Trang chủ»Văn học - Nghệ thuật»Mỹ thuật (kiến trúc)

Mỹ thuật (kiến trúc)

Các toà nhà thô mộc tại Singapore thổi bùng cuộc tranh luận về kiến trúc

Một số người cho rằng chúng thể hiện bản sắc dân tộc, trong khi một số khác cho rằng chúng không thuộc về thành phố được biết đến với những con đường sạch sẽ và luật lệ nghiêm khắc.



Tòa tháp Golden Mile: "Đến một lúc nào đó, tất cả những hào nhoáng này sẽ trở nên cũ kỹ" - Ảnh: Alamy

Vào một tối thứ Sáu khá nóng, Zara Tan, 24 tuổi, cùng hai người bạn đến quá bar ngoài trời tại Golden Mile Tower - toà nhà xây vào những năm 1970 với vẻ ngoài bằng xi măng thô nhìn xuống phố tài chính tại Singapore. Tan cho biết không khí tại quán bar Great Escape này giản dị hơn những hộp đêm sang chảnh khác tại Singapore. Quả thật là vậy.

Những kiến trúc theo chủ nghĩa thô mộc (brutalism), như Golden Mile Tower chẳng hạn, là địa điểm thu hút giới nghệ thuật và rất khó tìm được tại Singapore ngày nay - trung tâm tài chính - ngân hàng nổi tiếng với những con đường sạch sẽ và luật lệ nghiêm khắc.

Một số người cho rằng những kiến trúc này thể hiện bản sắc dân tộc bởi cha đẻ của chúng là những kiến trúc sư địa phương mới nổi vào thời điểm Singapore giành độc lập năm 1965 và chuẩn bị công cuộc đô thị hoá diện rộng với nhiều dự án mới.

Song, thực tế đáng buồn là nhiều toà nhà thô mộc lại đang bị chào bán cho giới bất động sản tư nhân. Vì vậy mà nhiều người ủng hộ đã dùng mọi cách để đưa các tòa nhà này vào diện được pháp luật bảo vệ, dấy lên cuộc tranh luận về kiến trúc nào trong thành phố xứng đáng được bảo tồn.

Darren Soh, nhiếp ảnh gia kiến trúc, cho rằng các công trình thô mộc thể hiện “ước mơ và khát vọng” của Singapore. Phá huỷ các kiến trúc này, theo anh, sẽ khiến người dân cảm thấy tốc độ tháo dỡ và thay thế những toà nhà có tuổi là quá nhanh.

Ngồi ở Golden Mile Tower, Soh nói: “Vẻ hào nhoáng rồi cũng sẽ hoá cũ kĩ (ám chỉ các toà tháp lắp kính nổi lên ở những phố tài chính). Rồi lúc đó chúng ta sẽ làm gì nữa?”



Toà nhà Golden Mile Tower được xây dựng trên mảnh đất trước đây là Pearl’s Market - khu chợ gặp phải hoả hoạn năm 1956 - Ảnh: Alamy Stock Photo

Chủ nghĩa thô mộc trước đây là cái tên đầy tính giễu nhại dành cho phong cách kiến trúc tối giản về màu sắc và nhiều góc cạnh, hầu hết đều để trơ tường xi-măng mà không sơn màu. Kiểu kiến trúc này thường được dùng cho các toà nhà chính phủ hay các khu nhà ở tập thể.

Phong trào thô mộc tại Singapore vào những năm 1970 chủ yếu chịu ảnh hưởng từ kiến trúc Anh hậu chiến tranh, theo Ho Weng Hin, cố vấn kiến trúc tại Singapore. Ông nói những kiến trúc sư dẫn đầu phong trào này phần nhiều được đào tạo tại Anh hay Úc.

Cũng theo ông, kiến trúc thô mộc tại Singapore có đặc điểm riêng, thể hiện nhãn quan của dân bản địa và hoà hợp với khí hậu nhiệt đới, vì vậy mà nên gọi các công trình này là đi theo “chủ nghĩa hiện đại Singapore” thì đúng hơn.

Tuy mất dần sức hút vào những năm 1980, chủ nghĩa thô mộc hiện đang trở lại thành mốt ở nhiều nơi. Ở London, Trung tâm Barbican ngày càng thu hút nhiều du khách. Tại Boston, một nhóm nhà thiết kế và kiến trúc sư còn đề xuất gọi tên kiểu kiến trúc này là “anh hùng”. Giới ủng hộ tại Singapore cũng hy vọng thái độ tương tự sẽ bắt rễ tại đây. Tuy nhiên, trước mắt họ là vô vàn vật cản.

Thống lĩnh chân trời Singapore là những toà nhà bằng thép và kính giống như các trung tâm tài chính khác trên thế giới. Nổi bật hơn cả là bộ ba toà tháp Marina Bay Sands cùng bảo tàng khoa học thiết kế theo hình hoa sen gần đó – cả hai đều do kiến trúc sư gốc Israel, Moshe Safdie, lập bản vẽ. Quốc gia Đông Nam Á này cũng được biết đến với những ngôi nhà phố thương mại và nhiều kiến trúc thuộc địa được tân trang, cũng như những toà nhà xanh được thiết kế nhằm tiết kiệm năng lượng, phù hợp với khí hậu nhiệt đới.

Những công trình thô mộc, ngược lại, không được công chúng ưu ái. Đây thường là những toà nhà thuộc sở hữu chung, được phân thành nhiều căn. Vì đa phần chủ sở hữu cho rằng bán đi tất cả sẽ được lợi nhiều hơn là đầu tư vào duy tu sửa chữa, phần lớn các công trình thô mộc đều cũ kĩ và xập xệ. Không ai muốn mất chi phí bảo trì ngắn hạn cả.

Một trong những ví dụ điển hình là khu phức hợp Golden Mile; toà nhà theo phong cách thô mộc đặc trưng này chỉ cách Golden Mile Tower một quãng nhỏ. Dự kiến nó sẽ bị chào bán với giá 800 triệu đô Sing, hay 450 triệu bảng Anh.



Khu phức hợp The Golden Mile được chào bán với giá tối thiểu 450 triệu bảng Anh - Ảnh: Alamy Stock Photo

Gia đình Eileen Chua đã sống tại khu phức hợp này qua ba thế hệ và hiện đang sở hữu một cửa hàng dưới tầng trệt. Cô nói toà kiến trúc 16 tầng ngày càng “tồi tàn” vì không ai duy tu nó.

Chua, 40 tuổi, cho biết: “Tôi cũng thích các toà nhà di sản thật đấy, nhưng toà này thật sự xuống cấp quá rồi.”

Tuy thiết kế và hiện trạng của toà nhà không khiến người dân Singapore mặn mà, những người ủng hộ vẫn vận động chính phủ quan tâm bảo tồn nó, tương tự chính sách tân trang các nhà phố thương mại vào những năm 1980.

Họ cho rằng tuy không đẹp nhãn bằng những nhà phố thương mại - những toà nhà hai - ba tầng có tầng trệt là cửa hàng và các tầng trên dùng để ở - những công trình thô mộc lại thể hiện đúng bản sắc kiến trúc riêng của bán đảo Singapore.

Karen Tan trước đây là nhân viên ngân hàng đầu tư, hiện cô đang quản lý Projector, một rạp chiếu phim nghệ thuật tại Golden Mile Tower. Cô cho biết những thành phố “đủ tự trọng” trên thế giới sẽ nhìn nhận được giá trị ở những toà nhà như thế này, không phải chỉ vì nó có mức cho thuê phải chăng, phù hợp với dân nghệ thuật, mà còn bởi nó tạo nên đối trọng cần thiết với vẻ hào nhoáng của thành phố này.

Song, bảo tồn một công trình lớn với nhiều chủ sở hữu tự nó cũng là điều khó khăn bởi các chủ sở hữu có thể bất đồng ý kiến về cách bảo dưỡng toà nhà, hay thậm chí nghĩ rằng toà nhà chẳng đáng bảo tồn.

Tương lai của Golden Mile Complex cũng sẽ là chỉ báo cho những công trình thô mộc khác. Kiến trúc sư Rem Koolhaas người Hà Lan từng tán dương đây là một “công trình độc nhất” được dựng nên từ “các ý tưởng táo bạo”. Cục Tái Phát triển Đô thị vừa qua cũng cho giới truyền thông biết Cục vừa nhận được đề xuất bảo tồn thay vì phá dỡ toà nhà, ngoài ra còn xây thêm một công trình mới bên cạnh.

Nhưng giới chính sự lại gọi khu phức hợp Golden Mile là “khu ổ chuột thẳng đứng” và quyết định chào bán cả khu được hơn 80 phần trăm chủ sở hữu ủng hộ.

Một trong số đó là Chua. Cô cho biết gia đình mình trước đây mua căn tầng trệt với “giá rẻ bèo” và hiện kỳ vọng sẽ kiếm ít nhất 2 triệu đô Sing khi bán. Cô háo hức mong chờ thương vụ diễn ra mỹ mãn. Cô còn cho biết thiết kế nghiêng độc đáo của căn nhà không bao giờ khiến cô thay đổi ý định của mình. “Đối với tôi, quan trọng là tiền. Thật không đáng đổ tiền vào tu dưỡng những cái sàn gạch đã vụn vỡ.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 140

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán