Hiện nhiều người đang bàn tán, cho rằng vũ trụ ảo (metaverse) sẽ là tương lai của Internet. Nhưng thật sự nó là gì?
Vũ trụ ảo là gì?
Người ngoài cuộc có lẽ cho rằng đây chỉ là bản nâng cấp của thực tế ảo (VR) nhưng người trong cuộc lại cho rằng vũ trụ ảo sẽ là tương lai của Internet. Nhiều người còn tin vũ trụ ảo đem so với công nghệ VR cũng như so sánh điện thoại thông minh với điện thoại “cục gạch” những năm 1980 vậy.
Thay vì máy tính, người dùng cần có bộ kính thực tế ảo để gia nhập vũ trụ này - một vũ trụ liên kết với nhiều không gian số đa dạng. Khác với VR, hiện chủ yếu dùng cho game, công nghệ mới này có thể dùng cho mọi mục đích, từ công việc, giải trí, xem biểu diễn ca nhạc hay kịch, đi du lịch, hay đơn giản chỉ là gặp mặt bạn bè.
Facebook hướng tới giả lập các cuộc họp ảo, nơi mọi thành viên vẫn có thể sử dụng máy tính cá nhân để tham gia - Ảnh: Reuters
Nhiều người còn nghĩ đến viễn cảnh mỗi cá nhân trong vũ trụ ảo sẽ được đại diện bằng một mô hình 3D giống thật. Nhưng vì hiện tại mọi chuyện vẫn chỉ là ý tưởng nên các ý kiến về vũ trụ ảo vẫn chưa thật sự thống nhất.
Vì sao vũ trụ ảo lại trở thành “cơn sốt”?
Các “cơn sốt” kỹ thuật số và thế giới ảo mỗi năm mỗi có nhưng sớm nở tối tàn.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư và các hãng công nghệ lớn đã chú ý đến vũ trụ ảo và nếu thật sự nó là tương lai của Internet, không ai muốn bị lạc hậu cả. Ngoài ra, đây là lần đầu tiên mọi cũng cảm thấy công nghệ sẽ ra đời trong tương lai rất gần, bởi các tiến bộ trong VR sắp đạt đến ngưỡng cần thiết giúp xây dựng công nghệ mới.
Facebook liên quan như thế nào?
Facebook hiện đặt mục tiêu xây dựng vũ trụ ảo lên những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Thương hiệu này đã rót nhiều tiền vào bộ Oculus, giúp hạ giá thành so với các đối thủ cạnh trạnh - thậm chí chấp nhận thua lỗ, theo một số nhà phân tích. Hãng còn xây dựng các ứng dụng VR hỗ trợ hội họp, bao gồm các ứng dụng tương tác với thế giới thực.
Mặc dù thường xuyên sáp nhập những công ty đối thủ, Facebook hiện cam kết vũ trụ ảo “không thể hình thành sau một đêm với sức lực của chỉ một công ty” và hứa hẹn sẽ hợp tác với các tổ chức khác.
Thương hiệu này vừa đầu tư 50 triệu USD vào các tổ chức phi lợi nhuận nhằm “xây dựng vũ trụ ảo một cách có trách nhiệm”. Tuy nhiên, Facebook cũng cho rằng vũ trụ ảo sẽ phải mất 10 - 15 năm mới thành hình.
Những ai quan tâm đến vũ trụ ảo?
Mr. Sweeney, người đứng đầu Epic Games (công ty phát hành Fortnite), từ lâu đã bàn đến vũ trụ ảo. Các trò trực tuyến nơi nhiều người chơi tương tác với nhau và với thế giới ảo đã có từ lâu. Tuy không phải vũ trụ ảo, các trò chơi ấy vẫn có điểm tương đồng. Những năm gần đây, Fortnite đã mở rộng thế giới ảo của mình, tổ chức các buổi ca nhạc ảo, quảng cáo thương hiệu, cùng nhiều sự kiện khác trong chính trò chơi. Nhiều người ấn tượng trước các viễn cảnh có thể xảy ra và ý tưởng vũ trụ ảo của Mr. Sweeney lập tức được bàn tán sôi nổi.
Nhiều tựa game khác cũng nghĩ đến vũ trụ ảo. Ví dụ là Roblox, tựa game này có một hệ sinh thái lớn kết nối hàng ngàn trò chơi nhỏ. Unity, một nền tảng 3D khác, tập trung phát triển “thế giới ảo sóng đôi” - tái hiện lại những gì có mặt trong thế giới thực. Công ty đồ hoạ Nvidia lại đang xây dựng “đa vũ trụ ảo”, một nền tảng giúp liên kết mọi thế giới ảo 3D.
Vậy vũ trụ ảo chỉ có game?
Không phải thế. Tuy hiện vẫn còn nhiều ý tưởng trái chiều, mọi người đã thống nhất cốt lõi vũ trụ ảo là tương tác giữa người với người. Facebook hiện thử nghiệm với ứng dụng họp mặt trên không gian ảo mang tên Workplace và ứng dụng xã giao khác mang tên Horizons. Cả hai đều sẽ sử dụng hệ thống người đại diện 3D hiện có.
Một ứng dụng khác, VRChat, lại chú trọng đến chức năng tán gẫu, họp mặt trực tuyến, cũng như khám phá môi trường ảo.
Mr. Sweeney vừa qua có chia sẻ ý tưởng về một tương lai nơi các hãng sản xuất xe sẽ “ra mắt” mẫu mới ngay trong thế giới ảo cho người dùng chạy thử nhằm quảng bá nó. Có lẽ một ngày nào đó, chúng ta có thể thử đồ trong thế giới ảo trước khi chọn đặt mua và nhận hàng trong thế giới thực.
Công nghệ này đã tồn tại chưa?
Công nghệ VR phát triển như vũ bão trong những năm gần đây. Những bộ kính chuyên dụng nhất có thể đánh lừa thị giác, giúp ta “nhìn” được các hình ảnh 3D khi di chuyển trong thế giới ảo. Độ nổi của chúng cũng không phải bàn - bộ Oculus Quest 2 được nhiều người chọn làm quà Giáng sinh nhất vào năm 2020.
Sự bùng nổ của token không thể thay thế (NFT) cũng mở ra cánh cửa cho một nền kinh tế ảo tương lai, nơi mọi giao dịch đều có thể theo dấu với độ tin cậy cao.
Các thế giới số càng cao cấp càng cần kết nối mạng di động ổn định - vốn có thể giải quyết bằng công nghệ 5G.
Tuy nhiên, hiện tại mọi thứ vẫn đang ở giai đoạn khởi thuỷ. Vụ trũ ảo, dù có thật sự “thành hình” hay không, vẫn sẽ là chiến trường dành cho các ông trùm công nghệ trong thập kỷ tới, hoặc có thể lâu hơn nữa.
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)