Trang chủ»Nhân vật - Sự kiện

Nhân vật - Sự kiện

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông

Hải Thượng Lãn Ông là biệt hiệu của danh y Lê Hữu Trác - Danh nhân Việt Nam thế kỷ XVIII được nhiều người kính trọng. Ông tinh thông y học, văn chương và là tấm gương mẫu mực về y đức.



Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Ảnh: hungyentv.vn

Lê Hữu Trác (1720 - 1791) có tên khác là Lê Hữu Huân, sinh ngày 11/12/1720 tại thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Ông là người con thứ bảy trong gia đình có truyền thống khoa bảng: ông nội, bác, chú, anh và em họ đều đỗ Tiến sĩ và làm quan to. Thân sinh Lê Hữu Mưu của ông từng đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ, làm Thị lang Bộ Công triều Lê Dụ Tông, gia phong chức Ngự sử, tước Bá, khi mất được truy tặng hàm Thượng thư. Lê Hữu Trác từ nhỏ cũng đã nuôi chí hướng tiến thân bằng con đường khoa cử nên rất chăm chỉ đèn sách.

Được theo cha học tập ở kinh kỳ, Lê Hữu Trác sớm nổi tiếng thông minh, kiến thức uyên bác ở nhiều lĩnh vực. Nhưng chứng kiến xã hội rối ren, chiến tranh liên miên, triều chính khủng hoảng, dân tình đói khổ, ly tán... khiến ông thay đổi nhận thức. Từ chối vinh hoa, chức tước, ông quyết định về quê mẹ, vừa trông nom gia đình, vừa đọc sách, làm thơ, chữa bệnh cứu người.

Biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông cũng bắt nguồn từ đây. Hải Thượng lấy theo nguyên quán của ông là phủ Thượng Hồng, Hải Dương; Thượng cũng còn có nghĩa là thôn Bàu Thượng, quê mẹ ở Hương Sơn. Lãn Ông có nghĩa là ông già lười. Vốn là người thông minh học rộng, ông am tường y học. Say mê với y học giúp ông nhận ra nghề y không chỉ lợi ích cho mình mà có thể giúp người đời.

Hàng ngày ông tận tụy với người bệnh, không quản đêm hôm mưa gió, đường sá xa xôi cách trở hay khi bản thân dù mệt mỏi, ông vẫn kiên trì đến tận nơi, xem bệnh rồi mới cho thuốc. Ông tự đặt ra cho người thầy thuốc chân chính tám chữ “Nhân - Minh - Đức - Trí - Lượng - Thành - Khiêm - Cần (tức là nhân ái, sáng suốt, đức độ, hiểu biết, rộng lượng, thành thực, khiêm tốn, cần cù), đồng thời tránh 8 tội: lười biếng, keo kiệt, tham lam, dối trá, dốt nát, bất nhân, hẹp hòi, thất đức.

Cùng với việc cứu chữa bệnh và là tấm gương mẫu mực về y đức, Hải Thượng Lãn Ông còn là người đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam đặt nền móng xây dựng y thuật. Đúc kết tinh hoa của y học nhân loại và y dược cổ truyền Việt Nam, ông đã để lại cho đời sau bộ “Y tôn tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển bao gồm đủ các mặt về y học: Y đức, Y lý, Y thuật, Dược, Di dưỡng. Bên cạnh đó, ông đã sưu tầm, phát hiện và bổ sung 300 vị thuốc nam, thu thập tổng hợp 2.854 phương thuốc hay của các bậc tiền bối lưu truyền trong dân gian.

Lê Hữu Trác còn là một nhà văn xuất sắc. Nổi tiếng với tác phẩm “Thượng kinh ký sự” bằng chữ Hán ghi chép lại những sự kiện, những điều mắt thấy tai nghe khi ông lên kinh đô chữa bệnh cho nhà chúa.

Ông qua đời vào ngày rằm tháng Giêng năm Tân Hợi (1791) tại Bầu Thượng (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), thọ 71 tuổi. Mộ ông nay còn nằm ở khe nước cạnh chân núi Minh Từ thuộc xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn.



Tượng đài Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại xã Hương Sơn - Ảnh: huongson.gov.vn

Nêu gương sáng tài cao đức rộng của danh y Hải Thượng Lãn Ông, bắt đầu từ năm 2000, ngày 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm được chọn là Ngày truyền thống y dược học cổ truyền Việt Nam. 

Thùy Giang
(Tổng hợp)

SIU Review - số 137

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán