Ngày nay, có vẻ như chuyện gian lận có mặt ở khắp mọi nơi, từ sân bóng chày cho đến lớp học. Không có gì ngạc nhiên khi những nghiên cứu cho thấy tình trạng gian lận trong học tập ở trẻ em và thanh thiếu niên ngày càng tăng.
Việc gian lận trong lúc làm bài kiểm tra hay đạo một bài văn của một ai đó có thể sẽ là cách tốt để có được điểm số cao nhưng các học sinh thực sự cần phải quay lại với cách học tập có ý nghĩa hơn để giúp ích cho chúng trong cuộc sống sau này.
Vì vậy, làm thế nào để các bậc cha mẹ giúp cho con em mình tránh khỏi tình trạng gian lận để có được thành tích cao? Theo Eric Anderman, Giáo sư bộ môn tâm lý giáo dục tại đại học của bang Ohio và là đồng biên tập của quyển sách Psychology of Academic Cheating, bí quyết ở đây là làm giảm bớt những động cơ dẫn đến việc gian lận.
Anderman giải thích: “Học sinh gian lận khi chúng bị căng thẳng”, ông cũng cho biết thêm khi mà áp lực đạt được điểm cao trong thi cử càng lớn thì tỷ lệ gian lận sẽ càng cao. Và những học sinh gian lận trong thi cử thường bị thúc đẩy bởi việc dành chiến thắng với điểm số cao chứ không phải vì ao ước được học tập thực sự.
Quay cóp bằng những tài liệu được chuẩn bị sẵn vẫn được các bạn học sinh sử dụng rộng rải, tuy nhiên sự phát triển của những chiếc điện thoại di động ngày nay đã mở ra những cơ hội mới cho học sinh trong việc gian lận. Trong khi làm bài chúng có thể sử dụng điện thoại để tra cứu trên Internet, soạn tin nhắn chứa đáp án rồi gửi đến cho bạn bè của mình và những phương pháp gian lận như thế sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho giám thị coi thi.
Sử dụng công nghệ để trợ giúp gian lận trong thi cử có thể là điều mới mẻ, nhưng tình trạng gian lận thì đã có từ rất lâu, và không dễ để dẹp bỏ tình trạng này trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ có thể giúp cho con em mình tránh khỏi tình trạng gian lận bằng những phương pháp sau:
-
Đừng tạo cho bọn trẻ quá nhiều áp lực. Bọn trẻ thường gian lận để dành được điểm cao trong học tập với mong muốn đáp ứng lại sự kỳ vọng từ bố mẹ chúng. Vì vậy, bạn phải cho bọn trẻ thấy rằng bạn kỳ vọng chúng luôn nổ lực hết mình trong học tập chứ không phải kỳ vọng chúng luôn đạt được thành tích cao trong học tập bằng mọi giá.
- Tránh những động cơ thúc đẩy bên ngoài. Luôn khen ngợi con cái khi chúng đạt điểm tốt nhưng hãy tránh việc trách phạt chúng mỗi khi chúng đạt điểm thấp vì như thế sẽ vô tình tạo nên động cơ thúc đẩy chúng gian lận để đạt được điểm cao cho lần sau để không bị trách phạt. Thay vào đó hãy khuyến khích chúng nổ lực hơn nữa để cải thiện vấn đề.
- Luôn chia sẻ với con em của chúng ta về chuyện học tập. Giáo sư Anderman nói: “Một trong những điều quan trọng nhất các bậc cha mẹ có thể làm là tâm sự với con cái của mình để biết chúng đang cảm nhận như thế nào về việc học của chúng và liệu chúng có đang bị căng thẳng vì việc học không.” Hãy chia sẻ với chúng những khó khăn mà chúng đang gặp phải trong lớp học hơn là bắt chúng phải báo cáo cho bạn nghe tình hình của chúng ở lớp như thế nào, điều này sẽ làm chúng cảm thấy bạn đang đứng về phía chúng. Và khi có những khó khăn nào trong lớp hay những bài kiểm tra khó chúng sẽ tâm sự với chúng ta để tìm cách giải quyết chứ không tìm cách đối phó.
- Tránh những áp lực từ bạn bè. Cho dù con em của bạn có liên quan đến việc gian lận hay không, thì chúng cũng bị áp lực lôi kéo từ các bạn bè ở trường, ví dụ như bị bạn bè hỏi bài hoặc bị bạn bè nhờ chuyển tài liệu qua bàn bên cạnh. Hãy chắc chắn rằng con em của chúng ta biết cách nói “không” ngay từ đầu.
- Sử dụng những bản tin tức như những lời dạy dỗ. Các ngôi sao thể thao, chính trị gia và những doanh nhân có quyền lực cao liên tục bị đăng trên tin tức vì những hành vi sai trái của họ, ví dụ như việc sử dụng “doping’’ và việc gian lận với đối tác. Sử dụng các trường hợp này như là những bài học để nói về giá trị đạo đức, và nhấn mạnh rằng mặc dù có một số người hành động không trung thực nhưng vẫn có được thành công, nhưng tuyệt đối bạn và con em của bạn không được noi theo.
- Hãy làm một tấm gương tốt cho con em chúng ta noi theo. Nếu bạn nghĩ rằng con em của chúng ta không chú ý đến những việc làm và cách cư xử của chúng ta thì bạn đã nhầm. Những đứa trẻ thường có khuynh hướng bắt chước những hành vi cư xử của bố mẹ chúng, vì vậy cách tốt nhất là bạn phải là một tấm gương sáng cho chúng noi theo. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải cho chúng biết rằng bạn không phải lúc nào cũng là người hoàn hảo.
Trần Đình Phú
(Lược dịch)