Nghiên cứu cho thấy sự rạn nứt của khế ước xã hội giữa phụ huynh và trường học kể từ đợt phong tỏa vì Covid-19 và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Báo cáo từ Public First cho thấy một ‘cuộc khủng hoảng quốc gia toàn diện’ về việc đến trường - Ảnh: Joel Goodman/The Guardian
Theo một nghiên cứu mới, các bậc phụ huynh ở Anh không còn đồng tình với quan điểm rằng con cái họ cần phải đi học toàn thời gian, đã có “sự thay đổi động trời” trong thái độ đối với việc đi học kể từ sau đại dịch.
Trong nhiều thập kỷ, việc tất cả học sinh đi học hàng ngày trong suốt học kỳ là một phần của khế ước xã hội giữa nhà trường và gia đình, nhưng báo cáo cho biết điều này không còn đúng nữa.
Sự gián đoạn đầu tiên do Covid-19 gây ra, sau đó kết hợp với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và dịch bệnh tâm thần ở giới trẻ, đã dẫn đến điều mà các nhà nghiên cứu mô tả là sự rạn nứt sâu sắc trong mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh từ mọi khía cạnh kinh tế xã hội.
Kết quả là, một số phụ huynh không còn tin rằng trách nhiệm của họ là phải đảm bảo con mình đến trường hàng ngày, gây ra “một cuộc khủng hoảng quốc gia toàn diện” về việc đi học và đòi hỏi phải có “một nỗ lực to lớn, đa dịch vụ” nếu muốn đảo ngược mọi chuyện, báo cáo nêu rõ.
Tỷ lệ vắng mặt tổng quan ở các trường học tại Anh đã tăng hơn 50% kể từ năm 2019, trong khi tình trạng vắng mặt liên tục - khi học sinh bỏ lỡ 10% số buổi học trở lên - đã tăng hơn gấp đôi, gây ra mối lo ngại lan rộng và một loạt các biện pháp can thiệp của các bộ trưởng.
Báo cáo do cơ quan nghiên cứu chính sách công Public First biên soạn, dựa trên các cuộc trò chuyện nhóm tập trung với phụ huynh từ các tầng lớp khác nhau trên khắp đất nước, làm sáng tỏ lý do tại sao trẻ em không phải lúc nào cũng đến lớp.
“Trước Covid-19, tôi rất quan tâm đến việc đưa bọn trẻ đến trường: việc đi học là một vấn đề quan trọng,” một phụ huynh ở Manchester, có hai con 5 tuổi và 10 tuổi, cho biết. “Giáo dục là một vấn đề quan trọng. Sau Covid-19, tôi sẽ không nói dối bạn, giờ tôi không quá quan tâm tới việc đi học và nghỉ học nữa. Cuộc đời quá ngắn ngủi.”
Những biện pháp mà các trường tiến hành dạy học trong thời gian phong tỏa cũng đã thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của việc đi học. “Vì Covid-19, họ cho bọn trẻ học một tiếng rưỡi mỗi ngày tại nhà. Vậy nên đó rõ ràng là những gì bọn trẻ đang được dạy hàng ngày. Một tiếng rưỡi. Nó sẽ không giết chết ai cả”, một phụ huynh ở Bristol có hai con 11 tuổi và 4 tuổi cho biết.
Trong khi đó, báo cáo cho biết các kỳ nghỉ trong học kỳ đã được xã hội chấp nhận ở tất cả các nhóm kinh tế xã hội, trong khi những ngày đình công gần đây của giáo viên đã góp phần làm suy yếu thêm câu chuyện “vấn đề hàng ngày” về việc đi học.
Một phụ huynh ở Long Eaton, Derbyshire, có hai con 13 tuổi và 17 tuổi, cho biết: “Tôi nghĩ đặc biệt là trong năm nay, với tất cả các cuộc đình công của giáo viên, các bậc phụ huynh đã chểnh mảng hơn và nghĩ rằng: ‘Giáo viên không đi dạy, vậy nên nếu tôi muốn đưa con tôi đi chơi vài ngày, tôi sẽ làm thế vì các giáo viên đã làm thế.’”
Báo cáo này đề nghị nên xem xét lại các mức phạt đối với việc không đến lớp và có khả năng bãi bỏ vì chúng rất không được ưa chuộng và chỉ khiến phụ huynh xa lánh hơn. Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng áp lực lên các nhu cầu giáo dục đặc biệt và các dịch vụ sức khỏe tâm thần góp phần gây ra cuộc khủng hoảng về tỷ lệ đi học và đề xuất đầu tư vào hai lĩnh vực này sẽ cải thiện tỷ lệ đi học.
Ayesha Baloch, cố vấn chính sách của tổ chức từ thiện giáo dục thanh thiếu niên Impetus, cho biết: “Chúng tôi biết rằng việc đi học đều đặn là thiết yếu để đạt thành tích tốt và số người trẻ nhận được bữa ăn miễn phí tại trường thường xuyên vắng mặt, khoảng gấp đôi tỷ lệ những người không được. Nhưng cho đến khi chúng ta hiểu được điều gì đằng sau sự gia tăng tình trạng nghỉ học này, chúng ta không thể giải quyết nó một cách thỏa đáng.”
Paul Whiteman, Tổng thư ký hiệp hội lãnh đạo trường NAHT, nói thêm: “Chính phủ thực sự cần phải nỗ lực gấp đôi và cam kết các nguồn lực cần thiết để giải quyết vấn đề này. Đặc biệt, cần đầu tư nhiều hơn cho các nhóm chuyên môn làm việc trực tiếp với những học sinh thường xuyên nghỉ học và gia đình các em.”
Thư ký giáo dục phe đối lập, Bridget Phillipson, cho biết: “Đây là bằng chứng rõ ràng, đáng báo động rằng dưới thời Đảng Bảo thủ, mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình đã tan vỡ một cách thảm khốc. Đảng Lao động biết rằng giáo dục là trọng tâm để phá bỏ các rào cản về cơ hội và phá vỡ trần giai cấp.”
Một phát ngôn viên của Bộ Giáo dục cho biết các bộ trưởng đã tăng số lượng trung tâm điểm danh và cố vấn điểm danh. “Chúng tôi cũng đã tập hợp một liên minh hành động về vấn đề đến trường tập hợp các nhà lãnh đạo từ các lĩnh vực giáo dục, chăm sóc xã hội và y tế để thảo luận về tầm quan trọng của vấn đề này và nhiều yếu tố liên quan đến nó.”
Hồng Nhung
(Lược dịch)