Người dân tại Thị trấn Wemding, Đức, vẫn đang dựng nên tác phẩm mãi đến năm 3183 mới hoàn thành. Không một ai có thể mường tượng thế giới khi ấy sẽ ra sao.
Đám đông tập trung tại Thị trấn Wemding ở phía Nam nước Đức để xem khối mới nhất của công trình “Kim tự tháp Thời gian” được đặt vào đúng chỗ - Ảnh: Felix Schmitt/The New York Times
Thoạt nhìn, những khối bê tông hình trụ xám xịt có vẻ như là một công trình bỏ hoang trơ móng. Ấy vậy mà hôm 09/9, khoảng 300 người tụ họp xung quanh ngọn đồi ngoài Thị trấn Wemding ở phía Nam nước Đức hồi hộp chờ đợi cần cẩu nhẹ nhàng đặt khối bê tông thứ tư bên cạnh ba khối có sẵn. Một số người còn lặn lội từ San Francisco, Mỹ, đến đây để tận mục sở thị khoảnh khắc này.
Đó chính là bộ phận mới nhất của “Kim tự tháp Thời gian” (“Zeitpyramide” trong tiếng Đức) - tác phẩm nghệ thuật do người dân Wemding hoàn thiện dần sau mỗi một thập kỷ bằng cách đặt thêm một khối bê tông 1,2m × 1,2m × 1,8m. Sau 4 khối này, cần phải đặt thêm 116 khối nữa, tức phải đến năm 3183, công trình mới hoàn thiện. Ước tính khi đó, cả “toà tháp” sẽ cao 7,5 mét.
Khi hoàn thành vào năm 3183, “Kim tự tháp Thời gian” sẽ cao 7,3 mét - Ảnh: Felix Schmitt/The New York Times
Tác giả, nghệ nhân Manfred Laber, sinh sống tại Wemding cho đến khi qua đời năm 2018. Ông đề xuất xây dựng “Kim tự tháp Thời gian” vào năm 1993 để đánh dấu kỷ niệm 1200 năm thành lập thị trấn. Manfred quy định chất liệu, kích thước, và vị trí đặt khối bê tông, nhưng tất cả các việc khác ông đều giao phó cho người dân Wemding. Năm 2003, ông cùng giới chức trách thị trấn lập ra Quỹ Kim tự tháp Thời gian Wemding (WTPF) để đảm bảo dự án vẫn đủ kinh phí duy trì ngay cả khi ông qua đời.
Mô hình “Kim tự tháp Thời gian” sau khi hoàn thành. Nghệ nhân Manfred Laber đề xuất dự án này vào năm 1993 nhằm đánh dấu 1200 năm ngày Thị trấn Wemding thành lập - Ảnh: Felix Schmitt/The New York Times
Hiện mọi người vẫn làm theo kế hoạch Laber đã vạch ra nhưng trong tương lai, theo sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật cũng như thay đổi trong tư duy, thẩm mỹ mà mọi chuyện cũng có thể đổi khác. Như người dân sau này có thể tô thêm màu hay chạm trổ lên các khối bê tông chẳng hạn. Ta khó có thể đoán trước tương lai, như người dân Wemding vào năm 793 chẳng thể hình dung thị trấn của họ năm 2023 sẽ ra sao.
Barbara Laber, con gái Manfred, nói cha mình khá an tâm khi “dự án vượt quá tầm kiểm soát của ông, để người dân thị trấn tự quyết theo những hướng ông khó có thể nghĩ tới được”.
Barbara Laber, con gái của tác giả, cho biết người cha quá cố của bà khá an tâm khi công trình “vượt quá tầm kiểm soát của ông” - Ảnh: Felix Schmitt/The New York Times
Karl-Heinz John, quản lý mảng kinh doanh xe hơi đã về hưu hiện sinh sống tại đây và tham gia lễ đặt khối bê tông hôm 09/9 cho biết ông chưa từng bỏ sót buổi lễ nào. Ông nhớ lại lúc khối đầu tiên được đặt vào năm 1993: “Nhiều người cho rằng đây là ý tưởng khá tân tiến; một số khác lại nghĩ chuyện này điên rồ hết sức.”
Barbara cho biết vấn đề nhiều người phản đối nhất là tại sao phải dùng những khối bê tông, vốn bị xem là xấu xí, thô kệch. Song, bà giải thích: “Cha tôi rất chú ý đến vật liệu xây dựng. Ông chọn bê tông bởi tính trung hoà của nó. Đây là lựa chọn dựa hoàn toàn vào công năng.” Những vật liệu khác như đá hoa cương chẳng hạn sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn, biến công trình thành “một tượng đài”.
Klaus Schlecht, thành viên WTPF đã quen biết Manfred được nhiều năm, lại nghĩ khác. Ông cho rằng nghệ nhân quá cố chỉ muốn làm thời gian trở nên hữu hình, vững chắc như những khối bê tông này vậy.
Laber không phải người Đức duy nhất hứng thú với thời gian vào cuối thế kỷ 20. Trong khoảng 1982-1987, nghệ nhân Joseph Beuys đã trồng hàng nghìn cây sồi tại Thành phố Kassel miền Trung nước Đức, tạo nên tác phẩm “7000 cây sồi”. Sau đó, vào năm 1996, nhà điêu khắc Bogomir Ecker công bố “Tropfsteinmaschine”, phiến thạch nhũ nhân tạo liên tục nhỏ nước trong suốt 500 năm, trưng bày tại Bảo tàng Hamburger Kunsthalle tại Hamburg.
Rồi nhiều nghệ nhân khác khắp Châu Âu cũng hưởng ứng trào lưu nghệ thuật dài hạn này. Vài người trong số họ đã có mặt tại Wemding hôm 09/9, bao gồm những người trông coi: một bản nhạc kéo dài 639 năm ở Halberstadt, Đức; bài thơ dần hoàn thiện trong suốt trăm năm trên các con đường lát đá ở Hà Lan; hình con ngựa vẽ bằng phấn trên ngọn đồi ở Oxfordshire, Anh, đã tồn tại hàng từ Thời đồ đồng và mỗi năm cần có người đến lo việc trùng tu; cùng một chiếc đồng hồ lớn ở Texas mất 10 thiên niên kỷ để nhích một kim.
Những công trình trên tồn tại độc lập với nhau mãi cho đến gần đây. Michael Münker, chủ một hãng phân phối thiết bị y tế tại Hà Lan, vừa qua có thành lập tổ chức Các Dự án Nghệ thuật Dài hạn (Long-term Art Projects, LTAP) nhằm tập hợp những cá nhân có liên quan đến các công trình như thế lại với nhau.
Thật ra Münker là một trong những người tổ chức “Những mẫu tự Utrecht”, bài thơ trải dài trên những phiến đá ở Utrecht, Hà Lan. Mỗi thứ Bảy lại có người thợ đến khắc thêm một chữ cái mới vào hòn đá, dựa theo tác phẩm do hội nhà thơ địa phương sáng tác nên, rồi đặt nó xuống bên cạnh những phiến có chữ. Hiện đã có hơn 1200 phiến đá như thế. Theo kế hoạch, bài thơ sẽ vượt qua 2300 ký tự, miễn là còn đủ chỗ để đặt đá và Utrecht, thành phố nằm dưới mực nước biển vài mét, vẫn chưa chìm dưới biển vào lúc đó.
Münker nói tuy biết bản thân sẽ qua đời trước khi bài thơ hoàn thành, điều đó lại thôi thúc ông thực hiện công trình này: “Việc “truyền lại” công trình nghệ thuật từ đời này sang đời khác thật sự quý giá. Tất cả những dự án như thế này đều có tầm nhìn trải dài hơn trăm năm. Bạn không thể chỉ thực hiện chúng một mình được.”
Một số quan khách lặn lội từ San Francisco, Mỹ, đến chứng kiến sự kiện hôm 09/9 - Ảnh: Felix Schmitt/The New York Times
Phát biểu tại sự kiện hôm 09/9, Münker cho rằng những công trình như “Kim tự tháp Thời gian” nhắc mọi người nhớ rằng mỗi thế hệ đều có trách nhiệm với tương lai, đều có thể để lại những di sản và cơ hội cho con cháu nắm bắt và phát huy, hay làm cản trở những khả năng tiềm tàng: “Các thế hệ tương lai trên thực tế chưa có quyền gì cả; và không một ai có thể ngăn chúng ta làm chúng khốn đốn. Nhưng đừng làm vậy, hãy là bậc cha ông tốt.”
Người dân Wemding nhớ lại mỗi khối đá đánh dấu sự trưởng thành của họ như thế nào - Ảnh: Felix Schmitt/The New York Times
Tập trung tại sự kiện đặt khối bê tông là nhiều thế hệ cư dân Wemding: từ trẻ em, phụ huynh, cho đến ông bà. Trước khi buổi lễ bắt đầu, nhiều bạn trẻ leo lên đứng trên các khối bê tông đã cố định từ năm 1993, 2003, và 2013, nhảy qua nhảy lại giữa chúng. David Dinkelmayer, cậu bé 9 tuổi tham gia vào trò vui, đặt chú gấu bông trên một khối bê tông và để nó ở lại ngay cả khi khối mới nhất được đặt xuống. Mẹ cậu, Claudia Dinkelmayer, nhớ như in khoảnh khắc khối bê tông đầu tiên được cố định, lúc bà mới 5, 6 tuổi. Người dân thị trấn xem mỗi khối bê tông như cột mốc đánh dấu cuộc đời họ.
Sau khi mọi người đã rời đi, một vài đường graffiti bắt đầu xuất hiện trên khối bê tông mới. Nhiều người dùng bùn ghi lại ngày tháng khối bê tông hạ thổ. Rồi tất cả những vết tích này cũng sẽ phai mờ theo thời gian. Và tất cả những ai đã đến tham dự buổi lễ hôm ấy rồi cũng sẽ về với cát bụi. Nhưng những khối bê tông vẫn sẽ còn đó trong 1200 năm tiếp theo: minh chứng sắt thép về dòng chảy thời gian chậm chạp.
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)