Khi con bạn học viết, những chữ cái lộn xộn có vẻ bình thường. Nhưng đối với những đứa trẻ bị chứng Dysgraphia (rối loạn viết chữ) thì không có quá trình luyện tập nào sẽ trở nên hoàn hảo. Sau đây là những điều bạn cần biết về các triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị.
Ảnh: GETTY IMAGES.
Tác giả Brock Eide, M.D. và Fernette Eide, M.D đã giải thích trong cuốn sách mang tên The Mislabeled Child: “Dysgraphia là một khiếm khuyết trong quá trình viết chữ trong một thời gian nhất định mặc cho những nỗ lực giảng dạy, khích lệ, và sức khỏe về thể chất và tinh thần.”. Họ cũng nhấn mạnh rằng hội chứng Dysgraphia khá phổ biến với tỷ lệ cứ một trong năm đứa trẻ sẽ gặp phải khó khăn nghiêm trọng trong việc thể hiện bản thân thông qua viết lách. Vì vậy, nếu bạn chưa từng nghe thuật ngữ này trước đây, thì bạn không phải là người duy nhất. Sau đây là những điều bạn cần biết về Dysgraphia.
Những dấu hiệu của hội chứng Dysgraphia
TS. Beth King là một chuyên gia khoa học thần kinh chuyên nghiên cứu về Dysgraphia và cũng là phụ huynh của một đứa trẻ mắc phải hội chứng này. Cô đã liệt kê một số dấu hiệu nhận biết một đứa trẻ mắc phải hội chứng Dysgraphia:
• Khoảng cách giữa các chữ viết thường không bình thường và rất khó đoán. Một vài chữ viết dính gần nhau trong khi một số khác lại cách xa nhau. Trẻ thường bắt đầu viết ở giữa trang giấy thay vì bên trái như thông lệ.
• Các chữ viết thường không ngay hàng thẳng lối.
• Trẻ có thể xen chữ cái in hoa vào giữa các từ vựng hay không thể viết hoa những chữ cái đầu dòng, thậm chí ngay cả khi chúng biết rõ các quy định về việc viết hoa của các chữ cái.
• Trẻ thường than phiền rằng chúng bị đau tay sau khi tập viết. Chúng có thể nắm chặt cây bút một cách bất thường hay viết trong tư thế không bình thường.
• Trẻ thường từ chối làm bài tập.
• Lỗi chính tả trở nên phổ biến.
Kiểm tra và chẩn đoán hội chứng Dysgraphia
Nếu bạn nghi ngờ con mình mắc phải hội chứng Dysgraphia hay gặp phải khó khăn trong việc thể hiện bản thân thông qua viết lách, thì bước đầu tiên là phải thông báo với nhà trường rằng bạn muốn con của bạn được kiểm tra và chẩn đoán.
Thông thường thì mỗi trường sẽ có một chuyên gia trị liệu để đánh giá con của bạn, nhưng nhiều nhà trị liệu đã không được đào tạo để nhận diện hội chứng Dysgraphia. Tiến sĩ King cho rằng nhà trường sẽ điều chỉnh để đáp ứng những nhu cầu của con trẻ, và điều này rất tuyệt vời, nhưng bạn cũng có thể xem xét việc tìm kiếm một chuyên gia thần kinh với kiến thức thâm sâu về hội chứng Dysgraphia nếu có thể.
Phương pháp điều trị hội chứng Dysgraphia
Hiện nay không có một phương pháp trị liệu cụ thể nào cho hội chứng Dysgraphia, nhưng vẫn có những cách giúp con của bạn phát triển trong môi trường học vấn. Tiến sĩ King hiện đang quản lý một nhóm trên Facebook với tên gọi “Thriving with Dysgraphia: Tips, Tricks, Strategies to Help Your Child Soar” cung cấp liên tục nguồn thông tin hỗ trợ và đưa ra lời khuyên. Khi bạn áp dụng những thay đổi chiến thuật cho một đứa trẻ mắc hội chứng Dysgraphia, sau đây là những phương pháp có thể giúp ích cho con bạn:
• Hãy bắt đầu sử dụng bàn phím càng sớm càng tốt. Tiến sĩ King thích kiểu gõ thích ứng hơn kiểu gõ bàn phím tiêu chuẩn. Vì bọn trẻ luôn gặp khó khăn với sự tự động hóa và bộ nhớ làm việc, chúng nên nhìn vào bàn phím trong khi đánh máy và sử dụng bất cứ ngón tay nào chúng muốn để cảm thấy thoải mái. Tốc độ đánh máy của bọn trẻ sẽ được cải thiện theo khối lượng công việc của chúng.
• Trẻ nên sử dụng những trang giấy có vạch kẻ hay kẻ ô khi học môn toán.
• Cho phép trẻ sử dụng những công cụ kiểm tra lỗi chính tả (ví dụ như Co:Writer), và không đánh dấu lỗi chính tả hay dấu câu. Thành quả công việc chỉ nên được đánh giá dựa trên nội dung.
• Nếu bài tập viết không được phép sử dụng trên máy tính, hãy giảm khối lượng bài tập và cho phép trẻ có nhiều thời gian hơn để hoàn thành.
Với tư cách là phụ huynh, thật đáng buồn khi phải chứng kiến con trẻ vật lộn với con chữ. Tiến sĩ cho biết thêm: “Mục tiêu chính là đặt con trẻ vào nơi mà chúng cảm thấy thoải mái về bản thân. Hầu hết những vấn đề này sẽ tự giải quyết khi trẻ trưởng thành.”
Vân Anh
(Lược dịch)