Trang chủ»Nhân vật - Sự kiện

Nhân vật - Sự kiện

Cleopatra

Cleopatra, Nữ hoàng Ai Cập, là một trong những người phụ nữ nổi tiếng nhất trong lịch sử thế giới. Tên đầy đủ của bà là Cleopatra VII Thea Philopator (sinh năm 69 trước Công Nguyên và mất ngày 12 tháng 8 năm 30 trước Công Nguyên). Bà là vị Pharaoh cuối cùng của Ai Cập và là vị Pharaoh duy nhất lên ngôi nhờ Alexander Đại đế. Sau khi bà qua đời, Ai Cập trở thành tỉnh Aegyptus của La Mã.



Ảnh: kids.kiddle.co

Nguồn thông tin lịch sử về cuộc đời bà là tác phẩm “Cuộc Đời Của Antony” do triết gia Plutarch viết, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau. Câu chuyện tình yêu của Cleopatra và Antony là câu chuyện bi kịch nổi tiếng được viết lại bởi William Shakespeare, và nhiều người tin rằng nó đã được viết ra trong khoảng thời gian giữa năm 1603 và năm 1607. Bản in đầu tiên của tác phẩm này xuất hiện vào năm 1623.

Cuộc đời của Cleopatra

Cleopatra được sinh ra tại Alexandria, khi đó là thủ đô của Ai Cập. Khi bà 18 tuổi, cha của bà - vị vua của Ai Cập qua đời. Bà và em trai, Ptolemy XIII, trở thành những nhà lãnh đạo của Ai Cập. Bà trở thành nữ hoàng và em trai trở thành vị vua của Ai Cập. Vì em trai chỉ mới 12 tuổi, nên bà là nhà lãnh đạo duy nhất của Ai Cập.

Cleopatra có vài kẻ thù trong số triều thần của mình. Sự thống trị của Cleopatra bị chấm dứt bởi âm mưu tạo phản của một số quan viên trong triều, dẫn đầu là thái giám Pothinus. Họ loại bỏ Cleopatra và biến Ptolemy trở thành nhà lãnh đạo duy nhất của đất nước, trong khoảng thời gian từ năm 51 đến năm 48 trước Công Nguyên. Bà đã phải rời bỏ đất nước. Tuy Ptolemy là vua Ai Cập nhưng do cậu chỉ là cậu nhóc 12 tuổi, cho nên những nhà lãnh đạo thực sự của Ai Cập giờ đây là Pothinus và đồng bọn của hắn.

Caesar và Pompey

Trong thời gian đó, hai vị tướng La Mã đang đấu tranh với nhau để tranh giành quyền lực cai trị Cộng hòa La Mã là Pompey và Julius Caesar. Julius Caesar đã đánh bại Pompey tại trận Pharsalus ở Hy Lạp vào năm 48 trước Công nguyên. Pompey bỏ trốn sang Ai Cập từ Pharsalus, và bị tiêu diệt theo lệnh của Ptolemy.

Ptolemy và những người ủng hộ cậu nghĩ rằng Caesar sẽ hài lòng vì việc này nhưng điều này lại là một sai lầm lớn. Caesar đã ân xá nhiều nghị viên chống lại ông, vì ông muốn thiết lập lại hòa bình cho Rome. Việc sát hại Pompey đã làm đổ vỡ kế hoạch của Caesar. Tệ hơn, Pompey lại là lãnh tướng của La Mã, và là người chồng góa bụa của cô con gái duy nhất của Caesar, tên là Julia. Tệ hơn nữa, Pompey bị chém đầu trước mắt người vợ thứ năm của Pompey và bọn trẻ, khi ông vừa bước xuống tàu. Điều này chắc chắn sẽ khiến cho gia đình và những người ủng hộ đầy quyền lực của Pompey sẽ không bao giờ quên và trở thành kẻ thù không đội trời chung của Caesar.

Sau đó, Caesar đến Alexandria, thủ phủ của Ai Cập. Trên danh nghĩa kinh tế, Ai Cập là giỏ đựng bánh mỳ để nuôi sống cư dân của thành Rome. Cleopatra đã tiếp cận Caesar theo cách riêng của bà. Bà đã nằm trên một cái thảm. Sau đó, những người hầu cận đã quấn tròn cái thảm với Cleopatra nằm bên trong. Sau đó cuộn thảm đã được mang đến tòa cung điện nơi Caesar đang ở. Nhờ vậy, lính canh sẽ chỉ nhìn thấy những người mang thảm mà không kiểm tra. Khi cuộn thảm được mang đến cho Caesar, Cleopatra đã bước ra khỏi tấm thảm và Ceasar nhanh chóng phải lòng với Cleopatra. Họ sau đó trở thành một cặp tình nhân. Trong khoảng thời gian đó, Cleopatra chỉ mới 21 tuổi và Ceasar đã 52 tuổi.

Caesar quyết định giúp Cleopatra trở thành nữ hoàng Ai Cập một lần nữa, và Ptolemy không thích điều này. Đã có nhiều trận chiến nảy lửa nổ ra, nhưng Caesar đã chiến thắng. Ptolemy đã cố rời khỏi, nhưng cậu đã rơi xuống sông Nile và chết đuối. Một người em trai khác đã thế vào vị trí vua của Ai Cập nhưng Cleopatra lại trở thành nhà lãnh đạo tối cao của đất nước này một lần nữa. Cleopatra không kết hôn với Julius Caesar nhưng giữa họ có một người con trai là Caesarion.

