Trang chủ»Văn học - Nghệ thuật»Mỹ thuật (kiến trúc)

Mỹ thuật (kiến trúc)

Trạm không gian nổi của Nhật Bản có thể mang việc du hành vũ trụ đến thành phố

Tòa tháp hình trụ bằng kính và thép nhô lên khỏi những tấm pin mặt trời trên mái nhà hình tròn khổng lồ của cảng hàng không vũ trụ Spaceport City 4 tầng mang dáng dấp của trường phái vị lai.

Cảng hàng không vũ trụ mọc lên từ một hòn đảo nổi, với những tòa nhà chọc trời của khu đô thị viễn tưởng Nhật Bản ở đằng sau. Công trình được thiết kế để đưa khách du lịch vào không gian với những chuyến đi trong ngày, nơi họ có thể nhìn ngắm mái nhà khổng lồ của tòa nhà, cũng như đường cong chói lòa của Trái Đất và trải nghiệm cảm giác không trọng lực.



Ảnh: Space Port Japan Association, Dentsu, Canaria and Noiz Architects

Nếu việc này nghe giống như viễn cảnh trong tương lai thì điều đó là sự thật. Noiz Architects - công ty thiết kế lên ý tưởng này cùng với sự hợp tác của công ty truyền thông Dentsu, các nhà thiết kế Canaria và tổ chức phi lợi nhuận Spaceport Japan - hy vọng rằng những năm tới sẽ có một thế hệ sân bay vũ trụ mới được xây dựng như một phần của cảnh quan đô thị.

Cảng hàng không vũ trụ sẽ có nhiều chức năng hơn là chỉ mang đến chuyến phiêu lưu “có một không hai” cho những khách du lịch đam mê khám phá. Theo Urszula Kuczma, giám đốc dự án của Noiz Architects, đây là một điểm đến cho những chuyến đi trong ngày với cơ sở vật chất giáo dục và phong cách sống được thiết kế để giúp du khách trở nên "quen thuộc hơn với không gian".



Phần mái của sân bay vũ trụ sẽ được bao phủ bởi các tấm pin mặt trời - Ảnh: Space Port Japan Association, Dentsu, Canaria and Noiz Architects

Một không gian đa năng gồm các cơ sở kinh doanh và nghiên cứu, học viện, cửa hàng, khách sạn, nhà hàng theo phong cách du hành vũ trụ, rạp chiếu phim 4D IMAX, bảo tàng nghệ thuật, phòng tập gym, thủy cung và vũ trường - dĩ nhiên tất cả đều theo chủ đề không gian.

Theo Kuczma, để sân bay vũ trụ có thể tiếp cận, thiết kế của Noiz Architects kết hợp với mạng lưới phương tiện giao thông công cộng, một hệ thống các cây cầu dành riêng cho ô tô điện và tàu tự hành, kết hợp liền mạch hòn đảo nổi với thành phố. Cô cho biết, ý tưởng này kích thích cơ hội kinh tế, đồng thời truyền cảm hứng cho mọi người khám phá các khả năng của công nghệ và những điều kỳ diệu của không gian.

Những chuyến đi vào không gian

Không giống như những bệ phóng tên lửa thẳng đứng thông thường mà chúng ta liên tưởng về việc du hành không gian, Spaceport City được thiết kế cho những con tàu du hành không gian với dáng vẻ giống như máy bay và cất cánh theo chiều ngang.

Các chuyến đi thương mại vào không gian dưới quỹ đạo hiện chưa sẵn sàng để thực hiện, nhưng các công ty gồm Blue Origin và Virgin Galactic đang thử nghiệm các loại chuyên cơ bay - và đó là phương tiện mà Spaceport City thiết kế. Công ty đã thực hiện một vài chuyến bay thử nghiệm và đã có trên 600 hành khách đăng ký với giá 250 nghìn USD/chỗ ngồi trong một chuyến bay du hành không gian với thời lượng 90 phút. Họ hy vọng kế hoạch này sẽ được khởi động sớm vào đầu năm sau.



Sân bay vũ trụ được thiết kế giống như một sân bay, dành cho tàu vũ trụ cất cánh theo chiều ngang - Ảnh: Space Port Japan Association, Dentsu, Canaria and Noiz Architects

Công ty cho biết tàu vũ trụ của họ sẽ bay với độ cao ít nhất 80 km từ Trái Đất, và các nhà du hành có thể rời khỏi chỗ ngồi một vài phút để cảm nhận trạng thái không trọng lực.

Trong khi các chuyến bay vào không gian chưa đầy 2 giờ, những người hy vọng ngắm nhìn các vì sao phải trải qua 3 ngày huấn luyện trước khi cất cánh, Virgin Galactic cho hay.

Các kế hoạch dành cho Spaceport City của các kiến trúc sư đến từ Noiz Architects bao gồm cơ sở hạ tầng để giúp các nhà du hành không gian này chuẩn bị sẵn sàng. Cô cho biết thêm, du hành không gian có thể có khá nhiều thách thức về mặt thể chất cũng như tâm lý, vì vậy việc kiểm tra sức khỏe tại cơ sở y tế, việc huấn luyện trong phòng tập và việc đào tạo không gian có thể là một phần cho sự chuẩn bị trước cho các chuyến bay.

Địa điểm

Spaceport City không phải là dự án trạm không gian đô thị đầu tiên. Ở Houston, thành phố lớn thứ tư ở Hoa kỳ và là ngôi nhà của chương trình huấn luyện phi hành gia của NASA, họ đang tiến hành biến đổi sân bay Ellington thành một trạm không gian thương mại, và Cảng Hàng không và Vũ trụ Colorado (CASP) chỉ cách 30 phút lái xe từ trung tâm thành phố Denver.

Những trạm không gian này tọa lạc gần các thành phố để thu hút các doanh nghiệp liên quan đến không gian và du hành vũ trụ - một khi các chuyến bay thương mại được đưa vào hoạt động.



Ảnh: Space Port Japan Association, Dentsu, Canaria and Noiz Architects

Ông Hidetaka Aoki, giám đốc Spaceport Japan, cho biết: “Spaceport City được thiết kế để giới thiệu những lợi ích của các sân bay vũ trụ đô thị, giúp người dân thành phố lên tàu với việc có một sân bay vũ trụ ngay trước cửa nhà của họ.”

Ông Aoki cho biết thêm, sự phản đối của người dân đã khiến một vài dự án trạm không gian ở nhiều nước gặp khó khăn. Tuy nhiên, các trạm không gian đô thị có thể kích hoạt các chuyến bay liên kết điểm chẳng hạn như bay từ Hồng Kông đến Los Angeles chỉ mất 1 giờ. Loại hình du lịch vũ trụ này vẫn còn tồn tại trong nhiều thập kỷ, nhưng Spaceport Japan muốn các dự án như Spaceport City đặt nền móng trong việc thay đổi nhận thức và "giáo dục" công chúng về "lĩnh vực kinh doanh tiềm năng".

Liệu các yếu tố trong thiết kế của Noiz Architects có được đưa vào sân bay vũ trụ của tương lai hay không vẫn còn phải chờ xem xét, nhưng dự án là bước khởi đầu cho các cuộc thảo luận rằng công cuộc du hành không gian sẽ trông như thế nào trong tương lai.

Kuczma hy vọng rằng nó sẽ cho “mọi người một góc nhìn và giúp họ sẵn sàng cho một khái niệm về không gian như một phần của cảnh quan đương đại.”

Vân Anh
(Lược dịch)

123456789[10]...18  

SIU Review - số 137

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán