Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã gặp tình huống sau.
Hôm nay, bạn vội vã đi làm nhưng lại gặp tình trạng kẹt xe, phần vô thức trong bạn chỉ mong có thể di chuyển thật nhanh nên hành động tiếp theo của bạn có thể là ngay lập tức lao xe lên vỉa hè. Lúc này, phần lương tâm bên trong bạn lên tiếng và sau khi đắn đo suy nghĩ, bạn đã dừng ngay việc đó lại vì biết rằng đây là một hành động vi phạm pháp luật và có thể làm bị thương ai đó.
Tình huống trên là một ví dụ khi 3 yếu tố bản năng, bản ngã và siêu ngã kết hợp với nhau, tạo nên sự phức tạp trong tính cách của một con người.
Sigmund Freud - cha đẻ của Phân tâm học cho rằng Tâm trí con người gồm các tầng ý thức sau: ý thức, tiền ý thức và vô thức. Theo ông, vô thức là yếu tố quan trọng nhất để xác định hành vi và tính cách của con người. Tính cách được chia thành 3 phần, cụ thể:
Bản năng (id) là phần vô thức tìm kiếm khoái cảm, phi luân lý trong tích cách, xuất hiện ngay từ khi chúng ta chào đời (như đói, khát, tự vệ…)
Bản ngã (ego) là phần tính cách khi bản thân phải đối diện với thực tế của cuộc sống; nó hoạt động dựa trên các nguyên tắc lý trí, thực tế… để giải quyết nhu cầu của bản năng và tránh các hệ quả tiêu cực.
Siêu ngã (Superego) là phần lương tâm giúp con người cảm nhận được tội lỗi khi thực hiện những hành động sai trái.
Thuyết Phân tâm học của ông được ứng dụng trong rất nhiều khía cạnh của cuộc sống. Ví dụ, trong Marketing:
Những người làm việc trong ngành Marketing và Sales hoàn toàn có thể khai thác các yếu tố tâm lý và tạo ra nhu cầu hành động của khách hàng.
Quyết định mua hàng không chỉ dựa trên việc sản phẩm đó có thành phần hay công dụng mà khách hàng tìm kiếm, mà sản phẩm đó còn có khả năng khơi dậy mong muốn tiềm ẩn cần được thỏa mãn của khách hàng. Ví dụ, những người phụ nữ mua nồi chiên không dầu không chỉ bởi nó có khả năng giúp họ tiết kiệm thời gian, giảm lượng dầu mỡ cần dùng, mà còn do họ được người bán hàng khơi dậy cảm giác thích thú khi sử dụng thời gian để làm đẹp và thư giãn thay vì mệt mỏi đứng chiên rán thức ăn.