Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục trung học

Giáo dục trung học

Vấn đề dạy kèm tư nhân tại Trung Quốc

Nếu tìm được và đến đúng một trong khá nhiều toà cao ốc gần như để trống ở Thượng Hải vào đúng thời điểm, bạn có thể nghe thấy một âm thanh khá bất ngờ. Gần đến giờ ăn tối, tiếng cười giòn giã của trẻ em bắt đầu vang vọng các dãy hành lang trống vắng, theo sau là tiếng hò reo khi các em được đón về.

Mặc dù không có bảng hiệu mà cũng chẳng quảng cáo rầm rộ, những lớp học tư nhân như thế này là nơi thường xuyên bắt gặp cảnh tượng trên. Những tưởng đã “tuyệt chủng” từ vài năm trước, loại hình giáo dục này có vẻ vẫn còn một chút sinh lực còn sót lại.



Nhiều công ty dạy thêm tư nhân như TAL Education Group trượt giá sâu sau khi các hoạt động giáo dục vì lợi nhuận bị quản lý nghiêm - Ảnh: Getty Images

Nhân viên lễ tân Song của cơ sở nói trên không đồng ý với điều trên bởi lúc nào cô cũng nhận điện thoại từ hàng chục bậc phụ huynh hỏi có còn lớp trống hay không. Cô từ tốn trả lời một cuộc gọi: “Các lớp hè đã kín chỗ, hay anh chị thử xem qua lịch học mùa thu nhé.”

Khi được hỏi về nguy cơ những lớp tư nhân dạy thêm có khả năng bị đóng cửa lần nữa, một cô giáo họ Ding ở Thượng Hải không hề nao núng mà trả lời: “Hiện tại không có gì đáng lo cả. Chúng tôi vẫn đảm đương được mọi thứ.” Lớp cô lúc nào cũng chật kín học sinh mà công ty còn định tuyển thêm giáo viên Trung văn vào mùa hè bận rộn. Nhiều gia đình cho con cái đi học hè để làm quen trước với chương trình đáng lẽ sẽ được dạy vào lớp tới, qua đó giúp trẻ có lợi thế nhất định.

Đã 3 năm trôi qua kể từ khi chính quyền Trung Quốc thi hành chính sách “hai cắt giảm”: giảm bài tập về nhà để học sinh bớt gánh nặng, và giảm các hoạt động dạy thêm vì lợi nhận diễn ra vào cuối tuần hay các ngày nghỉ. Trong lúc đó, thị trường cung cấp loại hình giáo dục tư như trên bắt đầu manh nha mở rộng, đặc biệt vào mùa hè 2024, bởi nhu cầu của quý phụ huynh vẫn còn cao và các quy định đã có dấu hiệu nới lỏng. Chính sách năm 2021 lập tức kéo đổ thị trường lúc bấy giờ đang vô cùng phát đạt. Nhiều công ty giáo dục tư phải sa thải giáo viên hàng loạt. Còn các cơ sở nhỏ lẻ xem như phá sản.

Chỉ thị mới đây của Quốc vụ viện trực thuộc Nội các Trung Quốc về việc thúc đẩy các ngành dịch vụ mở ra nhiều triển vọng bởi khuyến khích đầu tư vào giáo dục đào tạo. Đây có thể là văn bản chính thức đầu tiên thể hiện chính quyền đã có thái độ thoáng hơn so với lúc chính sách hai cắt giảm được ban bố, tức mùa hè 2021.

Được ban hành ngày 03/8 vừa qua trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đẩy mạnh kinh tế, chỉ thị áp dụng cho mọi dịch vụ giáo dục ở tất cả các nhóm tuổi, song có nhấn mạnh chỉ có các lớp học phi lợi nhuận dạy các môn thuộc nhóm không bắt buộc cho khối lớp tiểu học và trung học cơ sở mới được chính phủ ủng hộ - rất giống với câu từ đã được sử dụng trong chính sách 2021. Tuy nhiên, phía phụ huynh và mảng giáo dục tư lại cho rằng “gió đã đổi chiều”.

Tuy quyết định siết chặt hoạt động dạy ngoài giờ là nhằm cân bằng cơ hội giáo dục, để phụ huynh đỡ lo toan chuyện học hành của con cái - vốn là hai nguyên do được cho là góp phần khiến người trẻ ngần ngại có con - các nhà chức trách vẫn đưa ra chỉ thị vừa rồi vì Trung Quốc hãy còn chật vật vực dậy kinh tế hậu Covid.

Sau khi chỉ thị được ban bố, giá cổ phiếu hai công ty giáo dục hàng đầu Trung Quốc niêm yết tại New York - TAL Education Group và New Oriental - lập tức khởi sắc; điểm số của New Oriental thậm chí tăng 13% hôm 06/8.

Chu Zhaohui, Chuyên viên nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc, cho biết chỉ thị vừa qua đã tạo nên những thay đổi nhất định, mặc dù vẫn còn rất nhiều sự thận trọng trong câu từ. Ông nhận xét: “Thị trường dạy thêm cấp tiểu học và trung học cơ sở ngày càng “nóng” lên trong vài tháng trở lại đây. Có thể nói ở mức độ nào đó, công văn của Quốc vụ viện đã giúp dân chúng phần nào thăm dò được thái độ của giới chức trách. Nhưng khá nhiều người lại lầm tưởng rằng quy định đối với các cơ sở dạy ngoài giờ đã được nới lỏng, vậy là nhiều lớp học sẽ mọc lên hơn rồi phụ huynh cũng tích cực gửi con mình đến những cơ sở ấy hơn.”

Một nhân viên tên Zhang ở tổ chức giáo dục giấu tên có trụ sở tại Thượng Hải cho biết các quan chức ngày càng nhắm mắt làm ngơ: “Giờ không còn ai phải lo lắng chuyện đóng cửa đột ngột nữa. Mặc dù không thể công khai quảng bá lớp học của mình, chúng tôi vẫn có thể gọi điện mời chào phụ huynh hay nhờ các khách hàng cũ giới thiệu khách hàng mới. Cả vào thời điểm khó khăn nhất, lúc các cơ sở cạnh tranh buộc phải ngừng hoạt động, chúng tôi vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ. Đó là bởi chúng tôi giữ được mối quan hệ hữu hảo với chính quyền.”

Chen Zhiwen, Nhà nghiên cứu giáo dục hiện là hội viên Hội Chiến thuật Phát triển Giáo dục Trung Quốc, cho biết thị trường đang hiểu sai vấn đề nên mới nảy sinh những phản ứng như trên. Thực tế thì lệnh siết chặt các hoạt động dạy thêm những môn bắt buộc sau giờ học “không có gì thay đổi so với trước đây”.

Ông cũng nói: “Quả thật chuyện dân chúng liên tục hiểu nhầm các chỉ thị từ bên trên cho thấy họ cần những dịch vụ như thế này. Hẳn phải có giải pháp đáp ứng nhu cầu của người dân chứ không thể mãi cấm cản như thế này được.” Cũng theo ông, chính sách năm 2021 tuy có một điều khoản yêu cầu nhà trường cần cố gắng nhiều hơn nữa, làm sao cho tất cả các học sinh đều có thể cải thiện học lực, nhưng trên thực tế các trường lại ngày càng lơ là chuyện kèm cặp học sinh, khiến phụ huynh phải tìm đến các cơ sở tư bên ngoài.

Lúc nhiều người biết đến “vùng xám” dạy thêm sau khi chính sách 2021 được ban bố, Bộ Giáo dục đặt mục tiêu đầy tham vọng: “Đến tháng 6/2024, tất cả các cơ sở giáo dục và đào tạo trái luật dưới những tên gọi khó nhận biết đều phải bị loại bỏ hoàn toàn.”

Song, thời hạn đã qua mà điều đó vẫn chưa diễn ra. Wang Qian, bà mẹ có cô con gái 10 tuổi sinh sống tại tỉnh Chiết Giang, không tán thành mục tiêu trên: “Hoạt động này chưa bao giờ biến mất hoàn toàn cả. Ngay từ lúc có chính sách vào mùa dịch, việc dạy học được chuyển sang hình thức khác, đôi khi là dạy trực tuyến; còn giờ thì có vẻ dạy thêm đang trở lại như thời trước dịch. Ngay cả khi phụ huynh không chủ động tìm chỗ học thêm cho con, giáo viên vẫn sẽ nhắc khéo chúng tôi nên làm vậy bởi nếu kết quả học tập của cháu không đạt chỉ tiêu, thành tích của họ sẽ bị ảnh hưởng.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 142

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán