Bắt đầu từ năm học 2023, lịch sử sẽ trở thành môn chính yếu tại các trường học trên toàn Thái Lan, thể theo chính sách do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha ban hành.
Quần thể Prasat Prang Ku ở Chaiyaphum - Ảnh: Wikimedia Commons
Động thái này khiến nhiều người lo ngại chính phủ đang ươm mầm cho các tư tưởng bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa trong khi thế giới dần đến toàn cầu hóa và chủ nghĩa tự do. Giáo sư Tiến sĩ Sompong Jitradub nhận định: “Cứ như thể chính quyền đang nhồi nhét tinh thần dân tộc chủ nghĩa vào tâm trí các em vậy. Động thái này rất bất bình thường, đi ngược lại nguyên tắc giáo dục và xu hướng thế giới.”
Góc nhìn của giới phê bình
Sompong cho rằng trong khi thế giới hướng đến xã hội dân chủ, bảo vệ nhân quyền và môi trường, cũng như chủ nghĩa tự do, Bộ Giáo dục Thái Lan lại thể hiện tư duy bảo thủ, dân tộc chủ nghĩa.
Ông cho rằng: “Ngành giáo dục Thái Lan không bắt kịp bối cảnh toàn cầu, vì vậy mà chưa bao giờ tỏasáng trên trường quốc tế cả.”
Sampong bổ sung nếu Thái Lan muốn bắt kịp thế giới, điều cần làm là cải tổ lại chương trình học, đặc biệt là môn tiếng Anh. Ông cũng cho rằng bằng việc thúc đẩy học sử, chính phủ mong muốn thế hệ mới không còn đi theo chủ nghĩa tự do mà đi theo đường hướng bảo thủ.
Ý kiến từ chính phủ
Bộ Trưởng Giáo dục Treenuch Thiengthong nói: “Uỷ ban Giáo dục Cơ bản vừa qua đã phê duyệt quyết định chính thức tách lịch sử khỏi các môn học khác.”
Bà cho biết nội dung chương trình lịch sử mới sẽ đảm bảo hiện đại, thú vị. Ngay cả khi lịch sử được lấy làm môn chính, học sinh cũng không buộc phải bỏ thêm nhiều thời gian học tập, và chính phủ cũng không dành ngân sách quá lớn cho môn học này. Bà khẳng định: “Nội dung chương trình mới sẽ phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội, và bối cảnh công dân hiện tại.”
Bộ Trưởng cũng cho rằng động thái thay đổi này cũng làm môn lịch sử trở nên vui nhộn hơn. Môn học này không chỉ hun đúc tình yêu quê hương đất nước cho trẻ mà còn giúp trẻ chuẩn bị cho tương lai. Treenuch cho biết: “Những bài học lịch sử tại trường sẽ đưa ra các lỗi lầm và câu chuyện thành công trong quá khứ, giúp trẻ học hỏi, áp dụng vào cuộc sống.”
Trẻ sẽ học những gì?
Học sinh cấp 2 sẽ có khoảng 40 tiếng học lịch sử trong mỗi năm học; với các học sinh cấp 3, con số này là 80 tiếng/năm học.
Bộ Giáo dục hứa hẹn sẽ có phương hướng giúp học sinh tích cực, chủ động hơn trong các môn học chính yếu mới. Hình thức học tập được đa dạng hơn: học sinh có thể được tham quan bảo tàng, di tích lịch sử, tham gia các hoạt động trí tuệ - địa phương để tăng thêm vốn hiểu biết lịch sử.
Bộ cũng chiêu mộ nhiều hơn các giáo viên dạy sử có thể sử dụng công nghệ số hiện đại giúp theo sát tiến độ học tập, đưa ra lời khuyên, và khuyến khích học sinh áp dụng kiến thức đã học vào cuộc sống thường ngày. Các tiêu chí cũng được đặt ra rõ ràng, tránh trường hợp trùng lắp bởi học sinh hiện cũng đang học tiết công dân.
Nipat Artmit, Giám đốc Trường Sunthornwattana ở Chaiyapum, đồng ý với động thái này vì lịch sử cần được chú tâm nhiều hơn: “Nếu không phải là môn chính, lịch sử sẽ bị các em bỏ mặc. Rồi các em sẽ không còn biết gì về đất nước, tổ tiên mình nữa, quên luôn cả bản sắc dân tộc Thái.”
Ông cũng cho biết Trường Sunthornwattana đã chuẩn bị nội dung tích hợp cho các lớp lịch sử. Ví dụ, học sinh tại trường sẽ tham quan các cơ sở học tập và đền đài quan trọng. Các em cũng sẽ được học về vị chủ tịch đầu tiên của Tỉnh Chaiyaphum cùng nhiều kiến thức bổ ích khác.
Vì sao gây tranh cãi?
Một giáo viên trường công giấu tên cho biết bà không thể hiểu nổi động thái vừa qua của Bộ Giáo dục bởi trên thực tế, lịch sử đã được tách thành môn học riêng.
Cô giáo nói: “Trong những năm gần đây, lịch sử ngày càng tách bạch với khoa học xã hội. Chúng tôi có khoảng 1 tiếng dạy sử mỗi tuần và 2 tiếng để dạy riêng khoa học xã hội.”
Theo trưởng tổ bộ môn khoa học xã hội ở một trường cấp hai nọ, việc tách bạch này đã có hiệu lực từ khi Hoàng Thái hậu Sirikit nhấn mạnh tầm quan trọng của bộ môn lịch sử, tức hơn một thập kỷ trước.
Một giáo viên giấu tên khác nữa cho rằng đây là một nước cờ chính trị. Song, người này lại cho rằng chính phủ Thái Lan khó lòng có được kết quả mong muốn.
Cô này nhận định: “Đừng quên là các học sinh cũng nắm bắt tin tức mỗi ngày và quan tâm đến những vấn đề riêng. Các em không chỉ ngồi lắng nghe thầy cô giảng bài mà còn đặt câu hỏi, phân tích thông tin từ thầy cô theo quan điểm của các em.” Cô giáo dự định sẽ lồng ghép các vấn đề thời sự vào bải giảng lịch sử của mình nhằm khuyến khích tư duy phân tích.
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)