Trong giai đoạn cả thế giới cùng chung tay đẩy lùi sự lây lan của virus Corona và chiến đấu với dịch bệnh viêm phổi cấp Covid-19 do chủng virus mới này gây ra, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại sự hoành hành của đại dịch SARS đã gây ra những nỗi lo sợ cho toàn cầu vào những năm 2002 - 2003.
SARS là chữ viết tắt của Hội chứng hô hấp cấp tính nặng, được gây ra bởi virus SARS. Trường hợp đầu tiên ghi nhận nhiễm bệnh SARS được phát hiện vào cuối năm 2002 tại Trung Quốc. Chỉ trong vòng vài tuần, SARS đã lây lan nhanh chóng sang 37 quốc gia trên thế giới qua đường du lịch hàng không.
Đặt dưới kính hiển vi, các nhà nghiên cứu đã tìm ra nhiều điểm chung về hình dạng và đặc điểm của 2 loại virus đáng sợ này, và chúng cùng chung 1 họ virus. Nguyên nhân dẫn đến dịch SARS xuất phát từ một loại virus ở loài cầy hương hoang dã mà khi chúng xâm nhập vào cơ thể người, chúng có thể lây nhiễm sang cơ thể người khác qua đường hô hấp như: nói chuyện, ho, hắt hơi, dùng chung đồ dùng cá nhân… Một số trường hợp lây nhiễm cá biệt, virus sẽ lây nhiễm qua nhiều hình thức như tay nắm cửa, điện thoại, các nút thang máy mà người nhiễm bệnh từng sử dụng. Virus SARS đã lây nhiễm sang khoảng 8.000 người trên toàn thế giới, trong đó khoảng 800 người tử vong.
2 loại virus gây nên 2 đại dịch gây ám ảnh cho nhân loại - Ảnh: afamily.vn
Trong quá trình chiến đấu phòng chống dịch SARS, các nước trên thế giới đều phát hiện sớm những ca nhiễm và áp dụng đa dạng nhiều biện pháp để cách ly và ngăn chặn sớm các ca bệnh theo quy trình.
Ngày 26/02/2003 có thể coi là ngày bệnh SARS chính thức xâm nhập vào Việt Nam, với bệnh nhân đầu tiên là ông Johnie Chun Cheng nhập viện tại Bệnh viện Việt - Pháp với những triệu chứng sốt cao, ho khan và đau cơ. Trước khi tới Hà Nội, doanh nhân này đã qua Hong Kong (Trung Quốc).
Sau 45 ngày kể từ ca SARS đầu tiên, đến ngày 28/4/2003, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố đã khống chế được bệnh SARS.
Nhìn lại dịch Covid-19, với những hình thức lây nhiễm tương tự, virus Corona năm 2019 gây nên bệnh viêm phổi cấp đã vượt xa về số ca nhiễm bệnh so với đại dịch SARS năm xưa, được WHO nhận định là “trường hợp y tế khẩn cấp toàn cầu”.
Minh Thanh
(Tổng hợp)