Hi-Tech

Các bạn trẻ Thổ Nhĩ Kỳ với phát minh nông nghiệp sử dụng plasma

Nhờ giải pháp ngăn vụ mùa thất thu, nhóm bạn trẻ Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được giải nhì cuộc thi The Earth Prize.



Nhóm bạn trẻ Thổ Nhĩ Kỳ phát minh ra Plantzma - Ảnh do Beyza Kaya cung cấp

Beyza Kaya, cô bé 17 tuổi đạt giải nhì The Earth Prize, bộc bạch: “Em lấy cảm hứng từ chính cộng đồng mình. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, chúng em phải đối mặt với hậu quả khắc nghiệt của biến đổi khí hậu. Mặc dù hàng ngàn năm trước, đây là vùng Lưỡng Hà nơi khai sinh nhiều nền văn minh; người dân hiện giờ lại phải chật vật với hạn hán.”

Với bộ óc thiên về khoa học, Beyza đã phát triển “giải pháp chống hạn chạy bằng plasma”. Diyar, một bạn trẻ chung nhóm với Beyza, cho biết: “Không thể cứ khoanh tay chờ xem chừng nào các chính phủ lớn mới bắt đầu hành động. Và đó chính là những gì chúng em thực hiện. Tuy không thể tác động trực tiếp đến vấn đề biến đổi khí hậu, chúng em cố gắng giải quyết những hậu quả do nó gây ra. Em nghĩ nếu được các nhà chức trách chú ý tới nhiều hơn, những vấn đề như thế này có lẽ sẽ được giải quyết rất dễ dàng - đây là điểm khiến nhiều người bất bình.”



Beyza Kaya mong muốn làm việc cho Liên Hợp Quốc - Ảnh do Beyza Kaya cung cấp

Vậy là nhóm bạn trẻ Thổ Nhĩ Kỳ trong đó có Beyza và Diyar đã hợp lại thành Team Ceres tham dự The Earth Prize - cuộc thi dành cho học sinh tìm giải pháp bền vững đối với các vấn đề môi trường toàn cầu, đồng thời hướng dẫn, tài trợ cho các ý tưởng giành chiến thắng. Ngay khi Beyza lấy nguyên mẫu “Plantzma” từ tủ đồ nhà mình ra trình bày qua video call, chúng ta biết nhóm của cô bé không phải những bạn trẻ tầm thường.

Plasma có thể giúp nông dân chống chọi biến đổi khí hậu như thế nào?

Beyza nói: “Ý tưởng của chúng em đến từ những thách thức mà cộng đồng và gia đình chúng em đối mặt trong thực tế. Nhiều người thân quen của chúng em làm nông. Hầu hết họ không được giáo dục đầy đủ mà lại phải đối mặt với nhiều vấn đề khó nhằn như hạn hán hay mùa màng thất bát. Cụ thể lượng mưa đã giảm đi 40% và sản lượng giảm sút tận 80%.”

Dự báo Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy khả năng mùa màng thất thu tăng gấp 4,5 lần so với hiện tại vào năm 2030, và gấp 25 lần vào năm 2050. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sinh kế người dân và an ninh lương thực, mà còn khiến phân bón bị lạm dụng, dẫn tới tình trạng ô nhiễm và bạc màu đất.

Nhóm của Beyza hy vọng Plantzma sẽ là lời giải cho những bài toán trên: một thiết bị sử dụng plasma để tạo ra các giống cây trồng chắc khoẻ hơn, đồng thời xử lý nước tưới tiêu. Với đơn giá khoảng 176 euro, thiết bị có thể làm giảm khả năng thất thoát mùa màng đến 60% và hạ mức sử dụng các loại phân bón đắt tiền đến 40%, Team Ceres cho hay.

Beyza nhớ lại: “Nông dân khi được phỏng vấn bày tỏ sự hài lòng với sản phẩm này. Chỉ cần bấm 2-3 nút là nó có thể hoạt động trơn tru.”

Plasma thực chất là gì?

Plasma, dạng tồn tại thứ tư của vật chất ngoài rắn, lỏng, khí, “thực chất là không khí được ion hoá đến cực đại”, theo Diyar. Phân tử plasma đạt nhiệt độ cực cao, tích tụ nhiều năng lượng đến nỗi electron bị tách riêng khỏi cấu trúc. Khác với các chất khí, plasma là chất dẫn điện hoàn hảo.

Để tạo ra plasma, ta cần: một chất khí nào đó như không khí chẳng hạn, một hệ thống phóng điện với hai điện cực, và hệ thống lưới điện - Beyza giải thích. Được biết dạng plasma rất phổ biến ngoài vũ trụ nhưng trên Trái Đất lại vô cùng hiếm.

Có thể nói plasma là minh chứng cho thấy Beyza tìm tòi cả những gì không có trong chương trình học. Bạn trẻ nhớ lại: “Bởi có hứng thú về các hành tinh ngoài kia nên em mới nghĩ đến việc sử dụng plasma. Em có đọc một số bài báo của NASA và họ sử dụng plasma cho nhiều thứ lắm.”



Plantzma sử dụng plasma để xử lý hạt giống và nước tưới - Ảnh do Beyza Kaya cung cấp

Plantzma sử dụng plasma nhiệt độ thấp cho hai việc, như Diyar giải thích: “Chúng em dùng plasma để xử lý hạt giống trước khi gieo trồng, làm tăng tỷ lệ nảy mầm và phát triển. Plasma tạo các kẽ hở li ti trên hạt giống, làm nó kháng bệnh, kháng hạn, và chống chọi tốt hơn với các tác nhân tiêu cực khác từ môi trường. Thiết bị cũng xử lý nước tưới bằng plasma, khiến nước có thể thúc cây phát triển, đồng thời biến nước trở thành một loại phân plasma giàu nitơ và thân thiện môi trường, có khả năng cung cấp các dưỡng chất thiết yếu cho cây trồng, kích thích các loại rau quả.”

“Ước mơ của em là làm việc cho Liên Hợp Quốc”

Team Ceres mong muốn thành phẩm của mình đến được tay nhiều người nhất có thể và được sử dụng rộng rãi tại các khu vực đồng quê. Beyza nói: “Giải pháp này có thể triển khai tại bất cứ quốc gia nào có ngành nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo, kể cả những nơi ít được tiếp cận công nghệ hiện đại.”

Cả nhóm đã bắt tay vào nhiệm vụ huy động đủ nguồn vốn giúp biến ý tưởng thành hiện thực ở quy mô quốc tế. Trong khi Diyar chuẩn bị học ngành kỹ thuật điện tại NYU chi nhánh Abu Dhabi, Beyza lại sắp theo đuổi kỹ thuật môi trường và khoa học chính trị tại một đại học khác.

Beyza bức xúc: “Em rất tức giận về vấn đề biến đổi khí hậu vì nó không chỉ là chuyện môi trường mà còn là chuyện kinh tế nữa. Cứ nghĩ đến tương lai là em lại thấy bức bối. Rồi chúng ta liệu có đủ nước để sinh sống? Chúng ta phải làm gì để giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên địa phương mình? Ước mơ của em là làm việc cho Liên Hợp Quốc… Theo em thấy, những nước kém phát triển hoặc đang phát triển chưa có những chính sách về môi trường… mà biến đổi khí hậu lại là vấn đề nổi cộm tại những nơi này. Vậy nên việc chế tạo thiết bị, khiến nó đến tay mọi người và dễ sử dụng, song song đó thay đổi các chính sách đều là những hành động quan trọng hỗ trợ cộng đồng.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 140

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán