Trương Á Bình – Đại học Quốc tế Sài Gòn
Hiện nay, trước tình hình bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng với biến chủng Covid-19 Delta trong làn sóng Covid thứ 4 tại Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo định hướng kịch bản dạy học trực tuyến (online) sẽ diễn ra hết học kỳ 1, tuỳ vào từng cấp lớp và từng địa phương sẽ có các kế hoạch cụ thể khác nhau. Từ đây, chúng ta thấy rằng việc dạy và học online đã trở thành một xu thế tất yếu trong môi trường giáo dục hiện đại, từ thành thị đến nông thôn và ở tất cả các cấp bậc học.
Dạy học trực tuyến là hình thức giáo dục online, giúp chúng ta có thể tiếp nhận thông tin dễ dàng, với các phương tiện như: Điện thoại, máy tính hoặc máy tính bảng có kết nối Internet. Học sinh, sinh viên có thể học tập tại nhà hay bất cứ đâu mà không cần phải tới trường học. Mục tiêu của dạy học trực tuyến là hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp trên trường học, giảng đường nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy giúp học sinh, sinh viên, hoàn thành chương trình giáo dục.
Hiện nay, Chính phủ đang rất khuyến khích các thầy cô, giảng viên và học sinh, sinh viên tham gia học trực tuyến, điều này được thể hiện rõ trong Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên có hiệu lực từ ngày 16/5/2021.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang dạy học trực tuyến đòi hỏi người giảng viên cũng phải tự trang bị cho bản thân mình nhiều kiến thức, kỹ năng mới, cụ thể:
Giảng viên cần tích cực trao dồi kiến thức và kỹ năng sử dụng công nghệ
Hiện nay có rất nhiều phần mềm hỗ trợ cho việc dạy trực tuyến như Google Meet, Zoom, Webex, Skype, Microsoft Teams,… mỗi giảng viên nên tự tìm hiểu trang bị kiến thức về cách sử dụng các phần mềm này trong quá trình giảng dạy, tìm hiểu về đặc điểm cũng như ưu nhược điểm của từng phần mềm để có sự lựa chọn giảng dạy trong từng hoàn cảnh phù hợp hoặc khi phần mềm này trục trặc thì có phần mềm khác thay thế, tránh rơi vào tình thế bị động ảnh hưởng đến thời gian giảng dạy của giảng viên và học tập của sinh viên. Bên cạnh đó, từng phần mềm cũng có các công cụ hỗ trợ như trình chiếu bài giảng, bảng trắng,… giúp giảng viên thể hiện tốt nhất bài giảng của mình đến người xem, do đó giảng viên càng nên tích cực tìm hiểu sâu kĩ các phần mềm để không chỉ biết cách sử dụng mà còn sử dụng hiệu quả và chuyên sâu giúp bài giảng trở nên sinh động và tối ưu nhất.
Không dừng lại ở đó, hiện nay còn có một số phần mềm hỗ trợ ghi âm bài giảng chuẩn như Ispring, Camtasia,… giúp giảng viên tạo ra các bài giảng chuẩn hỗ trợ sinh viên trong việc học và ôn tập ở nhà. Với các phần mềm này, giảng viên tạo ra được các bài giảng chuẩn Scorm với các công cụ như ghi âm, quay video, quay màn hình, tạo câu hỏi trắc nghiệm, tự luận với đầy đủ các dạng giúp sinh viên có thể ôn tập ở bất cứ nơi đâu và có thể làm bài tập nhằm kiểm tra lại kiến thức của mình sau mỗi bài giảng.
Với phương châm luôn cố gắng nâng cao chất lượng trong việc giảng dạy, các giảng viên ngành Kế toán trường Đại học Quốc tế Sài Gòn đã nỗ lực cùng nhau tạo nên bài giảng chuẩn Scorm môn Nguyên lý kế toán, giúp sinh viên ngành kế toán nói riêng và các ngành khác nói chung có thêm một công cụ đắc lực hỗ trợ cho việc học tập hiệu quả, giúp sinh viên trường Đại học Quốc tế Sài Gòn đạt được các kiến thức cần thiết của học phần, tránh sự nhàm chán, thụ động trong học tập, đồng thời giúp học cho việc học tại nhà cũng đạt chất lượng như học trực tiếp và quan trọng hơn hết là luôn đạt chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
Giảng viên cần chuẩn bị bài giảng kĩ lưỡng, thay đổi bài giảng cho phù hợp với phương thức giảng mới
Khó khăn trong việc dạy trực tuyến đó là giảng viên không tự ghi chép, hướng dẫn cụ thể trên bảng trắng như khi dạy trực tiếp, điều này càng khó khăn hơn đối với các học phần nghiêng về tính toán, thực hành. Do đó, để bài giảng có hiệu quả, giảng viên cần chuẩn bị bài giảng kĩ hơn, đưa thêm nhiều ví dụ và trình bày các cách giải cụ thể giúp người học dễ hình dung phần lý thuyết trong lúc học, tránh việc nói lý thuyết quá nhiều dẫn đến việc sinh viên nhàm chán và mất tập trung. Bên cạnh đó, giảng viên nên xây dựng nhiều bài tập dạng bài tập nhóm, đề án, tiểu luận,… để sinh viên nâng cao kĩ năng tự nghiên cứu, làm việc nhóm cũng như kĩ năng viết lách, thuyết trình.
Giảng viên cần phải tạo ra sự kết nối với người học
Học trực tuyến khiến cho việc tương tác giữa giảng viên và người học có nhiều hạn chế, đôi khi dẫn đến tình trạng chỉ giảng viên nói còn sinh viên rất thụ động, hầu như không phát biểu gì trong suốt bài giảng. Do đó, trước hết giảng viên cần bỏ qua tâm lý ngại ngần khi nói chuyện một mình, cần tích cực khuấy động bầu không khí lớp, khuyến khích người học phát biểu bằng nhiều hình thức như cho điểm cộng,… tạo bầu không khí học thoải mái, thân tình, liên tục đặt ra các câu hỏi để khơi gợi sự tò mò và giúp cho các cuộc thảo luận sôi nổi hơn. Khi sinh viên đã quen với phong cách giảng dạy của giảng viên thì sinh viên cũng sẽ cởi mở hơn, sẵn sàng giao tiếp và chủ động nhiều hơn trong việc học hỏi.
Không dừng lại ở việc kết nối với sinh viên trên lớp, khi kết thúc bài giảng, giảng viên cũng nên tạo các group zalo để gửi bài tập, gửi video, bài tập nhóm,… theo dõi liên tục quá trình học tập của sinh viên tại nhà và cũng kịp thời giải đáp các thắc mắc về kiến thức cũng như phương pháp học đối với từng môn học đặc thù.
Luôn có sự chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi vào buổi học
Trước khi bước vào một buổi học online thì khâu chuẩn bị rất quan trọng, điều này giúp giảng viên rất nhiều để có được buổi dạy hiệu quả. Các công việc giảng viên cần chuẩn bị bao gồm:
• Chuẩn bị kỹ thuật đầy đủ: Những lỗi kỹ thuật có thể làm ngắt mạch cảm xúc của người dạy và học, dẫn đến bài giảng không được liền mạch. Vì vậy hãy chắc chắn rằng micro, camera, mạng internet ổn định,… Để đề phòng máy tính kết nối internet bị ngắt kết nối tức thì, giảng viên có thể dùng điện thoại đăng kí 4G để tiếp tục được bài giảng của mình.
• Chuẩn bị không gian phù hợp: Không gian xung quanh cũng ảnh hưởng rất nhiều tới tinh thần học cũng như là khả năng tập trung. Do đó, giảng viên nên lựa chọn nơi nào thật yên tĩnh, ít người qua lại.
• Chuẩn bị trang phục lịch sự: Để tạo cảm giác nghiêm túc hơn thì giảng viên nên có trang phục phù hợp. Ngoài ra, bài giảng có thể được lưu lại và chia sẻ với nhiều người trên mạng xã hội, do đó, trang phục chỉnh tề là vô cùng cần thiết.
• Chuẩn bị nội quy lớp học trực tuyến: Vì đây là một phương thức học hoàn toàn mới mẻ, do đó, giảng viên cần có một nội quy cụ thể và phổ biến trước giờ học vài phút để người học nghiêm chỉnh chấp hành.
Một số lưu ý khác trong quá trình giảng dạy
• Giảng viên cần phân bố thời gian trong một tiết học phù hợp. Vì học online sẽ khó tập trung hơn offline do vậy mà mỗi tiết dạy nên kéo dài khoảng 45 phút – 60 phút. Nếu nhiều tiết học liên tục thì giữa các tiết học nên có thời gian giải lao, thư giãn. Bài giảng cũng nên chia thành các phần nhỏ, rõ ràng. Giảng viên cố gắng giải đáp cô đọng và giúp sinh viên dễ hiểu nhất.
• Tốc độ nói của giảng viên nền vừa phải, không nên nói nhanh. Vì chất lượng đường truyền có thể không tốt do vậy mà nếu nói nhanh người học đôi khi không thể nghe rõ và hiểu ý giảng viên truyền đạt.
• Nên để từng em sinh viên phát biểu, tránh trường hợp nhiễu tiếng ồn và các em sinh viên khác không biết được bạn nào đang trình bày.
• Sau khi dạy xong, giảng viên nên tổng hợp lại kiến thức của buổi học hôm đó giúp sinh viên nắm được nội dung chính của bài học và cung cấp thêm các kiến thức sinh viên cần nghiên cứu chuẩn bị cho bài học tiếp theo.
Trên đây là một số lưu ý giúp cho việc dạy học online của giảng viên trở nên hiệu quả hơn. Hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát để giảng viên và sinh viên có thể gặp nhau trên giảng đường, cùng nhau tạo nên những tiết học đúng nghĩa thật sự, nhiều niềm vui và hiệu quả, chuẩn bị cho các em hành trang tốt nhất phục vụ cho công việc chuyên ngành mà các em đã chọn.