Trang chủ»Văn học - Nghệ thuật»Mỹ thuật (kiến trúc)

Mỹ thuật (kiến trúc)

Kiến trúc sư Tadao Ando

Khi nhắc đến việc định hình kiến trúc Nhật Bản ngày nay, có lẽ không có cái tên nào mang tính biểu tượng hơn Tadao Ando - vị kiến trúc sư từng mơ ước trở thành một võ sĩ. Tuy nhiên, khi nhận ra đam mê của bản thân dành cho thiết kế, Tadao Ando quyết định theo nghề kiến trúc mặc dù ông chưa bao giờ được đào tạo chính quy.

Với cách tiếp cận không chính thống trong thiết kế, Tadao đã chứng minh ông chính là người hết lần này đến lần khác thúc đẩy ranh giới của kiến trúc. Song song với việc tạo ra những nhà thờ hùng vĩ và những ngôi đền mang hơi thở cuộc sống, Ando là một trong kiến trúc sư có công lớn nhất trong việc thúc đẩy sự hồi sinh của Naoshima, góp phần biến Nhật Bản thành điểm đến để chiêm ngưỡng nghệ thuật đương đại hàng đầu trên thế giới.

Để hiểu rõ hơn về tài năng của vị kiến trúc sư tự học có tầm ảnh hưởng nhất nền kiến trúc Nhật Bản đương đại này, chúng tôi đã tập hợp một bách khoa toàn thư về Ando. Từ khi ông còn là một võ sư và tài xế xe tải - những công việc góp phần định hình sự nghiệp kiến trúc tương lai của ông, cho đến khi ông hoàn thành 10 tòa nhà mà bạn nên ghé thăm khi đến Nhật Bản.

Tadao Ando là ai?



Ảnh: japanobjects.com

Việc Ando tiến lên đài danh vọng kiến trúc là vô tiền khoáng hậu. Kiến trúc sư nhìn xa trông rộng này sinh năm 1941 tại Osaka, ông lớn lên trong thời kỳ Nhật Bản hồi phục sau Thế chiến II. Ando lần đầu chú ý đến kiến trúc là vào năm 15 tuổi khi ông đọc phác thảo của Le Corbusier, một kiến trúc sư, nhà thiết kế, họa sĩ và nhà quy hoạch đô thị người Thụy Sĩ - Pháp.

Tuy nhiên, chàng trai trẻ không chọn làm kiến trúc ngay thời điểm đó, thay vào đó, ông lại làm một loạt các công việc kỳ lạ. Trong một cuộc phỏng vấn với Tatler, Ando chia sẻ: “Để trở thành kiến trúc sư giỏi, quan trọng nhất là phải xem, tham khảo thật nhiều cảnh quan, kiến trúc - du lịch để góp phần tạo nên một kiến trúc sư. Tôi chọn trở thành một võ sĩ quyền anh vì các trận đấu cho phép tôi đi du lịch nước ngoài và trải nghiệm các phong cách kiến trúc khác nhau.”

Ando chưa bao giờ được đào tạo chính quy tại bất kỳ học viện kiến trúc nào mà chỉ tự học bằng sách. Sự khao khát kiến thức của ông mạnh mẽ đến nỗi để tiết kiệm tiền mua sách, Ando đã nhịn ăn một bữa mỗi ngày. Đến năm 1969, ông đủ tự tin vào các kỹ năng tự học nên ông quyết định mở studio thiết kế đầu tiên - Tadao Ando Architectural & Associates.

Đặc điểm kiến trúc của Tadao Ando



Ảnh: 663highland / Creative Commons, Suntory Museum

Ando chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng “kiến trúc là thứ cần được trải nghiệm bằng cả 5 giác quan - chứ không phải chỉ bằng mắt nhìn”. Các công trình của ông đều mang tính biểu tượng và dễ nhận biết, nhưng đồng thời, cũng không bao giờ mang đến cảm giác hụt hẫng, có rất nhiều lý do giải thích cho việc này. Các tác phẩm Ando luôn có chứa đựng một hệ tư tưởng nền tảng vững chắc, cái mà ông gọi là hình học thuần túy. Trong suốt quá trình định hình mọi góc cạnh của từng tác phẩm, Ando luôn chú ý đến từng chi tiết tự nhiên xung quanh tòa nhà, cái quyết định hình dạng của thành phẩm.



Ảnh: 663highland / Creative Commons, Hyogo Prefectural Museum of Art

Lý thuyết về hình học thuần túy có nghĩa là về cơ bản việc thiết kế một tòa nhà phải hoàn hảo đến mức nó không chỉ nhìn đẹp, mà còn tạo điều kiện để người xem trải nghiệm mọi thành tố của môi trường xung quanh. Ông muốn mọi người trải nghiệm lại các yếu tố tự nhiên và tiềm thức như gió và ánh sáng. Nhiều tác phẩm lấy nước làm trung tâm là ví dụ điển hình về khả năng của Ando trong việc đan xen các yếu tố tự nhiên với các yếu tố nhân tạo.



Ảnh: Alex Roman, Chichu Art Museum, Naoshima, from his book From Bits to the Lens

Thẩm mỹ Zen đến từ triết lý của Thiền tông, nói một cách đơn giản, nó đề cao vẻ đẹp của sự đơn giản. Triết lý của Zen là đặc trưng của nền văn hóa truyền thống; là chủ nghĩa tối giản trong nghệ thuật nổi tiếng của Nhật Bản, nhấn mạnh sự “ít là nhiều”. Trong dáng vẻ trần trụi, các tòa nhà bê tông của Ando tự thân chúng mang vẻ đẹp phản ánh thiên hướng hướng về thiên nhiên của ông.

Ngô Tuấn
(Lược dịch)

SIU Review - số 140

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán