Trang chủ»Nhân vật - Sự kiện

Nhân vật - Sự kiện

Ngày Valentine Trắng ở Nhật

Ngày 14 tháng 3 hàng năm là một ngày đặc biệt tại Nhật Bản. Nếu như vào tháng 2, chị em phụ nữ tặng những loại sô-cô-la đắt tiền cho bạn trai thì đây là dịp cho cánh đàn ông thể hiện tình cảm của mình bằng những món quà đặc biệt. Tuy ý tưởng tặng quà qua lại cho nhau này xem chừng khá đơn giản và trên thực tế cũng chỉ xuất hiện khoảng 40 năm trở lại đây, phong tục này đã phổ biến sang các đất nước lân cận như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan,… Vậy ngày lễ này bắt nguồn từ đâu? Món quà các bạn trai thường tặng cho bạn gái mình là gì? Và liệu sự kiện này có đang mất dần sức hút của nó?

Ngày Valentine Trắng đầu tiên

Bộ Thương mại Hoa Kỳ cùng nhiều nguồn tin khác cho hay Valentine Trắng thực chất do một công ty bánh kẹo sáng tạo ra, công ty Ishimura Manseido tại Hakata, tỉnh Fukuoka, Nhật Bản. Được biết, quản lý của công ty, ông Zengo Ishimura, nghĩ đến ý tưởng “Ngày Trắng” vào năm 1977 sau khi đọc một vài lời bình luận trên các tạp chí phụ nữ rằng thật bất công khi nữ giới phải tặng quà cho nam vào ngày Valentine (một truyền thống ở Nhật Bản) nhưng mình lại không nhận được món quà tình nhân ý nghĩa nào. Vậy là công ty cho sản xuất một loại kẹo dẻo marshmallow trắng bên trong có nhân sô-cô-la và phổ biến ý tưởng “Valentine Trắng”, một dịp đặc biệt để nam giới “hồi âm” món quà nhận được một tháng trước đó.



Kẹo marshmallow nhân sô-cô-la, món quà phổ biến ngày Valentine Trắng - Ảnh: forbes.com

Các chàng trai tặng gì vào Ngày Valentine Trắng?

Theo thông lệ, vào ngày Valentine, các bạn nữ tại Nhật Bản sẽ tặng ba loại quà cho ba đối tượng khác nhau. Đối tượng đầu tiên là bạn bè thân thiết của các cô gái, những người sẽ nhận “tomo-choco” hay “sô-cô-la bè bạn”. Đối tượng thứ hai là đồng nghiệp trong công ty hay người quen, những người sẽ nhận “giri-choco” hay “sô-cô-la nghi lễ”. Và đối tượng thứ ba là đối tượng đặc biệt nhất, sẽ được tặng món quà giá trị nhất là “honmei-choco” hay “sô-cô-la tình yêu”. Những món quà này có thể được mua từ các cửa hàng nổi tiếng hay được các cô gái tự tay làm.

Về phần các chàng trai, họ không thường tặng đồ handmade cho bạn gái mà sẽ chọn những món đồ đắt tiền để thể hiện tấm lòng của mình. Ngoài loại marshmallow nhân sô-cô-la như đã kể trên, các chàng trai còn tặng các loại bánh kẹo có màu trắng, khăn tay hay khăn choàng cổ màu trắng. Đặc biệt, có nhiều chàng còn bỏ tiền mua các loại ngọc làm quà tặng. Tuy không bắt buộc, các bạn nam đôi khi cảm thấy mình cần phải tặng thêm cho bạn bè, người thân, và đồng nghiệp các quà tặng “nghi lễ” giống như các bạn nữ đã làm vào ngày Valentine.

Các cửa hàng tại Nhật chớp lấy thời cơ và giới thiệu sản phẩm của họ là “okaeshi” hay “quà đáp lễ”. “Chiến lược” này đánh trúng tâm lý đền ơn đáp nghĩa của người Nhật, vốn luôn coi trọng tập thể, hướng đến sự hoà hợp giữa những cá nhân với nhau trong môi trường xã hội hoặc trong môi trường công sở. Tuy nhiên, việc tìm quà tặng lại cũng tạo sức ép lớn lên túi tiền và khi có dính dáng đến tiền bạc, những ngày lễ như thế này mất dần đi sức hút vốn có của nó.

Valentine Trắng ngày càng mất dần sức hút?

Viện Nghiên cứu Ngày kỷ niệm Nhật Bản, tổ chức theo dõi mức tiêu thụ của người Nhật trong các ngày lễ và sự kiện lớn, cho biết tổng số tiền chi tiêu trong “Ngày Trắng” năm 2018 chỉ vào khoảng 53 tỷ yên (475 triệu USD), giảm 10% so với năm 2017. Dự kiến năm 2019, con số này sẽ giảm xuống còn 49 tỷ yên (hay 440 triệu USD).

Có nhiều nguyên nhân được đưa ra nhằm giải thích vì sao “Ngày Trắng” ngày càng mất dần sức hút. Một trong số đó là vì mọi người xem việc tặng quà qua lại trong những ngày lễ tình nhân như thế này giống một nghĩa vụ hơn là cử chỉ thể hiện tình yêu. Số lượng phụ nữ tặng quà cho nam vào ngày 14 tháng 2 giảm đi, khiến nam giới cũng không mặn mà gì chuyện đáp lễ một tháng sau đó.

Một số ý kiến khác lại cho rằng bởi những món quà tặng nhau không đa dạng và đặc sắc, nhiều người không còn hứng thú chọn quà vào những dịp như thế này nữa. Nhiều cửa hàng bánh kẹo vì đó mà cũng sáng tạo nhiều tặng phẩm mới mẻ hơn, chẳng hạn như karinto - một loại quẩy rán tẩm đường truyền thống của Nhật - có thêm cánh hoa hồng.

Ngoài ra, các sự kiện khác trong năm cũng làm lu mờ sức ảnh hưởng của ngày Valentine và “Ngày Trắng”. Giáo sư xã hội học và nhân học Tomomi Yamaguchi thuộc Đại học Montana cho rằng những ngày lễ tình nhân đã lùi dần vào hậu trường, nhường sân khấu lại cho những sự kiện du nhập từ phương Tây khác, gần đây nhất là Halloween. Kỳ vọng về giới và vấn đề tài chính

Tuy nhiên, nếu nói đến nguyên nhân chính yếu, thật khó bỏ qua vấn đề tài chính và kỳ vọng về giới áp đặt lên các bên tặng quà. Gần đây nhiều bạn nữ muốn được bạn trai tặng loại pudding do các cửa hiệu nổi tiếng bày bán. Ngoài bao bì bắt mắt, thích hợp cho một tấm hình Instagram, sẽ là điểm cộng nếu chàng trai xếp hàng chờ mua loại pudding đặc biệt này - bằng chứng cho thấy anh ta yêu bạn gái mình đến nhường nào.

Nhưng tất nhiên không phải ai cũng đủ điều kiện mua được những món quà xa xỉ. Theo nhiều báo cáo, phần thu nhập sau thuế bình quân của người Nhật hiện ở mức thấp nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. Đó là chưa kể món quà đáp lễ thường phải cao giá hơn món quà nhận được, dẫn đến một nghịch lý là nhiều loại kẹo marshmallow lại có giá cao hơn hẳn các hộp sô-cô-la.

Cuối cùng, những thay đổi trong quan điểm người Nhật hiện đại về vai trò giới cũng khiến nhiều người không còn thiết tha với Valentine Trắng. Chính xác thì truyền thống nữ tặng quà cho nam vào ngày 14 tháng 2 cũng là do các trung tâm thương mại bày vẽ ra vào những năm 1970. Việc nữ tặng quà cho nam vào ngày Valentine và nam tặng lại quà cho nữ vào “Ngày Trắng” áp đặt vai trò giới lên mối quan hệ tình cảm, cũng như biến những ngày lễ này thành sự kiện dành riêng cho những cặp đôi, theo Yamaguchi. Trong môi trường xã hội Nhật Bản cởi mở hơn, việc ai tặng quà cho ai không còn bó buộc, vì vậy họ không cần đến hai ngày lễ tình nhân nữa.

Huỳnh Trọng Nhân
(Tổng hợp và lược dịch)

SIU Review - số 140

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán