Cô Nguyễn Thu Quyên, giáo viên lịch sử của trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương, đã tạo ra các mô hình 3D về bảo tàng để truyền cảm hứng cho học sinh của mình.
Ảnh: tuoitrenews.vn
Chỉ với vài cú nhấp chuột, cô Quyên đã giới thiệu cho các học sinh của mình những bảo tàng sinh động, nơi họ không chỉ trải nghiệm các phòng 3D đầy đủ hình ảnh lịch sử mà còn có thể truy cập thông tin về các giai đoạn lịch sử.
Học sinh được mời đóng góp ý kiến và chia sẻ kiến thức về các sự kiện lịch sử.
Dương Trung Hải, một học sinh lớp 12 cho biết: “Chúng em đã được tiếp cận với các bảo tàng ảo từ năm 2015. Nó đã giúp chúng em mở rộng kiến thức về lịch sử. Các bảo tàng lịch sử 3D cũng đã tăng thêm sự sáng tạo cho chúng em và khuyến khích niềm say mê cho môn học này”.
Tìm tòi trên Google
Nhớ lại về việc tạo ra một bảo tàng 3D, cô Quyên nói rằng cô đã nuôi dưỡng ý tưởng này từ năm 2011: “Mọi thứ bắt đầu sau khi tôi nhìn thấy một phần mềm dạy tiếng Anh có tên là Amazing Wiz English bao gồm một nhân vật ảo dạy các bài học. Tôi đã say mê và muốn tạo ra một phần mềm tương tự cho môn học của mình với người kể chuyện là anh hùng dân gian của Việt Nam, Thánh Gióng.”
Cô Quyên đã kết hợp với một người bạn đến từ trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội để thực hiện kế hoạch này, mặc dù họ đã thất bại do số tiền quá lớn và hạn chế về thời gian, nhưng cô đã không bỏ cuộc.
Với lòng nhiệt tình, cô bắt đầu làm việc với máy chiếu, máy tính và phần mềm chỉnh sửa phim để tạo ra các video dựa trên các tài liệu lịch sử có sẵn cho các bài học của mình.
Một bước ngoặt đã đến vào năm 2015 khi cô được giới thiệu về một chương trình có bảo tàng 3D về đèn lồng cổ Việt Nam và văn hóa Phật giáo. Đó là lúc cô tìm kiếm trên Google làm cách nào để tạo những video cho chính mình.
Cô nhớ lại: “Cuối cùng, tôi cũng tìm thấy một số phần mềm miễn phí cho phép các giáo viên tạo ra các album ảnh dưới dạng các phòng trưng bày 3D sử dụng nhiều mẫu khác nhau. Sản phẩm đầu tiên của tôi được tạo ra sau 3 giờ làm việc dưới sự hướng dẫn của một người bạn. Phần quan trọng nhất là tìm kiếm các tư liệu trực tuyến phù hợp. Hiện tại, tôi mất khoảng 15 phút để ‘xây dựng’ một bảo tàng.”
Cho đến nay, cô Quyên đã tạo ra bảo tàng về các quốc gia ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.
Theo Hiệu trưởng Trịnh Ngọc Tùng, cô Quyên là người tiên phong trong việc áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập tại trường.
Thanh Thiên
(Lược dịch)