Ở thành phố được biết đến với những điều bậc nhất, việc ai đó ở Dubai dự định xây dựng một công trình lớn nhất thế giới cũng là chuyện rất bình thường. Nhưng không giống những tòa nhà chọc trời hay hồ bơi sâu thẳm khác, dự án lần này không đơn giản chỉ là một công trình kiến trúc thông thường, mà còn là một sự thành công trong việc bảo tồn đại dương.
Mô phỏng của Dubai Reefs - địa điểm du lịch sinh thái cũng như hệ sinh thái hấp dẫn dưới nước - Ảnh: URB
Dubai Reefs được quảng bá là dự án bảo tồn đại dương lớn nhất thế giới; dự kiến xây dựng 77 dặm vuông rạn san hô nhân tạo, là nhà của hơn một tỉ loài san hô và 100 triệu cây đước.
Dự án được công bố bởi URB - công ty phát triển các thành phố bền vững có trụ sở tại Dubai, có các thiết kế bao gồm cả đại lộ trong nhà dành cho xe đạp ở Dubai và các thành phố bền vững khác ở Ai Cập và Nam Phi.
“Về mặt bản chất, thành phố sẽ gắn liền với đại dương. Chúng ta cần tư duy kinh doanh trong việc hoạch định các thành phố ven biển”, Tổng giám đốc điều hành URB - Baharash Bagherian trả lời CNN qua email.
Ảnh: URB
Bên cạnh các rạn san hô nhân tạo, URB đã thiết kế nơi ở, nhà hàng khách sạn, cơ sở kinh doanh và nhiều nơi nghỉ dưỡng sinh thái khác.
Tại trung tâm của dự án sẽ là viện hải dương, phục vụ công tác nghiên cứu đại dương và bảo vệ môi trường biển Dubai.
URB cho biết nơi này sẽ được cấp điện bằng năng lượng tái tạo100% từ mặt trời, thủy điện và sóng biển.
Nếu công trình được khởi công, các nhà phát triển mong chờ dự án hoàn thành tới năm 2040, nhưng họ ghi nhận rằng sẽ có nhiều thách thức trong việc đảm bảo nguồn tài trợ tư nhân và tất cả mọi người ở mọi mức thu nhập được tiếp cận.
“Dubai Reefs hướng đến một kế hoạch chi tiết cho việc bảo vệ biển, du lịch sinh thái và môi trường đại dương. Cuối cùng, nó sẽ trở thành một điểm đến có khả năng phục hồi độc đáo, cung cấp an ninh lương thực và năng lượng từ đại dương, đồng thời tạo điều kiện cho một nền kinh tế xanh hơn”, ông Bagherian cho biết.
Việt An
(Lược dịch)