, hay thậm chí là một chất lỏng.
Nhóm nghiên cứu viết trong bài báo: “Hình dáng thon với chiều ngang không quá lớn cho thấy vật này có thể nắm vừa vặn lòng bàn tay mà vẫn còn chỗ cho một chiếc gương bằng đồng, còn tay rảnh có thể cầm cọ hay các dụng cụ thoa bôi khác.” Bằng chứng nhóm đưa ra là hình ảnh trên giấy cói Ai Cập có niên đại thế kỷ 12 TCN mô tả một phụ nữ trẻ tô son theo cách vừa nêu.
Được biết lọ đá có dấu vết mỹ phẩm là một trong hàng ngàn cổ vật khai quật từ các ngôi mộ và lăng tẩm thời đồ đồng tại vùng Jiroft ở Iran. Những lăng mộ này nằm trong khu vực trước đây là Vương quốc Marhasi. Vào năm 2001, một trận lũ lớn làm lộ các lăng mộ và cuốn trôi vài cái đi xa. Những đồ vật quý báu bên trong bị người dân chiếm đoạt và bán đi. Lực lượng an ninh Iran sau đó đã thu lại nhiều vật dụng bằng đồng và đá, trong đó có lọ đá nói trên. Cổ vật này sau đó được trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ Quốc gia Jiroft, nơi nhóm nghiên cứu tiếp cận các mẫu thử.
Vẫn chưa rõ đâu mới là đối tượng sử dụng các loại son trong lọ đá như thế này và dùng chúng trong dịp nào. Vidale cho biết: “Với những ngôi mộ thời kỳ này, mỹ phẩm thường được tìm thấy gần phần mặt thi thể.” Tuy nhiên, vì vấn đề trộm cắp mà nhóm khảo cổ chưa thể liên hệ cổ vật trên với bất cứ ngôi mộ cụ thể nào.
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)