Ngày 31/5 hàng năm là Ngày Thế giới Không thuốc lá. Đây là dịp để người dân nâng cao nhận thức về những tác hại của thuốc lá cũng như các chính sách hạn chế sử dụng thuốc lá. Cũng vào ngày này, WHO tích cực phổ biến hoạt động của những doanh nghiệp thuốc lá và phản ứng từ chính WHO đối với vấn đề nghiện thuốc lá toàn cầu, qua đó đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp mọi người biết cách lên tiếng về sức khoẻ của bản thân và bảo vệ sức khoẻ cho những thế hệ mai sau.
Ảnh: Nastco/istockphoto
Lịch sử
Năm 1987, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt Nghị quyết WHA40.38 chọn ngày 07/4/1988 làm “Ngày Quốc tế Không hút thuốc” nhằm kỷ niệm 40 năm thành lập tổ chức. Đây có thể xem là xuất phát điểm chiến dịch vận động nói không với thuốc lá của WHO.
Sau sự kiện 07/4 thành công, WHO công bố tiếp Nghị quyết WHA42.19 năm 1988 lấy ngày 31/5 hàng năm làm Ngày Thế giới Không thuốc lá. Mục tiêu chính của ngày này là nâng cao nhận thức của mọi người về ảnh hưởng của thuốc lá đối với sức khoẻ, bao gồm tác động xấu của hành vi hút thuốc lá, các sản phẩm làm từ thuốc lá có thể gây ra các bệnh như ung thư, đột quỵ, bệnh tim, hay bệnh đường hô hấp như thế nào.
Chủ đề năm 2024
Chủ đề Ngày Thế giới Không thuốc lá năm 2024 là “Bảo vệ trẻ em khỏi ngành công nghiệp thuốc lá”, cụ thể là kêu gọi chấm dứt tình trạng đưa trẻ em tiếp xúc với các sản phẩm thuốc lá. WHO hy vọng có thể tạo ra môi trường nơi người trẻ, giới làm luật, và các tổ chức chống thuốc lá toàn cầu có thể cùng trao đổi, chung tay bảo vệ giới trẻ khỏi các phương thức lôi kéo sử dụng sản phẩm của ngành công nghiệp thuốc lá cùng các ngành liên quan. Mặc cho những số liệu tích cực, công tác tuyên truyền vẫn còn dài. Theo số liệu năm 2022, trên toàn thế giới có khoảng 37 triệu trẻ em 13-15 tuổi sử dụng sản phẩm chứa thuốc lá theo nhiều cách khác nhau. Chỉ tính tại Châu Âu, 11,5% trẻ nam và 10,1% trẻ nữ (tương đương tổng cộng khoảng 4 triệu em) trong độ tuổi trên có sử dụng thuốc lá.
Để có thể tiếp tục thu lời từ sản phẩm độc hại, ngành công nghiệp thuốc lá phải liên tục tìm đến nhóm khách hàng mới, trẻ hơn khi các lứa khách hàng cao tuổi hơn qua đời và càng nhiều người cai thuốc. Ngành đã thu hút thế hệ trẻ qua nhiều thủ thuật như nới lỏng quy định để khiến sản phẩm ngành dễ tiếp cận hơn. Các dòng sản phẩm và quảng cáo “thân thiện” trẻ em và thanh thiếu niên cũng xuất hiện trên nhiều nền tảng mạng xã hội và dịch vụ streaming vì lẽ đó.
Ảnh: Blink Media/WHO
Một số sản phẩm như thuốc lá điện tử và nicotine ngày càng phổ biến với giới trẻ. Ước tính trong năm 2022, 12,5% thanh thiếu niên tại Châu Âu đã dùng qua thuốc lá điện tử, so với chỉ 2% người lớn. Tại một số quốc gia trong khu vực, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đi học sử dụng thuốc lá điện tử cao gấp 2-3 lần so với các bạn đồng trang lứa hút thuốc lá. Những số liệu đáng báo động trên đây là lý do vì sao các cơ quan, tổ chức tham gia hưởng ứng Ngày Thế giới Không thuốc lá 2024 kêu gọi chính phủ của mình tiến hành truy cứu trách nhiệm các doanh nghiệp thuốc lá sở tại.
10 tác hại lâu dài đối với người hút thuốc lá
1. Ung thư phổi
Các hợp chất gây ung thư trong khói thuốc sẽ phá hỏng ADN trong tế bào phổi. Càng tiếp xúc khói thuốc nhiều bao nhiêu, số lượng tế bào đột biến hay phát triển dị thường càng tăng lên bấy nhiêu, dẫn đến ung thư phổi. Loại ung thư này thường ác tính, gây ra các triệu chứng như ho nhiều, đau tức lồng ngực, sụt cân, khiến chất lượng cuộc sống tệ đi và làm tăng nguy cơ tử vong.
2. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Khói kích ứng đường thở, tàn phá mô phổi, dẫn tới viêm phế quản mạn tính hay thậm chí là khí phế thũng, dạng phổ biến nhất của COPD. Người bệnh thường ho liên tục, khó thở, thường xuyên nhiễm trùng đường hô hấp và không thể hoạt động nhiều.
3. Bệnh tim
Các hoá chất trong khói thuốc tấn công mạch máu, dẫn tới xơ vữa động mạch, làm chậm tốc độ tuần hoàn máu, cản oxy đến tim, tăng nguy cơ đau tim, đau thắt ngực, ngưng tim, có thể dẫn đến tử vong.
4. Đột quỵ
Hút thuốc làm huyết áp tăng, khiến mạch máu dễ tắc nghẽn, không đưa máu lên nuôi não được, gây tổn thương não, dẫn đến liệt người, nói ấp úng, mất cảm giác, và có thể là tử vong.
5. Bệnh động mạch ngoại biên (PAD)
Nicotine cùng một số chất hoá học khác làm tổn thương phần động mạch đưa máu đến các chi, gây tắc nghẽn mạch, đau nhói, tê người, cũng như gia tăng nguy cơ nhiễm trùng các chi, trường hợp xấu nhất có thể phải cắt bỏ tay chân.
6. Nhiễm trùng đường hô hấp
Hút thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch và tổn thương đường thở, tạo điều kiện cho nhiễm trùng đường hô hấp. Người hút thuốc vì vậy dễ mắc viêm phế quản và các loại bệnh phổi hơn, sức khoẻ theo đó cũng giảm sút.
7. Khả năng sinh sản kém
Các chất hoá học trong thuốc lá sẽ ảnh hưởng đến lượng hormone mà cơ thể sản sinh cũng như các cơ quan sinh sản ở cả nam lẫn nữ. Hút thuốc làm giảm cơ hội thụ thai, tăng nguy cơ sẩy thai cũng như các biến chứng khác trong thai kỳ.
8. Tiểu đường type 2
Hút thuốc khiến mức kháng insulin tăng, làm cơ thể khó điều hoà đường huyết hơn, dễ có nguy cơ bị tiểu đường type 2 hơn, từ đó dẫn tới các bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh thận, và vấn đề về thị lực.
9. Hệ miễn dịch suy yếu
Chất hoá học trong khói thuốc ức chế hệ miễn dịch, làm khả năng chống chọi bệnh tật của cơ thể suy giảm. Từ đó cơ thể dễ mắc bệnh hơn, hồi phục chậm hơn, và có nguy cơ bị mắc bệnh cũng như bị nhiễm trùng cao hơn.
10. Vấn đề răng hàm
Hút thuốc làm giảm lượng máu vận chuyển đến hai hàm, làm độ kết nối giữa xương và mô nướu giảm đi, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, có thể dẫn đến nha chu. Người bị nha chu thường sưng và chảy máu nướu, hơi thở nặng mùi, sâu răng; những vấn đề này tác động tiêu cực đến việc ăn uống cũng như sức khoẻ răng miệng.
Việt Nam hưởng ứng Ngày Thế giới Không Thuốc lá
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết đã phát động nhiều chiến dịch tuyên truyền khắp Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức người dân về các ảnh hưởng tiêu cực của sản phẩm thuốc lá, chung tay xây dựng môi trường không khói thuốc.
Theo WHO, mỗi năm trên thế giới có hơn 8 triệu ca tử vong liên quan đến thuốc lá. Tại Việt Nam, tổng số tiền đổ vào khám chữa bệnh và điều trị bệnh tật cũng như chi phí dành cho những ca tử vong sớm có liên quan đến sử dụng thuốc lá lên đến 108 triệu VND/năm.
Sau 10 năm ban hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc giá giảm đều đặn 0,5%/năm, từ 47,7% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023. Tỷ lệ các bạn thanh niên hút thuốc cũng giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019 xét độ tuổi 13-17, và từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022 xét độ tuổi 13-15. Còn tỷ lệ hít khói thuốc lá (hay hút thuốc lá thụ động) ở môi trường công cộng, nơi làm việc, cũng như nhà riêng cũng giảm đi đáng kể.
Song, bên cạnh những con số tích cực này là nhiều vấn đề mới nổi, như thói quen hút thuốc điện tử hay thuốc lá làm nóng của một số thanh thiếu niên gần đây. Bộ trưởng dẫn một số nghiên cứu chỉ ra tỷ lệ sử dụng các loại thuốc hút kiểu mới ở các bạn trẻ 13-15 tuổi đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% vào năm 2022 lên 8% năm 2023.
Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ em khỏi tầm ảnh hưởng của ngành công nghiệp thuốc lá. Bà chia sẻ câu chuyện gia đình mình, bộc bạch ước nguyện con gái nhỏ có được cuộc sống khoẻ mạnh, hạnh phúc, viên mãn.
Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam - Ảnh: baochinhphu.vn
Trưởng Đại diện WHO cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế cùng các cơ quan, tổ chức khác nhằm đảm bảo tất cả trẻ em Việt Nam được sống khoẻ, sống vui, sống thọ, đồng thời kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ trẻ khỏi tác động xấu từ thuốc lá truyền thống lẫn các loại thuốc điện tử và sản phẩm thuốc lá mới. Theo bà, một trong những vấn đề đáng quan tâm là chiến thuật quảng cáo của các doanh nghiệp thuốc lá ngày càng thu hút đối tượng trẻ hơn, khiến họ biện nghiện ngay từ nhỏ.
Được biết ngày 24/5/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thông qua Chiến lược phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 và nhận định công tác giảm tỷ lệ người hút thuốc trong cộng đồng là một mục tiêu quan trọng. Còn trong ngày 13/5/2024 vừa qua, Thủ tướng đã ra chỉ đạo cho các bộ ngành và cơ quan liên quan củng cố biện pháp nhằm nhanh chóng ngăn chặn thói quen hút thuốc điện tử và các sản phẩm thuốc lá làm nóng trên phạm vi toàn quốc gia.
Huỳnh Trọng Nhân
( Tổng hợp & lược dịch)