Một nhóm các nhà khoa học Ai Cập xác định mẫu hoá thạch tìm thấy hơn một thập kỷ trước tại Sa mạc Tây thuộc về một loài cá voi cổ bốn chân trước đây chưa từng biết đến. Theo ước tính, sinh vật này sống khoảng 43 triệu năm về trước.
Tại phòng thí nghiệm cổ sinh vật học Đại học Mansoura, thành phố Mansoura (cách Cairo 110 km về phía Bắc), nhà nghiên cứu Abdullah Gohar giới thiệu mẫu hoá thạch 43 triệu năm tuổi của loài cá voi bốn chân thời tiền sử được đặt tên “Phiomicetus Anubis”. Mẫu hoá thạch được khám phá hơn một thập kỷ trước tại Fayoum, Sa mạc Tây Ai Cập - Ảnh: apnews
Mẫu hoá thạch được một nhóm các nhà môi trường tại Ai Cập khai quật năm 2008, tại vùng sa mạc trước kia là biển cả. Tuy nhiên, danh tính của loài sinh vật bên trong chỉ mới được công bố vào tháng vừa qua.
Theo Hesham Sallam - nhà cổ sinh vật học dẫn đầu nhóm nghiên cứu, đồng thời là giáo sư cổ sinh vật học tại Đại học Mansoura, Ai Cập - loài cá voi cổ đại trên là một sinh vật lưỡng cư và vì vậy khác với những mẫu hoá thạch cá voi được tìm thấy trước đây.
Sallam cũng cho biết công tác khám nghiệm mẫu hoá thạch phải đến năm 2017 mới bắt đầu vì ông muốn tập hợp các chuyên gia kỳ cựu nhất trong giới cổ sinh vật Ai Cập cho công trình này.
Công bố khoa học trên là thành quả 4 năm hợp tác nghiên cứu giữa các nhà cổ sinh vật Ai Cập và nhóm chuyên gia người Mỹ.
Nhóm của Sallam từng gây sốt vào năm 2018 nhờ phát hiện ra loài Mansourasaurus - một loài khủng long cổ dài ăn cỏ từng sinh sống tại khu vực Đồng bằng sông Nile, hiện nay thuộc tỉnh Mansoura.
Mẫu hoá thạch hé lộ thêm mắt xích còn thiếu trong quá trình tiến hoá của cá voi, từ một loài ăn cỏ sống trên cạn sang loài ăn thịt sống hoàn toàn dưới nước. Theo một bài báo trong Tạp chí Proceedings of the Royal Society B, quá trình tiến hoá này diễn ra trong vòng 10 triệu năm.
Loài sinh vật mới được phát hiện thuộc họ cá voi cổ Protocetid, gồm những cá thể sống dưới nước tồn tại trong khoảng 59 đến 34 triệu năm trước và hiện nay đã tuyệt chủng. Loài mới này có khả năng di chuyển trên cạn, nhưng lại săn mồi dưới nước, theo Sallam.
Jonathan Geisler, một chuyên gia về lịch sử phát triển lớp thú tại Viện Kỹ thuật New York, cho biết: “Loài cá voi mới được phát hiện này chắc chắn thuộc thời kỳ đầu, khi cá voi vẫn còn bốn chi có khả năng di chuyển.” Ông cũng cho biết nơi phát hiện mẫu hoá thạch - Ai Cập - làm rõ hơn phần nào thời gian và cách thức giống loài này phát tán.
Hiện hoá thạch cá voi lâu đời nhất được khai quật tại vùng đất ngày nay thuộc Pakistan và Ấn Độ, niên đại khoảng 50 triệu năm. Song, các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất cá voi bắt đầu rời đất liền và toả sang các đại dương từ lúc nào.
Geisler nhận xét: “Loài mới được phát hiện tuy chưa thể giải quyết ổn thoả tranh luận trên, nhưng trong khuôn khổ phát hiện lần này, cho thấy cá voi bắt đầu toả ra các đại dương vào khoảng 43 triệu năm trước.” Ông cũng cho rằng phát hiện này củng cố cho giả thuyết về mối quan hệ giữa vùng đất ngày nay thuộc Ấn Độ - Pakistan và vùng đất ngày nay là Bắc Mỹ.
Mẫu hoá thạch 43 triệu năm tuổi của loài “Phiomicetus Anubis”, được cho là một mắt xích trong chuỗi tiến hoá từ sinh vật sống trên cạn sang sinh vật sống dưới biển của cá voi - Ảnh: apnews
Cái tên Phiomicetus Anubis, vốn liên quan đến thần chết trong truyền thuyết Ai Cập, được chọn đặt cho giống loài mới này. Sallam cho biết: “Chúng tôi chọn cái tên Anubis vì cú táp của loài này rất mạnh và chắc chắn chí tử. Nó có thể giết gọn bất cứ loài vật nào chạm trán nó.”
Về hình thể, giống cá voi cổ này có hộp sọ và mõm dài, cho thấy nó là một loài ăn thịt có thể ngoạm và nhai nát con mồi. Theo các nhà nghiên cứu, toàn bộ cơ thể con vật dài 3 mét và nặng chừng 600 kg. Ngoài ra, thích giác và khứu giác của nó ắt hẳn cũng rất nhạy bén.
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)