Ngay sau khi Caesarion được sinh ra, Caesar đã bị ám sát khi ông đến tòa nghị viện ở Rome. Cleopatra và đoàn tùy tùng của bà đã ở Rome khi Caesar bị ám sát vào ngày 15 tháng 3 năm 44 trước Công Nguyên. Cleopatra đã trở về Ai Cập.

Mark Antony và Octavian

Mark Antony, vị chỉ huy quân đội của Caesar, và Octavian, người thừa kế hợp pháp của Caesar, đã đánh trả nhóm quân nhân chống lại Caesar. Đội quân này do Brutus và Cassius dẫn đầu và di chuyển tới vùng Đông Địa Trung Hải và kiểm soát hầu hết khu vực tại đây. Vấn đề cuối cùng đã được giải quyết bằng Trận Philippi ở Macedonia.

Địa vị của Caesar được đảm nhiệm bởi 3 vị Lãnh tướng chung, hay còn gọi là Tam vị thứ hai. Danh tính của họ là Octavian, Mark Antony và Lepidus. Lepidus chỉ là một nhân vật phụ, và số phận lâu dài của Đế chế được quyết định bởi cuộc xung đột giữa Antony và Octavian. Mark Antony đến gặp Cleopatra và họ đã yêu nhau dù Antony đã có vợ. Cleopatra có thêm ba người con với Mark Antony, và hai trong số đó là anh em sinh đôi.

Xung đột giữa Octavian và Antony trở nên nghiêm trọng, và nhanh chóng xảy ra chiến tranh. Cleopatra rất giàu có, và bà đã dùng tiền của mình để giúp Antony. Nhưng Octavian đã chiến thắng trong cuộc chiến. Ông trở thành người cai trị Đế chế La Mã và được gọi là Augustus hoặc Caesar Augustus. Ông nắm quyền kiểm soát Ai Cập từ Cleopatra. Sau khi vương quốc của bà bị chinh phục, bà đã tự sát bằng cách để một con Vipera aspis (một con rắn độc) cắn mình và Antony cũng tự sát.

Ceasarion bị giết bởi Octavian, và những đứa con khác của bà bị bắt làm tù nhân ở Rome. Hai người trong số họ chết vì bệnh tật, nhưng con gái của bà, Cleopatra Selene II, đã kết hôn với Vua Phi Juba II của Numidia. Hai vợ chồng được gửi đến Mauritania để chịu sự cai quản của Octavian. Họ đã sống một cuộc sống hạnh phúc với những người con.

Có rất nhiều câu chuyện được kể về Cleopatra giàu có như thế nào, nhưng chúng ta không thể chắc chắn những điều này có đúng hay không. Ví dụ, một câu chuyện nói rằng bà ấy đã tắm bằng sữa để có một làn da mềm mịn. Một câu chuyện khác kể rằng bà đã đặt cược với Antony rằng bà có thể làm bữa ăn đắt nhất từ trước đến nay. Để thắng cược, bà lấy một chiếc bông tai bằng ngọc trai, hòa tan trong giấm và uống.

Cái chết của Cleopatra

Các nguồn cổ xưa, đặc biệt là các nguồn của người La Mã, nói chung đều thống nhất rằng Cleopatra đã tự sát bằng cách để một con Vipera aspis (rắn hổ mang Ai Cập) cắn mình. Nguồn tin lâu đời nhất là của Strabo, một người còn sống tại thời điểm xảy ra sự kiện và thậm chí có thể đã ở Alexandria. Ông ta nói rằng có hai câu chuyện - rằng bà ấy bôi một loại thuốc mỡ độc hại hoặc bà ấy bị cắn bởi một con Vipera aspis - nhưng ông ta nói trong các bài viết của mình rằng ông ta không chắc liệu Cleopatra đã đầu độc chính mình hay bị sát hại.

Một số nhà thơ La Mã viết trong vòng 10 năm sau sự kiện này đã đề cập đến vết cắn của hai con rắn Vipera aspis, cũng như Florus, một nhà sử học, khoảng 150 năm sau đó. Velleius, 60 năm sau sự kiện, cũng đề cập đến một con Vipera aspis. Các tác giả khác đã đặt câu hỏi về giai đoạn lịch sử này, nói rằng có thể Augustus đã giết bà ấy.

Vào năm 2010, nhà sử học người Đức Christoph Schaefer đã thách thức tất cả các giả thuyết khác, tuyên bố rằng nữ hoàng thực sự đã bị đầu độc và chết vì uống một hỗn hợp chất độc. Sau khi nghiên cứu các văn bản lịch sử và tham khảo ý kiến của các nhà chất độc học, nhà sử học kết luận rằng Vipera aspis không thể gây ra cái chết nhanh chóng và không đau đớn theo hầu hết các nguồn tin, vì nọc độc của Vipera aspis làm tê liệt các bộ phận của cơ thể, bắt đầu từ mắt, trước khi gây ra cái chết thực sự. Trước khi chết, Cleopatra có thể vẫn còn nhận thức về tác động dữ dội và đau đớn của vết cắn có nọc độc của Vipera aspis, vì vậy không chắc đó là nguyên nhân dẫn đến cái chết của bà.

Vân Anh
(Lược dịch)

SIU Review - số 140

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán