Trang chủ»Văn học - Nghệ thuật»Mỹ thuật (kiến trúc)

Mỹ thuật (kiến trúc)

Những tác phẩm bắt đầu thuộc sở hữu cộng đồng từ năm 2024

Khi 2023 qua đi và 2024 mới đến, rất nhiều công trình sáng tạo nghệ thuật bắt đầu thuộc sở hữu cộng đồng. Tại một số quốc gia, các tác phẩm của Picabia và Picasso đã gia nhập phạm vi công cộng.



Hình ảnh Chuột Mickey trong đoạn phim “Steamboat Willie” nổi tiếng - Ảnh: artnet.com

Còn tại Mỹ, nơi quyền tác giả được thực hiện nghiêm ngặt và kéo dài nhất thế giới, những tác phẩm nào được tạo ra trong khoảng 1924-1978 đều được bảo vệ đến 95 năm kể từ ngày phát hành. Điều đó có nghĩa các tác phẩm ra mắt năm 1928 giờ đã thuộc về sở hữu cộng đồng.

Vậy là tranh của Georgia O’Keefe (qua đời năm 1986) và Edward Hopper (qua đời năm 1967) giờ đã nhập vào phạm vi công cộng. Ngoài ra còn có thể kể đến các tác phẩm “The Empty Mask” (tạm dịch: “Mặt nạ rỗng”) của René Magritte, “Tower of Babel” (tạm dịch: “Tháp Babel”) của M.C. Escher, và tranh bút mực của Henri Matisse.

Tiểu thuyết “Nadja” của André Breton, nhà văn tiên phong, kiến tạo trường phái siêu thực, giờ cũng thuộc về phạm vi công cộng, tương tự là sách tranh “Millions of Cats” (tạm dịch: “Hàng triệu con mèo”) của Wanda Gág và chuyên khảo nhiếp ảnh “Urformen der Kunst” (tạm dịch: “Các nguyên mẫu nghệ thuật”) của Karl Blossfeldt.

Canada cùng phần lớn Châu Âu và Nam Mỹ bảo vệ tác quyền đến 70 năm sau ngày mất của tác giả. Tại Tây Ban Nha, số năm là 80. Còn với hầu hết các nước Châu Á và Châu Phi, cũng như Belarus, thì chỉ có 50 năm. Nói cách khác, những tác phẩm năm nay mới bắt đầu thuộc sở hữu cộng đồng tại Mỹ đã không còn được bảo vệ tác quyền tại đa số các quốc gia trên thế giới. Hiện Mỹ vẫn tiếp tục bảo vệ tác quyền của khá nhiều tác phẩm đã thuộc về phạm vi công cộng ở những nơi khác.

Đối với những quốc gia áp luật 70 năm, 2024 đánh dấu các tác phẩm của danh hoạ Francis Picabia (trường phái lập thể và Dada), nhà điêu khắc Vera Mukhina người Latvia, và hoạ sĩ đồ hoạ Edmund Dulac gia nhập phạm vi công cộng. Tất cả những vị này đều qua đời năm 1953.

Còn với những nước ra luật bảo vệ tác quyền 50 năm sau khi tác giả qua đời, 2024 là năm toàn bộ tranh của Picasso đều gỡ bảo vệ tác quyền. Những tên tuổi khác cũng mất năm 1973 bao gồm hoạ sĩ Asger Jorn người Đan Mạch, hoạ sĩ hiện đại Tarsila do Amaral người Brazil, và hoạ sĩ truyện tranh Chic Young - cha đẻ dòng truyện “Blondie”.

Song, tác phẩm quan trọng nhất gia nhập phạm vi cộng đồng năm nay chính là các phiên bản Chuột Mickey và Minnie đầu tiên, xuất hiện trong hai đoạn hoạt hình “Steamboat Willie” và “Plane Crazy”. Mọi người giờ đã có thể sử dụng Chuột Mickey - tất nhiên là chỉ áp dụng với nét vẽ trong hai đoạn phim trên - cho bất cứ mục đích nào mà vẫn không lo bị Disney “bắt thóp”.

Jennifer Jenkins, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phạm vi Công cộng tại Đại học Duke, có viết bài báo về việc người ta mong chờ Chuột Mickey thuộc sở hữu cộng đồng còn hơn cả Sherlock Holmes hay Gấu Pooh và Hổ Tigger - những nhân vật hư cấu cũng được gỡ bảo vệ tác quyền trong năm nay.

Bài báo có đoạn: “Disney là nhân tố khiến quyền tác giả kéo dài đến 95 năm; đến mức đạo luật bảo vệ tác quyền còn có tên gọi “Luật Bảo vệ Chuột Mickey”. Nhiều học giả đã chỉ trích đạo luật này, cho rằng chúng làm đình trệ kinh tế, gây ra hậu quả khôn lường cho công tác số hoá, lưu trữ, và cho công chúng tiếp cận di sản văn hoá của nhân loại.” Theo nhận xét của Jenkins, trớ trêu thay, giờ Disney lại là tập đoàn “ăn nên làm ra nhất nhờ phát triển những tác phẩm thuộc phạm vi công cộng”.

Chuột Mickey bản “Steamboat Willie” 1928 vừa thuộc sở hữu cộng đồng chưa tới một ngày, bộ phim kinh dị xoay quanh nhân vật này đã được thông báo sẽ ra mắt trong năm nay. Hiện bộ phim vẫn chưa được đặt tên.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 137

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán